Một thời “mưa đạn”, “bão bom”
Đường từ Đông Hà lên với huyện Đakrông (nghĩa là loài chim lớn) – vùng chiến địa một thời ở bờ Bắc sông Bến Hải ngày nay đã dễ đi nhiều lắm. Nhưng chả có gì thú vị bằng được ngồi đò, theo sông, theo những “con đường nguyên thủy” ngày xưa để lên đến với vùng đất này. Từ Đập Trấm, để thấu hiểu những đoàn quân mũ tai bèo đi cứu nước năm xưa, với đỉnh điểm là trận chiến 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi đã có một “hành lộ nan” để chiêm nghiệm.
Giờ, sông Thạch Hãn – Ba Lòng – Đakrông đã bị các đập thủy lợi chặn dòng nên việc đi lại bằng đường thủy tương đối khó khăn, chỉ đáp ứng cho loại thuyền nhỏ. Ngày trước, nhất là hơn 40 năm qua, từ ngày những đoàn quân giải phóng lặng lẽ hành quân để vào với Thành cổ thì đây vẫn là tuyến huyết mạch giao thông chủ yếu.
Cuộc sống mới của người dân ở Húc Nghì.
Từ Đập Trấm, thuyền lặng lẽ đi, xa xa là vùng Thành cổ Quảng Trị. Lịch sử ùa về, cách đây hơn 40 năm, để tiến tới bàn đàm phán cho Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, quân giải phóng đã lặng lẽ hành quân vào và tập kết tại khu vực bờ Bắc sông Bến Hải này. Chỉ 81 ngày đêm, hàng vạn người chiến sĩ giải phóng ấy đã đi mãi không về để giữ Thành cổ. Trong 81 ngày đêm này, theo thống kê, số lượng bom đạn mà Mỹ và binh lính Ngụy trút xuống đây đã có sức tàn phá bằng 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản vào năm 1945.
Như một cuốn biên niên sử sống hiện nay của Quảng Trị, ông Lê Mậu Đạt - Hội Người cao tuổi tỉnh Quảng Trị trầm ngâm: Chưa ai có thể thấy sự thảm hại của chiến tranh, được thể hiện cao độ ở đất này vào những năm 1972. Các núi đồi, kéo dài từ Biên giới Việt – Lào, qua Thị trấn Khe Sanh rồi tới Ba Lòng, Đakrông bị “tẩm hóa chất” diệt cỏ dioxin cây cối chết sạch. Đâu đâu cũng thấy màu xám đỏ của đất cùng các hố khoan của trọng pháo. Toàn vùng đất này, ngày ấy được coi là “tọa độ chết”, ruộng đồng bỏ hoang, nhà cửa bắt lửa thành tro, người Pa Cô, Vân Kiều phải dời bản kiếm chỗ náu thân.
Hầm hào, đạn, màu xanh áo lính và những tiếng nổ suốt ngày đêm là những gì của miền đất này ngày ấy. Khó ai có thể đoán định, sau chiến tranh, sẽ là bao nhiêu năm đất này mới có màu xanh, mới có hơi ấm của con người và làng mạc. Ấy thế mà cũng lạ kỳ, với sức mạnh của người Việt, những lời hỏi bỏ ngỏ và sự đoán định ấy đã có nghiệm giải chưa quá nửa đời người. Hơn 40 năm sau, giờ đây chúng tôi đã đi dưới bát ngát màu xanh, giữa tiếng nói cười và những đôi mắt trong veo của trẻ nhỏ.
Tan nát và... hồi sinh
Chúng tôi đi xuyên qua các bản, các xã như A Vao, A Bung, A Ngo, Tà Rụt, Húc Nghì, Tà Long, Ba Nang, Mò Ó…; cuộc sống của người dân đã thay đổi tới mức diệu kỳ. Trước đây, trong chiến tranh, Mò Ó cũng là nơi trắng đồng, trắng đất, trắng dân vì pháo và bom. Nhưng nay, “vùng đất trắng” một thời này đã xanh lại với 4 thôn nằm bên cạnh sông Dakrông. Hồ Văn Hiền, mới là đứa trẻ chạy pháo, chạy bom và chạy hóa chất dạo nào nay đã là một người đàn ông hết sức rắn rỏi. Lục lại quá khứ, Hiền cho biết, ngày ấy sợ lắm, nhưng người Vân Kiều mình không bỏ quê đâu. Hết súng đạn, hết giặc mình lại về quê cũ thôi.
Lại san, lại lấp, bằng sức lực của người Vân Kiều, màu xanh đã được trả lại cho đất. Từ một vùng không dân, hiện nay, Mò Ó đã là một xã với gần 2.000 nhân khẩu. Đặc biệt, từ khi trạm bơm Đồng Đờn được Nhà nước đầu tư, người dân ở Mò Ó đã có gần 400ha lúa nước. Nhờ việc đưa nước về đồng và chuyện người dân giã từ lúa nương sang trồng lúa nước, thóc đã về nhà nhiều hơn. Nhờ thóc, nhờ gần 200ha cây lâm nghiệp trồng xuống mà mỗi năm, Mò Ó đã dần đầy đủ hơn.
Trong 13 xã hiện có của Dakrông, Húc Nghì vốn là xã xa xôi và biệt lập nhất. Trước đây, thời chiến tranh, cũng như các xã trong huyện, gần như phần lớn đất Húc Nghì không những nằm trọn vẹn trong tầm đạn pháo mà nơi đây còn là vùng đất bủa vây bởi Hàng rào điện tử McNamara. Nơm nớp như vậy nên chuyện bỏ làng, bỏ xóm của người Húc Nghì cũng không là ngoại lệ. Thế nhưng cũng như Mò Ó, sau chiến tranh, người dân Húc Nghì đã tìm về nơi cũ dựng nhà, dựng bản.
Dakrong – “miền đất chết” đã hồi sinh!
So với các xã, Húc Nghì vốn được coi là đàn em nhất vì ít dân cư, khí hậu thổ nhưỡng lại không thuận. Nhưng không phải vì vậy mà người dân Húc Nghì không vươn lên. Cầu tràn qua sông Dakrông đã được đầu tư, phá thế cô lập cho Húc Nghì với những miền đất khác. Rồi 280ha diện tích đất gieo trồng của Húc Nghì đã được luân canh, nâng cao sản lượng lương thực trên đầu người dân mỗi năm. Các thôn như La Tó, Cợp, 37… cuộc sống của người dân đã được cải thiện rất nhiều.
Cũng ở miền đất chiến địa này, trước đây, nói đến Ba Lòng – một vùng chiến khu nổi tiếng của huyện Đakrông, không chỉ riêng người Quảng Trị mà miền đất này còn gieo vào trong lòng người mọi nơi những ám ảnh không thể nguôi ngoai. Ngoài khó khăn về đi lại thì miền đất này còn “nổi tiếng” về đói nghèo. Nhưng do những tâm huyết một lòng để vun đắp cho Ba Lòng, ngày nay đất này đã thay da, đổi thịt!
Sau năm 1954, khi Pháp bị ta đánh đuổi, vì nằm ở vị trí có tầm chiến lược nên Ba Lòng cũng nhanh chóng được Mỹ – Ngụy đưa vào thế cùm kẹp. Từ Ba Lòng, theo đường chim bay rất gần Thành cổ Quảng Trị vậy nên vô hình chung Ba Lòng cũng nằm trọn trong tầm kiểm soát này. Khi Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào được mở, một lần nữa Ba Lòng lại nằm trọn trong tầm đạn pháo nã và việc rải chất diệt cỏ và phát quang. Đạn pháo, chất độc đã làm người và đất ở đây tê liệt. Để chống chọi với những tàn phá khủng khiếp này, người dân đã di cư di tản, một thời Ba Lòng nằm trong tình trạng trắng dân.
Sau những năm chiến tranh, kéo dài đến năm 1997, khi huyện Đakrông chưa được thành lập, Ba Lòng thực ra vẫn luẩn quẩn với những đói nghèo. Không để Ba Lòng nghèo, để Ba Lòng nghèo là có tội với lịch sử đã được Quảng Trị và lãnh đạo huyện Đakrông xác định và đưa ra trong sự phát triển của mình. Để mảnh đất này thực sự có cơ hội vươn lên, cán bộ được lựa chọn, họ đã đem trong mình một tấm lòng lên với Ba Lòng mà quyết tâm lớn nhất là bám dân và tìm cách thoát nghèo.
Đầu tiên là đường, với sự kêu gọi và ưu tiên vốn đầu tư, một thời gian ngắn sau ngày thành lập huyện, hơn 18km đã được trải nhựa hanh thông, chấm dứt việc gò lưng đạp xe trên những con đường đá hộc hay ngược sông, ngược ghềnh mà lên. Cùng với con đường, điện lưới quốc gia cũng đã được kéo vào từ năm 2000.
Hiện Ba Lòng có khoảng 600 hộ, sinh sống trong 10 thôn của xã. Trước đây, thời cao điểm, 60% hộ dân của xã đói nghèo. Nhưng cùng với chủ trương được phát huy nên chỉ trong một thời gian ngắn, số hộ nghèo của Ba Lòng đã được giảm xuống nhanh chóng. Vì đất chiến địa nên một thời ruộng đất Ba Lòng bị hoang hóa. Sau một thời cầm tay chỉ việc, nói cho dân rõ, dân hiểu và tạo động lực hăng say sản xuất, tới nay Ba Lòng đã có cho mình 52ha ruộng nước, gần 300ha trồng hoa màu, trong đó có các loại đặc sản như đậu tương và ngô.
Bài và ảnh: Phương Nguyên