Hội LHPN huyện Triệu Phong đã kịp thời bắt tay vào việc hỗ trợ phụ nữ vùng biển phát triển kinh tế, góp phần cùng toàn huyện tạo sự chuyển biến về kinh tế xã hội và nâng cao đời sống cho từng hộ gia đình. Với quan điểm, để thay đổi cuộc sống cho các hộ gia đình hội viên không phải một sớm, một chiều mà phải cần có sự đầu tư, tập trung lâu dài, cần sự nỗ lực, tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực và ý chí thoát nghèo của chính cán bộ, hội viên phụ nữ vùng biển. Với những trăn trở, suy nghĩ tìm những cách làm mới, làm hay, phù hợp với năng lực, nhu cầu của chị em, chọn một số giải pháp ưu tiên, trọng tâm, khai thác thế mạnh sản xuất vùng cát để phát triển sinh kế bền vững. Hội LHPN huyện Triệu Phong đã chủ động kết nối, huy động nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền, một số ban ngành, các tổ chức phi Chính Phủ…phối hợp với hội phụ nữ các xã vùng biển bãi ngang xây dựng nhiều mô hình hoạt động hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ vùng biển.
Hội LHPN huyện Triệu phong phối hợp tổ chức Hội nghị truyền thông đối thoại chính sách hỗ trợ phụ nữ vùng biển phát triển kinh tế tại xã Triệu Lăng.
Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho chị em vùng biển về phát triển kinh tế, phối hợp với Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị truyền thông đối thoại chính sách hỗ trợ phụ nữ vùng biển phát triển kinh tế tại xã Triệu Lăng với hơn 100 hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã để chia sẻ về các chính sách liên quan đến hỗ trợ người dân khó khăn xã Triệu Lăng và có nhiều chính sách hợp lý như xây dựng đề án cây con chủ lực giai đoạn 2016 - 2020; thực hiện các chương trình xuất khẩu lao động, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho ngư dân vùng biển...Từ năm 2015 đến nay, Hội cũng đã tổ chức tuyên truyền, tuyền truyền lồng ghép vào trong các buổi sinh hoạt Hội, nhóm Phụ nữ tiết kiệm, tín dung, nhóm tương hỗ... Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xuất khẩu lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, đào tạo nghề...cho hơn 5.000 lượt hội viên, phụ nữ vùng biển như: Chăn nuôi lợn, trồng cỏ nuôi bò, nuôi bò, vịt, gà, nuôi tôm,cá..., kỹ thuật trồng ném, đậu đen xanh lồng, đậu đỏ, đậu xanh, trồng lạc, trồng khoai lang tím, ném, kiệu, mướp đắng, sản xuất lúa theo hướng canh tác tự nhiên, kỹ thuật chế biến món ăn, chế biến thủy hải sản như: Chế biến nước mắm, ruốc, hấp sấy cá... Từ những lớp tập huấn, truyền thông, tuyên truyền, nhiều chị đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, trồng trọt, biết đầu tư xây dựng các mô hình. Được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện với nhiều hình thức, tín chấp cho vay vốn, hỗ trợ kiến thức, cây, con giống, vận động hội viên phụ nữ hỗ trợ hơn 2.000 ngày công thu hoạch mùa, hoa màu cho các hộ khó khăn, nghèo thiếu nhân lực vùng biển.
Muốn xây dựng mô hình, đầu tư chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình trước hết phải cần có vốn. Để huy động nguồn lực về vốn tại chỗ, nguồn tiết kiệm tại chi hội, Hội vận động hội viên, phụ nữ tham các loại hình tiết kiệm: Tiết kiệm tại chi tổ, tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách – xã hội, tiết kiệm trong các tổ góp vốn quay vòng, tiết kiệm trong các tổ hợp tác... đã có 100 % chi hội vùng biển có mô hình tiết kiệm, mỗi năm hơn 500 triệu đồng. Phát huy vai trò của kinh tế tập thể, chị em đã vận động thành lập nhiều mô hình hợp tác với phương thức hoạt động theo tính liên kết, nâng cao vai trò chủ thể của thành viên, chú trọng phát huy tiềm năng, trí tuệ, năng lực của mỗi một thành viên để tạo nên sức mạnh và tính bền vững của mô hình. Hội tập trung vào xây dựng mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết, CLB phụ nữ phát triển kinh tế; mô hình hỗ trợ con giống, bò sinh sản quay vòng, mô hình ngân hàng bò giống hỗ trợ hội viên, phụ nữ thoát nghèo bền vững... đã hỗ trợ hàng trăm con giống bò, lợn, gà cho hội viên, phụ nữ nghèo; hướng dẫn, hỗ trợ chị em xây dựng hơn 10 mô hình kinh tế như: Mướp đắng, mô hình chuyển đất lúa thiếu nước sang trồng đậu xanh, đậu đen xanh lòng, mô hình trồng ném trên cát, chế biến nước mắm, chăn nuôi lợn; trồng cỏ nuôi bò, nuôi gà thả vườn, tổ hợp tác chăn nuôi lợn, chế biến thủy hải sản...Hội LHPN huyện đầu tư xây dựng mô hình tổ hợp tác chăn nuôi lợn tại xã Triệu Vân, mô hình đã giúp chị em vốn, con giống, kỹ thuật, kết nối đầu ra, các thành viên được trang bị kiến thức về mọi mặt, liên kết với nhau về thú y trong chăn nuôi, chọn giống, tạo giá trị thành phẩm...Tổ hợp tác chăn nuôi lợn đã giúp chị em phát triển kinh tế, giảm nghèo. Nhiều mô hình trồng ném được xây dựng có hiệu quả như mô hình trồng mướp đắng, dưa leo, trồng đậu đen xanh lồng của chị Lê Thị Niệm ở thôn 7, xã Triệu Vân mỗi vụ thu nhập trên 30 triệu đồng, mô hình chăn nuôi gà của chị Nguyễn Thị Riến ở thôn 7 triệu Vân, mỗi lứa 500 đến 1000 con, mỗi năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng, với việc thực hiện mô hình này chị đã vươn lên thoát nghèo. Chị Phan Thị Trúc, thôn 8, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong đầu tư làm trang trại chăn nuôi lợn và cung cấp thức ăn gia súc, thu nhập bình quân mỗi năm 150 triệu đồng. Mô hình chăn nuôi lợn Chị Bùi Thị Oanh, ở thôn Sinh Thái, xã Triệu Vân trang trại nuôi lợn của chị đã phát triển quy mô 300 con, doanh thu từ chăn nuôi của gia đình chị mỗi năm đạt 2 tỷ đồng.
Mô hình mướp đắng xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong
Cùng với việc vận động gia đình hội viên phụ nữ phát triển đánh bắt hải sản, hội vận động các gia đình hội viên khai thác thế mạnh vùng biển, tận dụng các khu vực đầm, hồ, diện tích bãi bồi và mặt nước tự nhiên để nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ, nước ngọt các loại, nuôi tôm trên cát...Vận động chị em phát triển kinh tế vùng đất cát, rừng tự nhiên và rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát nhằm giảm cường độ gió, chắn cát di động, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, các khu dân cư và vùng sản xuất cùng với các xã ven biển giữ vững tổng diện tích đất có rừng hơn 700 ha; vận động gia đình hội viên phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, đảm bảo bền vững, an toàn dịch bệnh. Phát triển mạnh nông nghiệp sạch, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Với lợi thế về nuôi trồng thủy sản, khi nước biển trở lại bình thường, các hộ gia đình hội viên, phụ nữ cùng với địa phương đã mở rộng diện tích ao nuôi lên trên 300 ha. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ vùng biển phát triển kinh tế đã tác động tích cực đến đời sống, tạo tư tưởng “an tâm”, chổ dựa vững chắc cho hội viên, phụ nữ vùng biển.
Đạt được những kết quả đó, chị Đỗ Thị Ái Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN huyện Triệu Phong chia sẽ: “Hội LHPN huyện đã tập trung huy động nguồn lực, hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp sức cho hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, vận động hội viên, phụ nữ phát huy thế mạnh vùng biển, phát huy nội lực, tạo thành nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững”.
Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Triệu Phong tiếp tục các hoạt động Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế như: Huy động các nguồn lực để phát triển sản xuất vùng cát ven biển, xây dựng các mô hình kinh tế về chăn nuôi, trồng trọt, thành lập các tổ hợp tác chăn nuôi lợn, gà, chế biến thủy, hải sản, mô hình ngân hàng con giống, sản xuất vùng cát ven biển như: Nhân rộng mô hình mướp đắng, trồng ném, đậu đen xanh lồng...,xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường...tiếp tục tiếp sức, tạo cơ hội cho hội viên, phụ nữ đẩy mạnh phát triển kinh tế, bám đất, bám biển, góp phần giữ vững bảo quốc phòng - an ninh. Phương Thiện