Hội LHPN huyện luôn bám sát chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo của Hội cấp trên, vận dụng linh hoạt hiệu quả trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Tiết kiệm theo gương Bác”…đã thu hút không chỉ các tầng lớp phụ nữ trong toàn huyện mà còn nhận được sự hưởng ứng của cả cộng đồng.
Hàng năm, Hội Phụ nữ huyện xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, nhất là phong trào hỗ trợ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ. Công tác giảm nghèo được lồng ghép với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chủ động khai thác các nguồn vốn để giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế được Hội LHPN huyện xác định là nhiệm vụ ưu tiên xuyên suốt trong quá trình hoạt động, nhằm tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, phụ nữ; được gắn liền với mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế của huyện. Hội đã củng cố, nhân rộng các tổ tiết kiệm - tín dụng, các tổ vay vốn; tích cực khai thác nguồn vốn vay từ các chương trình, dự án để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Hàng năm, Hội đã đưa chỉ tiêu cam kết giao ước thi đua 100% phụ nữ nghèo được Hội giúp đỡ, từ chi, tổ hội đến huyện quyết tâm tập trung giúp đỡ, hỗ trợ chủ hộ phụ nữ thoát nghèo. Hội đã chủ động rà soát, khảo sát thực tế các hộ nghèo có phụ nữ và hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, nắm bắt tâm tư, tìm hiểu nguyên nhân và lắng nghe nguyện vọng của các chị hộ nghèo để giúp đỡ, đỡ đầu có hiệu quả. Hội LHPN huyện luôn xác định nhà ở là điều đáng quan tâm nhất đối với hộ nghèo nên đã kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, vận động cán bộ, hội viên, phụ 5 nữ đóng góp để xây dựng 15 mái ấm tình thương, nhà tình nghĩa cho phụ nữ nghèo.
Nhằm giúp các hộ phụ nữ có cơ hội thoát nghèo nhanh và bền vững, Hội tập trung hoạt động “Đỡ đầu chủ hộ phụ nữ nghèo”, phân công các chi, tổ Hội và các chị có điều kiện về kinh tế, kiến thức làm ăn, kinh nghiệm cuộc sống đỡ đầu cho các chị chủ hộ phụ nữ nghèo bằng cách tạo điều kiện cho các hộ vay vốn, cho mượn vốn, cây con, giống không lấy lãi, giúp đỡ ngày công thu hoạch mùa, làm nhà, chia sẽ kinh nghiệm làm ăn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, vận động hộ nghèo mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế, tập huấn, hỗ trợ kiến thức về chăm sóc sức khoẻ, tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con tốt...Hội tiếp tục hỗ trợ phương tiện sinh kế, duy trì, khai thác, quản lý có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu tiên cho hộ phụ nữ nghèo để đầu tư vào chăn nuôi lợn, gà, bò, dê, xây dựng mô hình kinh tế, tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Nguồn vốn dư nợ Hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện trên 150 tỷ đồng, cho hơn 6.000 hộ phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay để hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Để có nguồn vốn chủ động cho chị em vay, kịp thời giải quyết những khó khăn hoạn nạn, đầu tư chăn nuôi, sản xuất, buôn bán, Hội đã thành lập các tổ, nhóm tiết kiệm tín dụng, nhóm tương hỗ, tổ góp vốn giúp nhau với 546 tổ, 14.583 thành viên “ Tiết kiệm quay vòng, “Phụ nữ tiết kiệm - Tín dụng”, tổng số vốn dư nợ trên 17 tỷ đồng cho hơn 7. 000 chị vay.
Xác định cho hội viên, phụ nữ nghèo vay vốn thì dễ, giúp chị em có được một nghề, một cách mưu sinh vững chải âu không phải là chuyện giản đơn giản nên đã phối hợp tổ chức 55 lớp đào tạo nghề cho 1.700 chị; 20 lớp truyền thông cho 821 chị tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; 194 lớp tập huấn, truyền thông chuyển giao kỷ thuật chăn nuôi, trồng trọt, khởi sự kinh doanh... cho 7.890 chị… Từ kiến thức, kinh nghiệm đã được trang bị, nhiều hội viên phụ nữ nghèo đã đầu tư xây dựng các mô hình phát triển kinh tế: Mô hình chăn nuôi bò, lợn nái, lợn thịt, mô hình hợp tác xã chổi đót ở xã Hải Chánh, mô hình nón lá , trồng chè, trồng ném, nuôi tôm, chế biến nước mắm Mỹ Thủy…
Mô hình bánh đa của Hội LHPN tỉnh và huyện Hải Lăng đầu tư xây dựng
Để tăng nguồn “Quỹ tiếp sức cho phụ nữ nghèo”, Hội xây dựng mô hình “Heo đất tiết kiệm” “Hũ gạo tiết kiệm” tại các Chi, tổ Hội giúp, đỡ đầu cho các chị phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Trong hoạt động “Tiếp sức cho phụ nữ nghèo”, Hội quan tâm đến công tác hỗ trợ, giúp đỡ tiếp bước cho các cháu học sinh nghèo có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hội đã xây dựng quỹ khuyến học; mô hình “Tiết kiệm một tháng mùa hè”, mỗi ngày đi chợ…Từ năm 2011 đến nay, Hội đã tặng học bỗng cho sinh viên, các cháu thiếu nhi và con em phụ nữ nghèo học giỏi trị giá trên hàng trăm triệu đồng. Bằng những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, từ năm 2011 đến nay, Hội LHPN huyện Hải Lăng đã giúp 3.000 hộ và nhận đỡ đầu hơn 2.500 hộ phụ nữ nghèo làm chủ kinh tế, kết quả đã có 900 hộ phụ nữ làm chủ kinh tế thoát nghèo. Đầu tư xây dựng 258 mô hình phát triển kinh tế, 120 mô hình vượt nghèo điển hình. Nhiều chị phụ nữ thoát nghèo đã tích lũy, tích cực giúp đỡ chị em còn khó khăn hơn mình. Ngoài ra, Hội cũng đã chắp cánh khởi sự, khởi nghiệp cho phụ nữ nông thôn nghèo, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể để phát triển kinh tế thông qua việc, hướng dẫn thành lập các tổ, nhóm liên kết sản xuất, kinh doanh, thành lập các tổ hợp tác...Tranh thủ sự hỗ trợ của Hội cấp trên, trung tâm khuyến công, chương trình tầm nhìn thế giới, chương trình hạnh phúc...để xây dựng các mô hình dự án “Chăn nuôi bò giống sinh sản”, chăn nuôi lợn nái, nuôi bò, làm bánh đa, làm nón...
Hoạt động “Tiếp sức cho phụ nữ nghèo” đã có sức lan toả lớn, thể hiện quyết tâm cao đối với công tác giảm nghèo của các cấp Hội Phụ nữ huyện Hải Lăng. Cùng với những nỗ lực vượt khó, vươn lên của hội viên phụ nữ nghèo, cộng với sự hỗ trợ nhiệt tình đầy trách nhiệm của cán bộ Hội phụ nữ sẽ tiếp tục thúc đẩy các hộ thoát nghèo bền vững, thực hiện có hiệu quả phong trào “Phụ nữ Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”, góp phần hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đề ra. Phương Thiện