Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh uỷ Hoà Bình tổ chức ngày 27/6, tại tỉnh Hoà Bình.
Hội thảo được tổ chức nhằm hướng đến tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư khóa VII về một số công tác ở vùng dân tộc Mông.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Đỗ Văn Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 24 và Chỉ thị 45; Bùi Văn Tỉnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hòa Bình; đại diện các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, cùng đông đảo phóng viên báo chí.
Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: Đ.H)
Vùng dân tộc thiểu số, miền núi chiếm 3/4 diện tích của cả nước, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, môi trường sinh thái; là vùng có nhiều cửa ngõ thông thương với các nước láng giềng trong khu vực, nơi đầu nguồn của những con sông lớn, hệ thống rừng phòng hộ; có nhiều tiềm năng về đất đai, thủy điện, rừng, khoáng sản... Đây cũng là nơi khó khăn nhất về điều kiện tự nhiên và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các vùng Trung du, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và một phần vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung (khu vực dãy Trường Sơn).
Trước thực trạng đó, để kịp thời tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX); Kết luận số 57-KL/TW, ngày 03/11/2009 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao cho Ban Dân tộc, Tôn giáo, Quốc phòng, An ninh tham mưu xây dựng Nghị quyết số 07-NQ/HNDTW, ngày 15/10/2005 về “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế - xã hội nông thôn vùng dân tộc và miền núi khó khăn”.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 24 và Chỉ thị 45 cho biết: Trải qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 24 và 25 năm thực hiện Chỉ thị 45, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi được xây dựng đồng bộ hơn. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá được quan tâm đầu tư phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được giữ vững. Niềm tin vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số hạn chế như: Một số chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong nghị quyết của Trung ương, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị chưa đạt được; nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh trong thực tế chưa được giải quyết thấu đáo. Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho thấy, hiện vùng dân tộc thiểu số và miền núi là vùng có nhiều khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất… Do vậy, những nội dung được thảo luận tại Hội thảo sẽ là yếu tố tích cực để các cấp Hội Nông dân Việt Nam đóng góp công sức, góp phần thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Theo báo cáo tại Hội thảo, để đẩy mạnh phong trào Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế - xã hội nông thôn vùng dân tộc và miền núi khó khăn, các cấp Hội đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân sản xuất theo định hướng của địa phương, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia xây dựng cánh đồng lớn; sản xuất công nghệ cao, tư vấn, giới thiệu những giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ; tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, tổ chức tham quan, hội thảo học tập, trao đổi kinh nghiệm… để khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, vốn, đầu tư phát triển sản xuất. Phong trào đã góp phần thúc đẩy thành lập các loại hình trang trại, gia trại hiệu quả kinh tế cao; nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã thành lập các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông thôn hoặc làm sáng lập viên thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tham gia tích cực củng cố và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.
Kết quả, các cấp Hội đã chủ động phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ khí, điện và các nghề tiểu thủ công nghiệp cho trên 2,7 triệu lượt hội viên, nông dân. Trực tiếp tổ chức 257 lớp tập huấn kiến thức về kinh tế tập thể cho 12.986 lượt cán bộ Hội, phối hợp tổ chức 95 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 4.750 cán bộ, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác. Xây dựng 10.598 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, 170.319 mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; chuyển giao 708 mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học và chế phẩm Biowish trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản...
Phong trào đã thu hút được đông đảo các hộ nông dân tham gia, bình quân hàng năm có 6,5 triệu hộ nông dân đăng ký phấn đấu, từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Trong đó, có 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (cấp tỉnh và Trung ương chiếm 06%, cấp huyện chiếm 20% và cấp xã chiếm 74%). Nhiều mô hình quy mô sản xuất lớn thu hút hàng trăm lao động, thu nhập hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng mỗi năm. Các cấp Hội đã vận động các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lượt lao động, trong đó có 3,5 triệu lượt lao động có việc làm thường xuyên, hơn 7 triệu lượt lao động có việc làm theo mùa vụ... Đến nay, đã có 2.180.240 lượt hộ sản xuất kinh doanh giỏi là người dân tộc thiểu số.
Về cơ bản, phong trào đã góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất, tinh thần, vệ sinh môi trường nông thôn càng được cải thiện, tạo tiền đề thúc đẩy thực hiện công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn trên toàn quốc và xây dựng chuỗi liên kết trong nông nghiệp với mô hình 6 nhà: Nhà nông, Nhà nước, nhà đầu tư, nhà băng, nhà khoa học, nhà phân phối ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng và cả nước nói chung. Đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi ngày càng được cải thiện; ý chí, khát vọng vươn lên thoát nghèo và làm giàu của đồng bào các dân tộc có chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định, tập quán văn hóa tốt đẹp được khôi phục như: Trang phục, ngành nghề truyền thống được quan tâm, gìn giữ...
Tuy đạt được nhiều kết quả ban đầu khá tích cực, nhưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn nhiều khó khăn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao, sức cạnh tranh yếu, nguồn nhân lực chưa được bồi dưỡng phát triển xứng với tiềm năng, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt. Vai trò tham mưu, đề xuất của một số cơ sở Hội với cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc còn chưa kịp thời; một số nơi cán bộ Hội chưa thực sự sâu sát cơ sở nắm bắt tình hình sản xuất, tâm tư nguyện vọng của hội viên, nông dân.
Công tác phối hợp thực hiện công tác dân tộc, công tác tuyên truyền, vận động có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao; trình độ nhận thức của một bộ phận người dân tộc thiểu số còn thấp, nên kết quả việc triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc miền núi khó khăn còn ở mức độ nhất định; công tác đánh giá hiệu quả một số mô hình, nội dung hỗ trợ, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất còn yếu.
Hoạt động dịch vụ, hỗ trợ, tư vấn và lồng ghép với các chương trình, dự án tại địa phương còn nhiều lúng túng, nhiều nơi bước đầu mới tham gia vào vấn đề hỗ trợ vốn, trợ giúp về vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, xây dựng mô hình trình diễn, vấn đề nhân rộng mô hình, tư vấn về tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức…
Để nâng cao hiệu quả của chương trình Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sớm khắc phục những khó khăn, tồn tại, với 33 tham luận được gửi đến Hội thảo từ các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, nhiều diễn giả tại Hội thảo đã tập trung làm rõ, bổ sung về những kết quả đã đạt được, những hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, những vấn đề khó khăn nhất của Hội Nông dân các cấp tham gia phát triển kinh tế - xã hội nông thôn vùng dân tộc và miền núi; những vấn đề cần quan tâm và đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách để tiếp tục phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp tham gia phát triển kinh tế - xã hội nông thôn vùng dân tộc trong thời gian tới; những vấn đề đặt ra trong việc nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi…/.
Đặng Hiếu