Hội Nông dân huyện Hướng Hoá đồng hành giúp nông dân làm giàu và giảm nghèo bền vững 

Huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 94.000 dân bao gồm 3 dân tộc Kinh, Vân Kiều, Pa Kô cùng sinh sống ở 21 xã, thị trấn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% dân số. Huyện có diện tích tự nhiên hơn 115.000 ha, trong đó đất có khả năng sử dụng nông nghiệp khá lớn, điều kiện khí hậu, thời tiết thuận lợi để sản xuất các loại cây trồng, con nuôi mang giá trị kinh tế cao.

Những năm gần đây, cùng với phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình, chung sức xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân Hướng Hóa đã có những hoạt động thiết thực và thực sự trở thành người bạn đồng hành trợ giúp nông dân làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hướng Hóa Hồ Văn Toàn cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động xóa đói giảm nghèo, nâng dần đời sống kinh tế gia đình hội viên, chung sức xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây cùng với đổi mới nội dung phương thức hoạt động, tạo sự gắn bó mật thiết hội viên với tổ chức hội, Hội Nông dân Hướng Hóa đã tích cực tuyên truyền vận động nông dân các dân tộc trong huyện tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình hành động của địa phương, hăng hái tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương, mang giá trị kinh tế cao.

Mặt khác, hội thường xuyên tổ chức hướng dẫn các mô hình trình diễn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Từ năm 2012 đến nay, Hội Nông dân huyện và cơ sở đã phối hợp với các ngành, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Trạm thú y, Công ty phân bón Bacteri, Công ty phân bón Trường Anh, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức 50 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho hơn 2.300 hội viên nông dân; phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức trên 71 lớp dạy nghề, trong đó 60 lớp nông nghiệp và 11 lớp phi nông nghiệp cho 2.489 hội viên nông dân; phối hợp với các ban, ngành tổ chức 82 lớp đào tạo nghề cho 3.000 lượt hội viên nông dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, cây hồ tiêu, cây cao su, kỹ thuật chăn nuôi, thú y tại các xã Hướng Tân, Hướng Phùng, Tân Lập, Tân Hợp, Tân Liên, Thuận, A Dơi, Hướng Lộc, Ba Tầng. Triển khai xây dựng 3 mô hình khí sinh học tại thị trấn Lao Bảo; 1 mô hình lúa nước thích nghi năng suất cao tại xã Lìa; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT xây dựng 8 mô hình bi ô ga sử dụng khí sinh học vào sản xuất và sinh hoạt ở các xã Tân Liên, Tân Lập, Hướng Tân, Tân Hợp; 3 mô hình ứng dụng công nghệ giâm hom cây lâm nghiệp; 6 mô hình sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý ủ vỏ cà phê làm phân bón ở xã Hướng Phùng, Hướng Tân; thực hiện chương trình cải tạo đàn bò thông qua thụ tinh nhân tạo, sử dung tinh bò đực giống zebu; chương trình nạc hoá đàn lợn đưa giống mới thuần ngoại như Landrace, Yorshire vào nuôi. Nhiều giống gia cầm có năng suất, chất lượng cao, bảo tồn và phát triển một số giống gia súc, gia cầm địa phương có hiệu quả như lợn rừng, gà bản.

Đặc biệt, để trợ giúp nguồn vốn cho nông dân đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, mở mang các ngành nghề dịch vụ, Hội Nông dân huyện đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và Quỹ Hỗ trợ nông dân thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn, đôn đốc thu hồi các nguồn vốn đến hạn, thẩm định giải ngân kịp thời vốn vay cho các hộ nông dân. Đến nay tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân huyện quản lý là 2,041 tỉ đồng, trong đó Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương và tỉnh ủy thác 1,730 tỉ đồng thực hiện 5 dự án nhóm hộ, gồm dự án chăn nuôi bò nái sinh sản đảm bảo vệ sinh môi trường tại xã Tân Thành; chăm sóc cây hồ tiêu tại xã Hướng Phùng; chăm sóc và tái canh cây cà phê tại thị trấn Khe Sanh, trồng cỏ nuôi bò tại Khóm 1, thị trấn Khe Sanh; trồng và chăm sóc chuối Mật mốc theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm tại xã Tân Long, xã Thanh..

Với nguồn vốn ủy thác qua các ngân hàng 163,4 tỉ đồng, trong đó qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT là 22,4 tỉ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội 132 tỉ đồng, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt 9 tỉ đồng, vốn vay đã được nông dân sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, đầu tư khai hoang đất bằng sản xuất lúa nước, khai hoang đất đồi trồng sắn nguyên liệu, quy hoạch vườn nhà, vườn đồi trồng cây công nghiệp cà phê, hồ tiêu, cao su, bời lời, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá nước ngọt, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Nhờ vậy, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại do nông dân làm chủ mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Sa Mù tại xã Hướng Phùng, mô hình nuôi lợn rừng, bò vỗ béo tại Lao Bảo, Tân Thành, trang trại tổng hợp trồng trọt và chăn nuôi tại xã Tân Hợp, mô hình trồng hoa Lily thương phẩm tại thị trấn Khe Sanh; ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào chế biến cà phê thành phẩm của Công ty Pun Coffee tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, mô hình chăn nuôi hươu khai thác nhung của hộ bà Nguyễn Thị Thanh, tgoon Đại Độ, xã Hướng Phùng… Đến nay, toàn huyện có 3.059 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giỏi các cấp, trong đó cấp cơ sở 2.354 hộ, cấp huyện 635 hộ, cấp tỉnh 59 hộ, cấp trung ương 11 hộ.

Với vai trò là chủ thể, nòng cốt trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân Hướng Hoá đã tăng cường chỉ đạo các cơ sở hội tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền các xã đảm nhận thực hiện một số tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa. Những năm qua, hội viên nông dân trong toàn huyện đã hiến trên 100.000 m2 đất, đóng góp trên 10.500 ngày công lao động để xây dựng trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sạch, đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi khác, góp phần cùng các tổ chức đoàn thể và các xã chung sức xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn huyện đã có 5 xã đạt chuấn nông thôn mới, 7 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 6 xã đạt từ 8 - 9 tiêu chí, 1 xã dưới 8 tiêu chí.

Thực tế trong những năm qua khẳng định những hoạt động thiết thực, hiệu quả của Hội Nông dân Hướng Hóa đã trợ giúp hội viên nông dân, nhất là nông dân người dân tộc Vân Kiều, PaKô ở các bản làng vùng sâu, vùng xa thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn vay vốn xóa đói giảm nghèo, áp dụng khoa học kỹ thuật đầu tư tăng gia sản xuất, lập trang trại, gia trại, mở mang các ngành nghề dịch vụ… từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của quê hương, làm cho đời sống kinh tế của nông dân và cảnh quan bộ mặt nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Hướng Hóa ngày càng khởi sắc. Nguyễn Đình Phục

1217 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 840
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 840
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87013544