Xác định việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi là một nhiệm vụ trọng tâm góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp địa phương, nâng cao đời sống cho người dân; Hội Nông dân huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ sở hội làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, góp phần thay đổi nhận thức của hội viên nông dân về phát triển sản xuất; trong đó nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là thay đổi tập quán sản xuất của người dân, từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như áp dụng cơ giới hóa, sử dụng phân bón, khung lịch thời vụ đã góp phần nâng cao hiệu suất lao động của người nông dân. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan tổ chức mở các lớp tập huấn, lớp dạy nghề nông nghiệp cho hội viên, nông dân nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về quy trình kỹ thuật; đồng thời thông tin, giới thiệu cho hội viên nông dân về định hướng phát triển nông nghiệp của huyện nhà, về các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao trong giai đoạn hiện nay cần tập trung sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế. Thường xuyên phản ánh tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân đến các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn cấp huyện về nhu cầu hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi phục vụ sản xuất để tạo cơ sở định hướng thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong đó đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới, có giá trị kinh tế cao vào hỗ trợ cho các đối tượng được thụ hưởng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên trong việc đầu tư các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất, Hội Nông dân đã phối hợp với 3 ngân hàng trên địa bàn để tín chấp và ủy thác, với tổng dư nợ đến thời điểm hiện nay hơn 250 tỷ đồng/ 113 tổ vay vốn/ 4.212 lượt hội viên, nông dân được tiếp cận nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư các loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư để phục vụ sản xuất nâng cao năng suất.
Cùng với việc tuyên truyền, vận động hội viên nông dân sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; Hội Nông dân đã vận động hội viên thực hiện công tác quy hoạch lại vùng nương rẫy để bảo tồn, nhân rộng quy mô sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi mang tính đặc trưng của miền núi. Đối với các loại nông sản này tuy năng suất không cao nhưng sản phẩm mang tính đặc trưng, chất lượng tốt nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số sản phẩm được Hội quan tâm vận động hội viên, nông dân thực hiện công tác bảo tồn, nhân rộng như: Lúa nếp than, nếp cẩm (Ba Nang, A Bung, Húc Nghì, Tà Long), chuối lùn ở các xã A Vao, A Ngo, Tà Rụt. Thúc đẩy chăn nuôi: lợn Vân Pa, gà bản theo quy mô gia trại; quy hoạch lại diện tích trồng dứa…
Nhằm nâng cao giá trị của các mặt hàng nông sản, tạo đầu ra thuận lợi cho nông dân; trong những năm qua Hội Nông dân đã phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện chủ trì xây dựng nhãn mác cho một số mặt hàng nông sản theo hướng đăng ký thương hiệu sản phẩm, tổ chức đưa nông sản đến các hội chợ xúc tiến thương mại, liên kết sản phẩm góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản của địa phương, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Những sản phẩm nông sản đặc sản của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở huyện Đakrông
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên nên trong những năm qua tình hình sản xuất của nông dân trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao, các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được hội viên nông dân áp dụng được đưa vào sản xuất góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản. Một số loại nông sản của địa phương cũng đã được quy hoạch lại vùng sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa và đăng ký nhãn hiệu tập thể để nâng cao giá trị sản xuất. Qua đó hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp mang lại cao hơn so với giai đoạn trước; tỷ lệ hộ nghèo do Hội Nông dân quản lý hằng năm giảm chiếm hơn 40% tổng số hộ nghèo của toàn huyện. Kết quả số hộ hội viên, nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp trên toàn huyện cuối năm 2019 là 901 hộ; trong đó: Hộ đạt SXKD giỏi cấp Trung ương: 3 hộ, cấp tỉnh 37 hộ, cấp huyện là 174 hộ, cấp xã là 687 hộ. Đời sống kinh tế của hội viên, nông dân có những bước chuyển biến tích cực, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho người dân vùng nông thôn, miền núi./. Ngô Minh Phước