Hội nhập từ bên trong - giải pháp trong thế giới biến động 

(Chinhphu.vn) - Cần có giải pháp bất biến để hội nhập trong một thế giới vạn biến, đó chính là quyết tâm hội nhập từ bên trong. Cộng đồng doanh nghiệp cam kết sát cánh với chính quyền trong nỗ lực đề ra những quyết sách quan trọng trong quá trình hội nhập.

 

Đây là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị trực tuyến Ban chỉ đạo Quốc gia về Hội nhập quốc tế 2019 ngày 23/4 tại Hà Nội với sự chủ trì của lãnh đạo Chính phủ.
Chưa tận dụng tối đa lợi ích hội nhập
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế theo chiều sâu là một trong những dấu ấn tiêu biểu của nền kinh tế Việt Nam trong hành trình phát triển hơn nửa thập kỷ qua. 
Bước chuyển từ hội nhập chiều rộng sang chiều sâu là hướng đi đúng đắn và đã mang lại những con số thuyết phục về xuất khẩu, về đầu tư, về tăng trưởng... 
Nhưng kết quả còn quan trọng hơn chính là những thay đổi trong nhận thức xã hội, trong thể chế, trong cách thức điều hành nền kinh tế, trong môi trường kinh doanh và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả hội nhập kinh tế quốc tế cũng đã góp phần bảo đảm thực hiện chủ trương đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, bảo đảm sự phát triển tự chủ, bền vững hơn của nền kinh tế, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và chủ quyền đất nước.
Bên cạnh những mặt sáng của “tấm huân chương”, cần thẳng thắn nhìn nhận vào những hạn chế, yếu kém trong quá trình hội nhập.
Điều nuối tiếc nhất, Việt Nam chưa tận dụng được hết các cơ hội mà quá trình hội nhập mang lại. Từ góc độ kinh doanh, các doanh nghiệp của chúng ta đã điều chỉnh tốt để thích nghi và tiếp tục sinh tồn, nhưng lại thiếu năng lực hiện thực hóa tối đa các lợi ích tiềm tàng của quá trình hội nhập mang lại, để bứt phá, để vượt lên. Con số xấp xỉ 2/3 lợi ích thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) bị bỏ phí là một ví dụ. Tỉ trọng ngày càng thấp (và hiện tại chỉ ở mức dưới 30%) của các doanh nghiệp nội trong kim ngạch xuất khẩu mấy năm qua cũng là một ví dụ rất cần suy ngẫm khác. 
Thực tế, các doanh nghiệp FDI đã tận dụng tốt hơn các cơ hội kinh doanh so với doanh nghiệp nội. Sau bao năm thu hút FDI, vẫn chưa có được sự liên kết đáng kể nào giữa doanh nghiệp nội với các FDI để cùng thắng và tham gia có hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. 
Từ góc độ thể chế, mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể nhưng để tiến tới Top đầu trong ASEAN thì hành trình vẫn còn xa. Cải cách chính sách và pháp luật mới chỉ tập trung làm sao để không trái cam kết mà chưa tính tới việc chủ động. Chưa tận dụng tối đa các lợi ích hay giảm thiểu những tác động bất lợi từ các cam kết này.
Thay đổi để thích ứng tốt hơn với biến động
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, so với nửa thập kỷ qua, bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới có những điểm rất khác mà chúng ta không thể không chú ý và lượng định sớm các giải pháp cho phù hợp.
Thứ nhất, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung dù kết cục thế nào, chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc - công xưởng của thế giới phải thay đổi. Nền sản xuất và thương mại toàn cầu cũng từ đó sẽ thay đổi theo. Trung Quốc đứng trước sức ép thay đổi để vượt qua hàng rào bị áp đặt. 
Nếu điều này xảy ra, sự cạnh tranh về giá mà tất cả hàng hóa tương tự của Việt Nam phải đối mặt ở các thị trường sẽ tăng. Cùng với đó, những công nghệ cũ thải loại từ cuộc cải tổ mang tính “địa chấn” này cũng có thể là một cái “bẫy công nghệ thấp” với Việt Nam. Tiếp nhận các công nghệ giá rẻ này là một cơ hội tức thời, nhưng sẽ là rào cản níu kéo không cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các công nghệ tiên tiến hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn nhưng cũng đắt đỏ hơn. Đây là điều rất cần cảnh báo với cả doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thứ hai, hệ quả của làn sóng những biện pháp tự vệ hoặc thuế quan trừng phạt, trả đũa lẫn nhau giữa các đối tác kinh tế lớn trên thế giới sẽ khiến dòng đầu tư biến động kéo theo hiện trạng khách hàng, rào cản thị trường, thị phần, cạnh tranh trên thế giới của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam cũng thay đổi, và chúng ta sẽ phải đương đầu với những thách thức mới khó lường.
Thứ ba, dưới áp lực từ nhiều phía, WTO – một thiết chế nền tảng cho thương mại và đầu tư toàn cầu trong suốt hơn 3 thập kỷ qua - đang đứng trước sức ép phải thay đổi. Có thể những khung khổ thương mại mới, các quy tắc đầu tư quốc tế mới sẽ được thiết lập trong thời gian tới. Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc thích ứng với các khung khổ, mô hình thương mại – đầu tư mới trong tương lai.
Thứ tư, tiến trình của các cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ dẫn tới những bước ngoặt đầy kịch tính trong thời gian tới với sự xuất hiện của dữ liệu lớn (big data), mạng 5G, in 3D, trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối vạn vật (IOT)... Không chỉ các kênh thương mại thay đổi, mà các phương thức sản xuất cũng sẽ thay đổi, và những mô hình kinh doanh mới sẽ ra đời. Không chỉ các hoạt động thương mại – đầu tư quốc tế sẽ thay đổi, mà cả các chính sách quản trị nhà nước, quản trị xã hội, quản trị kinh tế, quản trị hội nhập… cũng phải được điều chỉnh, thay đổi để bắt kịp, và để tiếp tục thành công.
Cần tìm các giải pháp căn cơ để tiếp tục hội nhập hiệu quả và bền vững là điều chúng ta phải tính tới ngay từ bây giờ.
“Giải pháp bất biến để chúng ta tiếp tục hội nhập thành công trong một thế giới vạn biến vẫn là động lực và quyết tâm hội nhập từ bên trong”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.  
Cụ thể, Việt Nam cần sẵn sàng tiếp nhận cái mới, thúc đẩy những mô hình kinh tế số (kinh tế chia sẻ, kinh tế nền tảng…). Đồng thời phải nỗ lực cải cách thể chế toàn diện và triệt để, cải cách vì chính mình chứ không chỉ vì cam kết, để kiến tạo được một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, minh bạch và công bằng. 
Đây sẽ là nền tảng quan trọng nhất để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh, thỏa sức sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh, từ đó đủ sức ứng phó với sóng gió trên thị trường thế giới, và có khả năng tận dụng cả những khoảng trống cơ hội thị trường có thể được mở ra đâu đó giữa trận đồ của các căng thẳng thương mại. 
Để thực thi có hiệu quả các FTA trong bối cảnh mới, một chiến lược bài bản và chương trình hành động tổng thể cần phải được xây dựng sớm và bảo đảm thực thi thống nhất từ Trung ương tới địa phương, để định hướng và tiếp sức cho các doanh nghiệp tận dụng triệt để các lợi thế từ các FTA. 
“Cộng đồng doanh nghiệp cam kết được sát cánh với các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương trong nỗ lực đề ra những quyết sách quan trọng trong quá trình hội nhập”, đại diện VCCI khẳng định. 
Huy Thắng
269 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 893
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 893
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88325774