Hội nhập quốc tế góp phần khẳng định và nâng cao vị thế của Việt Nam 

(ĐCSVN) - Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng trong thành tựu to lớn về phát triển kinh tế trong 5 năm qua, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị xã hội, đồng thời chủ động hội nhập, thu hút thêm nguồn lực bên ngoài, cùng với nội lực bên trong tạo nên động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Sáng 23/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế, đã chủ trì Hội nghị tổng kết của Ban chỉ đạo với chủ đề “Tăng cường Hội nhập quốc tế Chủ động, Sáng tạo, Hiệu quả vì sự Phát triển nhanh và bền vững” nhằm đánh giá toàn diện kết quả Chính phủ thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về “thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” và “Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến 2020 tầm nhìn 2030” ngày 07/01/2016, đồng thời, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ hội nhập quốc tế cho những năm tới.

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị - quốc phòng - an ninh; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học và công nghệ.

Hội nghị thu hút trên 200 đại biểu là các thành viên Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội; đại diện của hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam tại đầu cầu Hà Nội và 650 đại biểu là lãnh đạo, đại diện của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự trực tuyến. Tham dự hội nghị còn có đại diện các tổ chức quốc tế ở Việt Nam như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).


Hội nghị “Tăng cường Hội nhập quốc tế Chủ động, Sáng tạo, Hiệu quả vì sự Phát triển nhanh và bền vững”

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các bộ/ngành/địa phương đã phối hợp tổ chức hội nghị đặc biệt quan trọng này. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong bối cảnh quốc tế, trong nước có nhiều biến động, nhất là tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp khó lường đòi hỏi “chúng ta phải nghiên cứu kỹ, trao đổi, thảo luận thẳng thắn, cụ thể để tìm ra các phương pháp, hướng đi, cách làm mới hiệu quả hơn, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, cũng như trung và dài hạn”. Hội nhập quốc tế là chủ trương lớn nhất quán xuyên suốt, của Đảng Nhà nước ta và được cụ thể hóa phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng vào thành tựu 30 năm đổi mới đất nước và ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế tới văn hóa, xã hội quốc phòng an ninh đối ngoại và các lĩnh vực khác.

Từ giai đoạn ban đầu Hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, và thực thi chiến lược Hội nhập quốc tế được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế ngày 10/4/2013, với nội hàm chủ động hội nhập quốc tế toàn diện trên ba trụ cột: chính trị - quốc phòng - an ninh; kinh tế - khoa học; giáo dục - văn hóa xã hội.

Đại hội XII của Đảng xác định triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực về hội nhập quốc tế, do đó, Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban được thành lập, với ba ban chỉ đạo liên ngành trên ba trụ cột, do các Phó Thủ tướng làm Trưởng ban. Chính phủ nước ta đã cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế bằng nhiều nghị quyết, nhiều chỉ thị, quyết định các văn bản liên quan cùng với đó thực hiện cụ thể, chỉ đạo mạnh mẽ, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng quốc gia.

Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng trong thành tựu to lớn về phát triển kinh tế trong 5 năm qua, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị xã hội, đồng thời chủ động hội nhập, thu hút thêm nguồn lực bên ngoài, cùng với nội lực bên trong tạo nên động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc chúng ta đã ký kết, kết thúc đàm phán nhiều Hiệp định FTA (với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu, CPTPP, EVFTA...), mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho nền kinh tế đang lớn mạnh trong thời gian tới. Chúng ta đã mở rộng quan hệ, nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều quốc gia, tổ chức thành công các sự kiện tầm khu vực, toàn cầu như APEC 2017, WEF-ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 (2/2019)… là những minh chứng cho đường lối Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế quốc gia, thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu nhận thức rõ những vấn đề còn tồn tại đặc biệt khi Hội nghị được tổ chức đúng 5 năm thành lập Ban chỉ đạo tháng 4/2014-4/2019. Đồng thời, năm 2019 là năm nước rút thực hiện chiến lược 2016-2020, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, tạo ra thời co thách thức mới đan xen. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá việc triển khai các nghị quyết của Đảng trong 5 năm qua, khẳng định tính đúng đắn chủ trương hội nhập quốc tế, tự tin tiếp tục hội nhập quốc tế bao gồm đánh giá các kết qả thực hiện 5 mục tiêu của Nghị quyết 22 đã đề ra.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích dự báo tình hình quốc tế trong nước, nhất là cơ hội, các thuận lợi, khó khăn thách thức trong 5-10 năm tới, trong đó chú ý đến sự tiến bộ nhanh chóng của CMCN 4.0; Xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, định hướng chiến lược đối với công tác hội nhập quốc tế để đề ra những nhiệm vụ giải pháp chương trình kế hoạch cho từng lĩnh vực, đặc biệt là về nội hàm cơ chế chính sách cụ thể thúc đẩy hội nhập quốc tế chủ động hiệu quả, bền vững góp phần thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 và chuẩn bị xây dựng kế hoạch 2021-2030. Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu kiểm điểm hoạt động của Ban chỉ đạo quốc gia, Ban chỉ đạo liên ngành để tập trung khắc phục các tồn tại yếu kém để triển khai tốt hơn thời gian tới.

Về tiến trình hội nhập quốc tế trong 5 năm qua, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đánh giá hội nhập quốc tế đã chuyển sang giai đoạn cao hơn, thực chất hơn, từ chỗ “tham dự” sang “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương”. Các đóng góp của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, tích cực, sâu rộng và toàn diện gắn chặt với việc phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó hội nhập kinh tế đã tranh thủ hiệu quả nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển. Hệ thống gồm 12 FTAs đã ký, 4 FTAs đang đàm phán bảo đảm cho Việt Nam kết nối với 60 nền kinh tế chiếm 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam. Đây là một trong các cơ sở để ta duy trì đà tăng trưởng GDP cao trong những năm qua và thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cuộc cách mạng công nghiệp mới.

Hội nhập trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước. Hội nhập đã đưa quan hệ của Việt Nam với các nước, nhất là các đối tác ưu tiên, quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững. Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với toàn bộ 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ G7, 13/20 nước G20. Quan hệ chặt chẽ với độ tin cậy gia tăng đã tạo điều kiện thuận lợi để duy trì hòa bình, ổn định và môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Đây chính là một cách hiệu quả thực hiện phương châm “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ lúc nước chưa lâm nguy”.

Hội nhập trong các lĩnh vực khác góp phần khẳng định và nâng cao vị thế của Việt Nam cũng như tranh thủ nguồn lực, cơ hội phục vụ các đột phá chiến lược, nhất là về phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và cải cách thể chế. Qua quá trình hội nhập, năng lực, bản lĩnh và trình độ của đội ngũ làm công tác đối ngoại nói chung và hội nhập quốc tế nói riêng liên tục được nâng cao và phát triển đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra các nhiệm vụ của hội nhập quốc tế trong thời gian tới với những trọng tâm.

Thứ nhất, hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, phải chú trọng “tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả, vì phát triển nhanh và bền vững”. Một mặt phải hội nhập theo quy mô và tốc độ phù hợp năng lực và lợi ích của đất nước; mặt khác không thể chờ đợi, để cơ hội trôi qua. Việt Nam phải phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp, bứt phá mạnh mẽ của các doanh nghiệp, người dân để nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất, chất lượng và ngày càng chủ động, tích cực hơn.

Thứ hai, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành cần quyết liệt vào cuộc, quyết tâm đổi mới, nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh hội nhập trên tinh thần thực hiện đầy đủ, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, các Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 22 và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương”.

Thứ ba, đối với hội nhập về kinh tế, phải làm cho nội lực của Việt Nam mạnh lên, theo đó cần tiếp tục tập trung chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để nâng cao năng lực nội tại và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Tích cực đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ tư, đối với hội nhập về chính trị, an ninh, quốc phòng, Việt Nam cần tiếp tục chủ động làm sâu sắc hơn các mối quan hệ, phát huy mạnh mẽ vai trò của đối ngoại đa phương, nhằm tăng cường lòng tin và đan xen lợi ích. Tinh thần của Chỉ thị 25 của Ban Bí thư sẽ chỉ được thể hiện đầy đủ, hiệu quả khi Các cấp, các ngành chủ động và nhạy bén, đóng góp có trách nhiệm trong việc tham gia hình thành các sân chơi, luật chơi, hài hòa lợi ích của Việt Nam và lợi ích chung của các đối tác. Tôi đề nghị các đồng chí chú ý các nội hàm hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới và phát triển bền vững. Chú trọng vận động nắm giữ và thực hiện tốt các trọng trách quốc tế; chuẩn bị thật bài bản, kỹ lưỡng cho Năm chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021.

Thứ năm, đối với hội nhập về văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh công nghệ và nhân tài sẽ quyết định thành công trong cạnh tranh thế kỷ XXI và đề nghị tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học và dạy nghề ngang tầm chất lượng và phù hợp với các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh chủ động hài hòa về tiêu chuẩn, chất lượng và tiếp thu thành tựu khoa học công nghệ của nước ngoài. Trong vấn đề môi trường lao động, cần chủ động nghiên cứu khả năng phê chuẩn các công ước cơ bản còn lại của Tổ chức Lao động quốc tế phù hợp với tình hình của Việt Nam cũng như cần chú ý các nội dung này trong các FTAs song phương, đa phương Việt Nam đã, đang hoặc sẽ tham gia.

Cuối cùng, Thủ tướng cho rằng địa phương và doanh nghiệp là chủ thể trung tâm của hội nhập. Theo đó, các bộ, ngành Trung ương phải rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp, các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư, kinh doanh và xây dựng hệ thống thông tin trong tất cả các lĩnh vực hội nhập. Các địa phương, doanh nghiệp, người dân phải chủ động, tích cực trong thực thi đầy đủ, nghiêm chỉnh các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về hội nhập, không để tình trạng vi phạm quy định pháp luật tiếp diễn, ảnh hưởng lớn đến uy tin và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để đưa các chính sách nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của đất nước trở thành hiện thực đặc biệt trong bối cảnh hội nhập đi vào giai đoạn mới, tác động hàng ngày tới mọi mặt của đời sống xã hội./.

Mạnh Hùng

420 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1233
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1233
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87172668