Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị có Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Long Hải; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành. |
Đến năm 2030 Việt Nam có tiềm lực, trình độ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tiên tiến
Hội nghị đã công bố quyết định của Bộ Chính trị thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gồm 19 thành viên, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm trưởng ban; Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Duy Ngọc giữ chức phó trưởng ban thường trực; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và thủ trưởng cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm phó trưởng ban chỉ đạo.
Trước đó, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST&CĐS) quốc gia nhằm tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh. Nghị quyết 57 nhấn mạnh phát triển KHCN, ĐMST & CĐS đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia.
Nghị quyết cũng nêu rõ các mục tiêu đến năm 2030: Việt Nam có tiềm lực, trình độ KHCN, ĐMST, CĐS đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực CN, ĐMST của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực KHCN đạt trình độ quốc tế.
Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế.
Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP...
Về tầm nhìn đến năm 2045 xác định KHCN, ĐMST & CĐS phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về ĐMST, CĐS. Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.
Nghị quyết đề ra 7 nhóm giải pháp thực hiện mục tiêu, trong đó nhấn mạnh nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, ĐMST & CĐS quốc gia.
Nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: KHCN, ĐMST & CĐS đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững. Qua đó, giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng các nước phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu kinh tế, từng bước vượt lên, sánh vai cùng các cường quốc về công nghệ.
Đồng thời, là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý nhà nước; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, phù hợp với xu thế chung của thế giới; góp phần bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.
Để thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động với 7 nhóm nhiệm vụ gồm nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy; khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; tăng cường đầu tư hạ tầng cho KHCN, ĐMST & CĐS; phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài; đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, ĐMST trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, ĐMST & CĐS trong doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, ĐMST & CĐS.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan trong hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương cần đặc biệt chú trọng tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần “Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào ra việc đấy, làm việc nào dứt việc đó”.
Chú trọng phân công nhiệm vụ cụ thể với tinh thần “5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”, “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung” và phương châm “Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, giám sát thực hiện; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, từng tổ chức, cơ quan, đơn vị và từng cá nhân liên quan.
Hoàn thiện pháp luật phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, hệ thống pháp luật hiện hành đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi về đầu tư, tài chính, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy các hoạt động KHCN, ĐMST & CĐS. Tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế cơ bản. Đó là thiếu đồng bộ, thống nhất, dẫn đến một số cơ chế khuyến khích, thúc đẩy trong những lĩnh vực này không phát huy được tác dụng.
Vì vậy, trong thời gian tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến, xem xét thông qua các dự án luật trong 6 lĩnh vực trọng tâm. Theo đó, về KHCN, ĐMST & CĐS sẽ hoàn thiện 8 luật; về đầu tư và tài chính, rà soát, hoàn thiện 12 luật; về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện 11 luật; doanh nghiệp, thương mại rà soát, hoàn thiện 3 luật; bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng, môi trường số, rà soát hoàn thiện 3 luật; chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, ĐMST, hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy nhanh xây dựng, vận hành Quốc hội số, Chính phủ số, chính quyền số. Ngoài ra, tiếp tục rà soát, xây dựng mới các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ, Chính phủ, các bộ, ngành chú trọng tổ chức đánh giá, tổng kết thi hành, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới pháp luật trong lĩnh vực KHCN, ĐMST & CĐS bảo đảm yêu cầu chất lượng, tiến độ theo quy định.
Đôn đốc xây dựng ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện luật. Hội đồng nhân dân các cấp căn cứ tình hình thực tiễn, phối hợp ban hành cơ chế, chính sách theo thẩm quyền để khuyến khích, thúc đẩy phát triển nghiên cứu KHCN, ĐMST & CĐS nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Tạo bước đột phá, góp phần phát triển KT - XH và đảm bảo QP - AN
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta luôn coi KHCN là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Chính vì vậy, cần thống nhất nhận thức và hành động. Xác định phát triển KHCN, ĐMST, CĐS là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách trong năm 2025, càng sớm càng tốt; phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển KHCN, ĐMST, CĐS, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; khuyến khích người năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trước hết phải bằng chính các quy định của pháp luật, tạo không gian cho người quản lý quyết định và chịu trách nhiệm.
Khẩn trương sắp xếp lại bộ máy về KHCN. Tập trung đầu tư trọng điểm để phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh; có kế hoạch cụ thể để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân tài KHCN; triển khai các giải pháp đột phá để thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu, thu hút nhân tài công nghệ là người Việt và người nước ngoài tới làm việc.
Các thủ tục liên quan đến vấn đề này phải thực sự thông thoáng hơn nữa, thậm chí phải có tính cạnh tranh cao so với các nước khác mới thu hút được. Xem xét bỏ bớt các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp với yêu cầu mới của Nghị quyết 57.
Ưu tiên bố trí ngân sách cho KHCN xứng tầm là quốc sách đột phá. Bố trí ngân sách cho KHCN, lập các quỹ KHCN, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần, quỹ khởi nghiệp, quỹ đổi mới sáng tạo...
Nghiên cứu cơ chế cho mô hình “đầu tư công - quản trị tư”, bảo đảm nhà khoa học có quyền chủ động trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng phát triển KHCN, ĐMST&CĐS, không để lỡ thời cơ thêm lần nữa.
Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, sáng tạo, thực hiện thành công các nhiệm vụ, đưa Nghị quyết 57 nhanh chóng vào cuộc sống, xây dựng một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lê Minh
https://baoquangtri.vn/hoi-nghi-toan-quoc-ve-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-quoc-gia-191073.htm