Ngày 14/7, tại Bắc Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình OCOP, kêu gọi các tổ chức tài chính, tín dụng sớm có chương trình tín dụng hỗ trợ trực tiếp cho chương trình này.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm
(OCOP) giai đoạn 2018-2020. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng OCOP là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, động lực cho phát triển bền vững của đất nước. Với OCOP, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng sẽ tác động mạnh mẽ tới thương hiệu, chất lượng hàng hoá, dịch vụ nông nghiệp Việt Nam.
“OCOP là sản phẩm của địa phương nhưng phải được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia, toàn cầu; đồng thời chỉ ra chủ thể thực hiện là hộ gia đình, hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ về chính sách" -Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chính quyền, nhà nước không thể áp đặt ý chí chủ quan, mệnh lệnh hành chính trong sản xuất các sản phẩm OCOP mà phải phát huy được tính sáng tạo của mỗi cộng đồng dân cư, mỗi người dân trong môi trường kinh tế thị trường.
Cũng như chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, OCOP là một quá trình thực hiện, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Sau năm 2020, Chính phủ sẽ tổng kết việc thực hiện để tiếp tục triển khai lâu dài.
Để triển khai hiệu quả OCOP, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí tập trung truyền thông về chương trình; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện và đánh giá, xếp hạng các sản phẩm OCOP...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP được đúc kết từ thành công và kinh nghiệm của cả quốc tế cũng như trong nước, được đánh giá là một giải pháp rất cụ thể, hiệu quả, giúp thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện.
Trọng tâm của Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; đồng thời, hạn chế và giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội khu vực nông thôn, nhằm thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, một điểm quan trọng trong Chương trình OCOP, đó là phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông nghiệp, là một lợi thế rất lớn của các địa phương, nơi có sự đa dạng đặc biệt lớn về địa lý, bản sắc văn hóa dân tộc, các sản vật vùng miền. Phát triển du lịch nông nghiệp cũng là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển các nhóm sản phẩm khác tham gia OCOP.
Đến nay đã có 60/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng đề cương Đề án Chương trình OCOP; trong đó có 30 tỉnh lập xong Đề án. Đặc biệt, có 6 tỉnh đã phê duyệt Đề án và ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP, riêng Quảng Ninh phê duyệt giai đoạn 2 (2017-2020).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho rằng, đây không phải là phong trào mà là một chương trình kinh tế, sản xuất các sản phẩm cụ thể, để quảng bá thương hiệu của nhiều sản phẩm có chất lượng tốt nhưng ít người biết tới. Ngoài ra, việc Chính phủ chỉ đạo phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã kiểu mới sẽ hỗ trợ rất tốt cho Chương trình OCOP để triển khai sản xuất hàng hoá, gắn với thị trường.
Để triển khai Chương trình OCOP thành công, ông Đặng Huy Hậu cho rằng, phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ hỗ trợ chuyên nghiệp, thực hiện bảo hộ sỡ hữu trí tuệ đối với các sản phẩm OCOP và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hơn nữa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến nay, Quảng Ninh đã có 294 sản phẩm với sự tham gia của gần 180 tổ chức sản xuất; có 7 sản phẩm đạt hạng 5 sao. Các sản phẩm đạt 5 sao đều phải tuân thủ các nguyên tắc chấm sao rất ngặt nghèo.
Mục tiêu của Quảng Ninh là đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh để phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hoá nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn và đô thị góp phần cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại. Xây dựng và quản lý nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh Quảng Ninh trên phạm vi cả nước và dần từng bước trên thị trường quốc tế.
Là địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao, Bắc Giang đã xác định mục tiêu, định hướng để phát triển Chương trình OCOP. Cụ thể, tỉnh đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; đào tạo tập huấn về quản lý cho 100% cán bộ thực hiện chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ tham gia chương trình OCOP. Phát triển và tiêu chuẩn hoá ít nhất 50% số sản phẩm hiện có; phát triển 5 - 6 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao; phát triển 6 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gắn với hoạt động du lịch tại một số huyện... Định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 170 loại sản phẩm tham gia chương trình OCOP, có khoảng 5 - 6 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, cả nước hiện có 6.010 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất (có đăng ký kinh doanh); trong đó có 3.126 doanh nghiệp (chiếm 76,6% số doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong cả nước), tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm.. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, cho thấy hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có tiềm năng lớn, có dư địa và động lực để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa. Đây có thể xem là một lợi thế, nếu được chú trọng đầu tư, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách cụ thể, bài bản, đồng bộ, thì việc triển khai các nội dung Đề án Chương trình OCOP sẽ rất thuận lợi, tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới đi vào thực chất, bền vững.
"Xu hướng trên thế giới hiện nay cho thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là tất yếu và đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó, ứng dụng triệt để vận hội của Cánh mạng công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ triển khai tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP theo mô hình Nông nghiệp 4.0 với 3 trụ cột quan trọng là Nông trại thông minh - Nông dân thông minh - và Công chức thông minh (Smart Farm - Smart Farmers - Smart Officer). Đó là những vấn đề cần lưu ý, các tỉnh cần sớm bắt nhịp và triển khai" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh./.
Thành Trung/TTXVN