Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố 

(Chinhphu.vn) - Ngày 21/2, tại Quảng Ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023.
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố - Ảnh 1.

Kết quả các hoạt động của HĐND ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương - Ảnh: VGP/LS

Đây là Hội nghị có quy mô lớn nhất về công tác HĐND do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức với sự tham dự của hơn 320 đại biểu Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự, phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Hoạt động của HĐND ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, năm 2022, HĐND đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, đổi mới sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo luật định và đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn ở từng địa phương; bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành các nghị quyết, cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực, khả thi, thống nhất, đồng bộ, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của từng địa phương cũng như cả nước trong năm 2022.

Đặc biệt, phương thức tổ chức hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, đã thống nhất, chuẩn hóa hoạt động giám sát, khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong giám sát của HĐND; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. 

Các hoạt động của HĐND ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương.

Năm 2023, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Dự báo tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường; đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; những yếu tố bất cập, hạn chế từ nội tại nền kinh tế chưa được xử lý căn bản, ngày càng bộc lộ rõ hơn trong hoàn cảnh khó khăn.

Trong bối cảnh đó, hoạt động của HĐND cũng còn một số tồn tại hạn chế về chất lượng kỳ họp, hoạt động của Thường trực HĐND, các ban, các tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của cử tri, nhân dân.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, trên tinh thần xây dựng, khách quan; đánh giá những kết quả nổi bật, nêu những mô hình hay, cách làm mới và những bài học quý, cũng như những tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị sao cho thiết thực, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2023 và nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố - Ảnh 2.

Đại biểu trao đổi, chia sẻ về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND - Ảnh: VGP/LS

Hoạt động tại kỳ họp của HĐND tiếp tục được đổi mới, hiệu quả

Báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 do Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ: Năm 2022 là năm thứ 2 thực hiện các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và nhiều nghị quyết quan trọng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội như Nghị quyết số 16/2021/QH15, Nghị quyết số 30/2021/QH15, Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất kể từ năm 2011; các cân đối vĩ mô được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, có sự chuyển biến rất tích cực, đạt nhiều kết quả nổi bật, ấn tượng.

Đóng góp vào những kết quả nêu trên, có sự vào cuộc tích cực của Quốc hội trong việc kiến tạo thể chế, tạo nên khung khổ pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, trong đó có HĐND. 

Năm 2022, hoạt động Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản, giải quyết 53 ý kiến, kiến nghị của các địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thể chế; ban hành Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 và Kế hoạch số 389/KH-UBTVQH5 tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động của HĐND, nhất là hoạt động giám sát của HĐND ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn. 

Chính phủ kịp thời ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 và nhiều kế hoạch, chương trình, thông tư, nghị định làm cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương triển khai thực hiện. HĐND đã có những quyết sách quan trọng đưa chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Năm 2022, thực hiện Kết luận số 1144/TB-TTKQH ngày 7/6/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác tổ chức kỳ họp của HĐND cấp tỉnh tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo, bảo đảm hợp lý, khoa học cả về nội dung và thời gian tổ chức, nâng cao chất lượng theo hướng "thực chất và hiệu quả". 

Các nội dung trình kỳ họp được chuẩn bị với tinh thần chủ động, tích cực, kỹ lưỡng. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đến dự và trực tiếp chỉ đạo một số kỳ họp thường lệ của HĐND cấp tỉnh, kịp thời định hướng, gợi mở những giải pháp quan trọng để các địa phương phát huy những tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Hoạt động tại kỳ họp tiếp tục được đổi mới, giảm thời gian đọc báo cáo, tăng thời gian cho hoạt động chất vấn, thảo luận, tăng thời gian để UBND cấp tỉnh và các ngành tiếp thu, giải trình, làm rõ những nội dung đại biểu đã đặt ra. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào kỳ họp như: Duy trì hình thức "kỳ họp không giấy" và biểu quyết thông qua các nghị quyết bằng máy tính bảng; bổ sung hình thức cung cấp mã QR-Code để cử tri, nhân dân truy cập theo dõi và đặt câu hỏi trực tiếp tại các phiên chất vấn; tổ chức cầu truyền hình trực tuyến đến cấp huyện, xã. Nhiều tỉnh đã thực hiện chuyển đổi số tất cả các hoạt động của HĐND... 

Lê Sơn

130 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1096
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1096
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87194109