Đây là nội dung được các đại diện Hàn Quốc và Triều Tiên thông qua tại cuộc gặp cấp cao diễn ra tại làng đình chiến Panmunjom thuộc phần lãnh thổ Triều Tiên, ngày 13/8. Người dẫn đầu phái đoàn Hàn Quốc tham gia sự kiện này là Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-gyon trong khi dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên là Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Ri Son-gwon.
Phát biểu trước các phóng viên ngày 13/8, phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom cho rằng, dựa trên tình hình thực tế hiện nay, thì việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào đầu tháng 9/2018 sẽ gặp “một chút khó khăn”. Tuy nhiên, với tư cách là nước đưa ra lời mời, thời điểm cụ thể diễn ra Hội nghị thượng đỉnh liên Triều có thể sẽ do phía Triều Tiên quyết định dựa trên những điều kiện cụ thể của nước này.
Tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên diễn ra ở làng đình chiến Panmunjom, ngày 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí sẽ gặp lại vào mùa thu 2018. Hiện, Tổng thống Hàn Quốc đang mong muốn thông qua sự kiện này để hối thúc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thực hiện các bước đi cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhất là vào thời điểm tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên liên quan tới vấn đề này đang gặp phải nhiều trắc trở.
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp tới, nếu diễn ra theo dự kiến, sẽ mở ra cơ hội để ông Moon Jae-in trở thành vị Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc đặt chân tới thủ đô Bình Nhưỡng trong vòng 11 năm qua, sau chuyến thăm của cố Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun vào tháng 10/2007. Sự kiện này cũng đánh dấu cuộc gặp gỡ lần thứ 3 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, song lại là Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 5 từng diễn ra trong lịch sử.
Xét về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn duy trì trạng thái chiến tranh bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 chỉ được chấm dứt bởi một Hiệp định đình chiến. Cách đây ít lâu, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí sẽ hành động theo lộ trình nhằm chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh này trước cuối năm 2018 và thay thế Hiệp định đình chiến bằng một Hiệp ước hòa bình nhằm thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên trong một tương lai gần. Chính vì thế, dư luận đang kỳ vọng, cuộc gặp gỡ sắp tới giữa các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên sẽ là một “bước tiến” gần hơn tới mục tiêu nhằm chấm dứt hoàn toàn nguy cơ chiến tranh đã hiện hữu dai dẳng trên bán đảo Triều Tiên trong suốt hơn nửa thế kỷ qua./.
Thu Lan (Theo NHK, Yonhap)