Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) đã chính thức khai mạc ngày 5/2 tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia với hàng loạt chủ đề “nóng” được các nhà lãnh đạo khu vực tập trung thảo luận, trong đó có làn sóng bất ổn chính trị mới tại khu vực Tây Phi và tăng cường biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19.
Hội nghị thượng đỉnh AU cũng sẽ tìm kiếm sự đồng thuận của các nước thành viên trong việc thúc đẩy vai trò của châu Phi tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Ethiopia Abiy Ahmed đã lên tiếng kêu gọi tăng cường hợp tác khu vực nhằm vận động châu Phi có 2 đại diện tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
[Đại diện 55 quốc gia dự phiên họp thứ 39 hội đồng điều hành AU]
Nhà lãnh đạo Ethiopia khẳng định châu Phi hiện vẫn chỉ là một đối tác nhỏ của Liên hợp quốc và cần có vai trò lớn hơn trong hệ thống quản trị quốc tế.
Trong bài phát biểu gửi tới hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lưu ý rằng sự bất bình đẳng đã ăn sâu vào hệ thống toàn cầu và châu Phi đang phải gánh chịu những hệ quả đó.
Ông Guterres nhấn mạnh chính sự bất bình đẳng đã làm trầm trọng hơn tình trạng xung đột vũ trang, căng thẳng chính trị, kinh tế, sắc tộc và xã hội, bạo lực đối với phụ nữ, chủ nghĩa khủng bố và các cuộc đảo chính quân sự tại châu Phi.
Bên cạnh đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi đẩy nhanh đầu tư vào châu Phi, cung cấp các nguồn lực thực sự cho lục địa này, bao gồm chuyển hướng Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) cho các quốc gia cần hỗ trợ ngay lập tức, cải cách cấu trúc nợ quốc tế, tăng các hình thức ưu đãi tài chính và củng cố nền tảng kinh tế cho các nước trong khu vực.
Trước đó, trong khuôn khổ phiên họp thứ 35 của Hội đồng AU diễn ra cùng ngày tại thủ đô Addis Ababa, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat đã bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh tại lục địa châu Phi.
Ông Mahamat cho rằng tình hình an ninh châu lục đứng trước những thách thức từ chủ nghĩa khủng bố và sự trỗi dậy nguy hiểm của làn sóng thay đổi chính phủ một cách vi hiến.
Trong bối cảnh đó, tình hình an ninh châu Phi đòi hỏi cách tiếp cận mới về cấu trúc hòa bình và an ninh, cũng như mối tương quan với các nhân tố gây bất ổn mới ở châu Phi.
Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh AU diễn ra trong 2 ngày 5-6/2, trong đó phần lớn các phiên thảo luận được tổ chức dưới hình thức họp kín./.
Việt Khoa (TTXVN/Vietnam+)