Tại hội nghị, đồng chí Hồ Đại Nam thông tin tổng thể kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Trị trong nữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã gắn việc tổ chức quán triệt với xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, cơ chế, chính sách và phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành để sớm đưa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận vào cuộc sống. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập một số ban chỉ đạo, tổ công tác để chỉ đạo một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, còn gặp khó khăn...2,5 năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp tiếp tục có bước chuyển biến, các chương trình phục hồi kinh tế - xã hội được thực hiện hiệu quả. Cơ bản các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội đều được triển khai theo kế hoạch, có 10 trong số 15 chỉ tiêu dự báo đạt và vượt. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 7%/năm (mục tiêu bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 7,5-8%). Nhiều chương trình, dự án động lực, trọng điểm của tỉnh đang được triển khai thực hiện... Để khai thác tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Quảng Trị đã hoàn thiện nội dung báo cáo Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, hợp tác với tổ chức Singapore Cooperation Enterprise để xây dựng “Báo cáo nghiên cứu định vị kinh tế cấp cao tỉnh Quảng Trị”; hợp tác với Sakae Advisory-Surbana Jurong xây dựng “Ý tưởng Quy hoạch tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Tổ chức AVSE Global để tham gia phản biện Quy hoạch tỉnh... Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII trong nửa nhiệm kỳ qua còn có những hạn chế, khuyết điểm: nhiều chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt thì dự báo có 05 chỉ tiêu cơ bản khó đạt (Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP; Cơ cấu kinh tế; GRDP bình quân đầu người; tỷ lệ tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế). Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm và thiếu các yếu tố bứt phá sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Khả năng tỷ trọng vốn đầu tư/GRDP chiếm dưới 50% như Nghị quyết Đại hội là rất khó đạt. Khu kinh tế Đông Nam chưa tạo được lợi thế thực sự khác biệt để kêu gọi, thu hút đầu tư. Một số chủ trương đầu tư dự án trọng điểm, có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội triển khai chậm. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn kết quả triển khai chưa rõ nét. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên có mặt thiếu chặt chẽ. Các chỉ số về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đều có tình trạng năm sau tụt thứ hạng so với năm trước…
Tại Hội nghị, đồng chí Hồ Đại Nam thông tin thêm một số nội dung quan trọng, điểm mới trong văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, các bài học kinh nghiệm có thể vận dụng vào điều kiện thực tiễn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam…
Đồng thời, thông tin một số dự án, đề án lớn tạo đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị sắp triển khai trong thời gian tới. Nổi bật là, tỉnh đang phối hợp xây dựng Đề án Khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Densavanh, là mô hình kinh tế cửa khẩu có nhiều điểm mới nhất trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam. Dự án băng chuyền tải để khai thác mỏ than ở tỉnh Salavan (Lào) khoảng 20-30 triệu tấn/năm đưa về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay đến cảng biển Mỹ Thủy. So với vận tải đường bộ chỉ vận chuyển được vài triệu tấn. Đưa lại cho tỉnh nhiều lợi ích lớn như nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT…, mang lại nguồn thu ngân sách khoảng 7,5 nghìn tỉ đồng mỗi năm; có cơ hội hình thành một số nhà máy chế biến than sạch; tăng thêm giá trị gia tăng; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí vận tải và giảm áp lực trên hệ thống giao thông, đồng thời thúc đẩy phát triển cảng biển nước sâu Mỹ Thủy và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Đối với dự án Cảng hàng không Quảng Trị, hiện nay UBND tỉnh đang thực hiện các bước giai đoạn cuối để phê duyệt dự án và tổ chức đấu thầu dự án kịp khởi công xây dựng trong năm 2023. Đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch đường cao tốc Việt Nam đến 2030 đầu tư theo hình thức PPP, có 4 nhà đầu tư có tiềm năng đăng ký. Hiện tỉnh đã giao Tập đoàn Sơn Hải lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Về mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng điện của miền Trung, đến thời điểm hiện tại Quy hoạch điện VIII ban hành đặt ra thách thức cao hơn; các dự án nhiệt điện, điện khí ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có một số khó khăn nên khó đạt mục tiêu như dự báo.
Đồng chí Hồ Đại Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mong muốn các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nghỉ hưu trên địa bàn thành phố Đông Hà phát huy trí tuệ, kinh nghiệm quá trình công tác, tiếp tục góp sức hiến kế cho tỉnh xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Lê Liên