Quang cảnh tại Hội nghị ngành Công thương khu vực miền Trung- Tây Nguyên

Tại Hội nghị, ông Lê Tự Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế đã báo cáo về tình hình hoạt động của ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung - Tây Nguyên trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017.

 

Theo đó, năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) trong Khu vực đạt 428.522 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2015; một số tỉnh trong khu vực đạt mức tăng trưởng cao như: Kon Tum tăng 13,7 %; Đà Nẵng tăng 11%; Thừa Thiên Huế tăng 11%; Quảng Trị tăng 10,2%...

Riêng 6 tháng đầu năm 2017, sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành phố trong Khu vực tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá với giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 179.023 tỷ đồng. Việc phát triển các Khu kinh tế và Khu, cụm công nghiệp của các tỉnh, thành trong khu vực được chú trọng đã tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, góp phần tạo ra việc làm cho nhiều lao động tại các địa phương.

Thời gian qua, hoạt động thương mại diễn ra tương đối sôi động tại các tỉnh, thành phố trong khu vực; cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tiếp tục được mở rộng và đi vào chiều sâu, đã góp phần hỗ trợ và thúc đẩy phát triển sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, tạo dựng thị trường vững chắc hơn cho hàng Việt tại thị trường trong nước.

Tại Hội nghị, trên cơ sở báo cáo đánh giá hoạt động trong lĩnh vực Công thương cả nước và tại khu vực trong thời gian qua, đại diện lãnh đạo các địa phương ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã tập trung thảo luận nêu ra nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực thuộc ngàng quản lý.

Theo đó, nhiều ý kiến của các tỉnh, thành phố trong khu vực cho rằng vấn đề quản lý an toàn thực phẩm còn lúng túng về trách nhiệm giữa các sở, ngành, vì vậy rất cần xác định đơn vị nào chủ trì để tạo thuận lợi cho công tác quản lý và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm và cả doanh nghiệp… về quy hoạch điện mặt trời cũng gặp không ít vướng mắc, nhất là chưa có Quy chuẩn điện mặt trời, đề nghị Bộ Công Thương có tiêu chí rõ ràng để các tỉnh có định hướng phát triển.

Do tình hình cung cầu thị trường cạnh tranh ngày càng khóc liệt  và việc kết nối cung cầu với các địa phương tuy có tích cực nhưng vẫn chưa chuyển biến, các địa phương kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm tạo điều kiện cho các địa phương tham gia các chương trình xúc tiến thương mại ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

Đồng thời, Bộ Công Thương quan tâm, hỗ trợ kinh phí các địa phương thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty do Bộ quản lý ưu tiên các dự án đầu tư về miền Trung- Tây Nguyên làm động lực phát triển cho khu vực, nhất là các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao nỗ lực của toàn khu vực miền Trung- Tây Nguyên trong thời gian qua; nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm 2017 và năm tiếp còn rất nặng nề, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, góp phần hoàn thành nhiệm vụ nhiệm vụ chung của ngành Công Thương cả nước trong năm 2017.

Trong đó, các địa phương cần quan tâm, nghiên cứu  để có những chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể phù hợp với điều kiện từng địa phương và trong khu vực, nhất là chính sách ưu đãi đầu tư về chế biến nông sản, hải sản và sản phẩm phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc sản xuất, năng lượng sạch, chế tạo, công nghiệp phụ trợ… khai thác hiệu quả khu, cụm công nghiệp và đặc biệt lưu ý vấn đề bảo vệ môi trường./.

Tin, ảnh: Phạm Hướng