|
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: TTXVN) |
Tại Hội nghị, Lãnh đạo và đại diện các quốc gia thành viên đề cao vai trò và giá trị của Phong trào KLK, với tư cách là tập hợp chính trị lớn nhất của các nước đang phát triển, trong việc bảo vệ lợi ích, gia tăng tiếng nói của các nước nhỏ và vừa trong chính trị quốc tế, thúc đẩy xây dựng trật tự kinh tế quốc tế và quan hệ quốc tế bình đẳng, dân chủ hơn.
Các nước bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp và những khó khăn to lớn Phong trào KLK đang đối mặt, nhất là những thách thức hiện nay đối với chủ nghĩa đa phương, cạnh tranh giữa các nước lớn, cọ xát lợi ích giữa các thành viên Phong trào, cũng như nhiều xung đột, tranh chấp ở các khu vực như Syria, Yemen, Palestine, Venezuela, Iran, Kashmir… diến biến khó lường.
Để phát huy vai trò và vị thế vốn có của Phong trào, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh Phong trào KLK cần trung thành với các nguyên tắc nền tảng của KLK, trong đó có các nguyên tắc Bangdung, và có những bước đi cần thiết để cải tổ, đổi mới, nhất là phương pháp làm việc nhằm tăng cường đoàn kết, thống nhất trên các vấn đề KLK quan tâm, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, bảo vệ môi trường quốc tế hòa bình và phát triển, phấn đấu vì một trật tự thế giới dân chủ, bình đẳng hơn cho các nước đang phát triển.
Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo cấp cao các nước thành viên KLK đã thông qua các văn kiện quan trọng, trong đó có Văn kiện Cuối cùng Hội nghị Cấp cao, Tuyên bố Baku, Tuyên bố về vấn đề Palestine và Thông điệp cảm ơn và Đoàn kết đối với Chính phủ và Nhân dân Azerbaijan.
Các văn kiện Hội nghị tái khẳng định giá trị và tầm quan trọng của các nguyên tắc Bangdung, nỗ lực tăng cường đoàn kết Phong trào để đóng góp vào nỗ lực chung duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy giải trừ quân bị, cải tổ Liên Hợp Quốc…
Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo KLK hoan nghênh những nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vì một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển, ghi nhận quan ngại của một số nước ASEAN về tình hình phức tạp ở Biển Đông và kêu gọi giải quyết mọi tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) 1982.
Phong trào KLK được thành lập vào năm 1961, đến nay có 120 nước thành viên, 17 nước quan sát viên, và trở thành tổ chức có số lượng thành viên lớn thứ hai thế giới sau Liên Hợp Quốc. KLK là một tập hợp lực lượng của các nước đang phát triển, với mục tiêu chính là thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển; đóng góp vào duy trì hòa bình, độc lập dân tộc; chung sống hòa bình giữa các quốc gia và chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng cho mọi người dân. Việt Nam chính thức tham gia Phong trào năm 1976.
Thanh Hà