Thực hiện nghiêm túc quy trình giám sát phản biện theo quy định tại Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, hàng năm, các cấp Hội LHPN lựa chọn 1-2 nội dung giám sát, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập Đoàn giám sát, tổ chức giám sát. Trong 10 năm Hội LHPN các cấp đã thực hiện 1.014 cuộc giám sát. Trong đó, cấp tỉnh thực hiện 72 cuộc, cấp huyện và cơ sở đã thực hiện 942 cuộc giám sát. Sau giám sát, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh, huyện thông báo kết luận gửi đến các địa phương, các cơ quan liên quan về kết quả giám sát và những vấn đề cần lưu ý với địa phương, những kiến nghị đề xuất nhằm thực hiện tốt hơn các chính sách đã được giám sát. Từ năm 2013 đến nay đã có 108 kiến nghị của cấp tỉnh được tiếp thu thực hiện; 306 kiến nghị cấp huyện và cơ sở được các ban ngành liên quan tiếp thu thực hiện.
Ngoài nhiệm vụ giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, Hội LHPN tỉnh đã tranh thủ từ các Dự án để đề xuất thành và triển khai thực hiện được 37 sáng kiến giám sát về các nội dung như: giám sát công trình đầu tư công, chất lượng dịch vụ y tế cơ sở, các chính sách an sinh xã hội, tác động của hoạt động khai thác khoáng sản đến môi trường và đời sống của người dân. Tổ chức cho nhóm cộng đồng thực hành thu thập thông tin nhận diện và đánh giá những tác động môi trường - xã hội của các dự án khai thác khoáng sản; thực hiện giám sát việc công khai thông tin trong lĩnh vực khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp khai khoáng; tổ chức các buổi chia sẻ kết quả giám sát của các nhóm cộng đồng thông qua trực báo tại 9 huyện, thị, thành phố; chia sẻ kinh nghiệm giám sát nhằm giúp đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cán bộ cấp cơ sở nắm được kiến thức và kỹ năng giám sát.
Công tác phản biện xã hội tiếp tục được tăng cường. Trong 10 năm, từ năm 2013 đến nay, các cấp Hội đã tham gia góp ý 822 văn bản, trong đó cấp tỉnh đã góp ý 192 dự thảo văn bản, cấp huyện góp ý 213 dự thảo văn bản, cơ sở góp ý 417 dự thảo văn bản. Các dự thảo văn bản Hội đã tham gia như: Dự thảo chương trình, đề án, kế hoạch, dự án, quy định và văn bản liên quan đến phụ nữ trẻ em và bình đẳng giới khi các cơ quan, ban, ngành có yêu cầu, đề nghị. Tổ chức 135 hội nghị lồng ghép lấy ý kiến trong cán bộ Hội các cấp đối với dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), văn kiện Đại hội Đảng, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)....
Các cấp Hội tích cực trong công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Nhằm tuyên truyền sâu rộng đến Hội viên phụ nữ, đồng thời thu thập ý kiến của chị em góp ý về những chủ trương, chính sách và việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tại địa phương, Hội LHPN các cấp chủ động tổ chức được 130 cuộc đối thoại giữa hội viên phụ nữ với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng, giúp hội viên phụ nữ nắm bắt được chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời, giúp cấp ủy, chính quyền nắm bắt và giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của hội viên, phụ nữ, tạo sự đồng thuận trong triển khai các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án tại địa phương. Hội LHPN tỉnh phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tham mưu tổ chức Gặp gỡ, đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy với đội ngũ cán bộ nữ tỉnh Quảng Trị.
Để thiết thực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, các cấp Hội đã tích cực tham mưu cấp ủy Đảng trong triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan đến công tác phụ nữ. Tích cực triển khai việc tham gia góp ý xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ động tham mưu cho cấp ủy về công tác cán bộ Hội, công tác cán bộ nữ, công tác phát triển Đảng trong hội viên( trong 10 năm qua đã giới thiệu 2.377 Hội viên ưu tú cho cấp ủy xem xét kết nạp, trong đó có 937 hội viên được đứng vào hàng ngũ của Đảng).
Các cấp Hội đã tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền trong việc nắm bắt, đề xuất giải quyết các ý kiến của cử tri và nhân dân góp phần đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tham gia xây dựng chính quyền vững mạnh. Thường xuyên nắm tình hình dư luận hội viên phụ nữ và nhân dân từ khu dân cư; cùng cấp uỷ, chính quyền quan tâm giải quyết kịp thời các vụ việc nổi cộm, kéo dài, phức tạp nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ động tham gia, xây dựng, đề xuất các nội dung liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới theo các chủ trương, Nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội địa phương, tham mưu UBND tỉnh, huyện ban hành Kế hoạch thực hiện 02 đề án của Thủ tướng Chính phủ: Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” và Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” tạo cơ hội và nguồn lực để các cấp Hội triển khai các hoạt động tham gia phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ. Chủ động tham mưu, giới thiệu cán bộ nữ đưa vào quy hoạch nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Thời gian tới, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện; tham gia xây dựng Đảng xây dựng chính quyền, đồng chí Trần Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Trị cho biết: “Công tác giám sát, phản biện xã hội là một nội dung quan trọng, là một trong những hình thức kiểm soát quyền lực Nhà nước, góp phần nâng cao vị thế và tiếng nói của các tổ chức chính trị - xã hội nói chung và Hội LHPN nói riêng, vì vậy rất cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp thực hiện của các cơ quan ban ngành liên quan trong quá trình Hội LHPN các cấp thực hiện giám sát. Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt Quyết định số 217, 218-QĐ/TW; nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội. Tăng cường hoạt động giám sát đột xuất, kịp thời phát hiện vấn đề và có kiến nghị với các cấp, các ngành, đáp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em. Chủ động đề xuất cấp ủy phê duyệt nội dung giám sát hàng năm vào Chương trình giám sát chung của tỉnh; cấp ủy, UBND các cấp ban hành quy định, cơ chế tiếp thu các kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Mặt trận và các tổ chức chính trị- xã hội. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu nhiệm vụ giám sát, phản biện; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên làm công tác giám sát, phản biện xã hội, công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới”. Phương Thiện