Hàng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã có kế hoạch chỉ đạo các cơ sở hội đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là phong trào giúp hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ. Để thực hiện hiệu quả việc vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm giảm nghèo bền vững, trên cơ sở khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của phụ nữ và nhu cầu của các đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, các cơ sở Hội đã tiến hành phân loại hộ nghèo theo từng nguyên nhân để có các giải pháp tác động phù hợp, thiết thực, trong đó vừa chú trọng tuyên truyền, vận động phụ nữ phát huy nội lực, khắc phục tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại vừa vận động hội viên, phụ nữ phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau về vốn, …
Để giúp phụ nữ thoát nghèo thì phải có nguồn lực, Hội đã đẩy mạnh chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện củng cố kiện toàn các tổ tiết kiệm & vay vốn, tín chấp ủy thác cho 2398 hộ hội viên vay vốn với số tiền trên 95 tỷ đồng, thông qua 59 tổ tiết kiệm – vay vốn để giúp hội viên phát triển kinh tế; vận động chị em chủ động tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 30a/2008/NQ – CP, mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất (vốn sản xuất vùng khó, vốn vay cho đồng bào dân tộc thiểu số), xây dựng nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình có hiệu quả, nhất là trong trồng trọt, chăn nuôi và trồng cây lâm nghiệp. Ngoài ra, Hội tranh thủ chương trình Hạnh phúc Quảng trị, kêu gọi hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho 107 chị vay với đầu tư trồng Dưa hấu ở xã Mò Ó, Đậu lạc ở xã Triệu Nguyên, làm chổi đót xã Đakrông với trên 1,8 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn, nhiều hội viên mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.
Nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản
Để huy động nguồn lực về vốn tại chổ, nguồn tiết kiệm tại chi hội, Hội vận động hội viên, phụ nữ tham gia các loại hình tiết kiệm: Tiết kiệm tại chi, tổ, tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, TKVVTB …Đến nay, 95% chi hội có mô hình tiết kiệm, mỗi năm tiết kiệm được hơn 6 tỷ đồng cho cho chị em vay phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt là chương trình tiết kiệm thôn bản đến thời điểm hiện nay có 100% xã, thị trấn có mô hình với 288 nhóm. 4.812 thành viên, tổng tiền tiết kiệm hàng năm được chia trên 5 tỷ. Hoạt động Tiết kiệm vốn vay thôn bản trên địa bàn huyện đã tác động tích cực đến đời sống kinh tế xã hội của đại đa số chị em khi tham gia vào nhóm, thu nhập kinh tế của chị em đã tăng lên so với thời gian trước, đáp ứng được nhu cầu vay vốn của phụ nữ nghèo, góp phần thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá tại địa phương. Chị Hồ Thị Lan (thôn A Rồng, thị trấn Krông Klang) chia sẻ: “ Trước đây gia đình chị có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chị là lao động chính trong gia đình có ba con nhỏ, bố mẹ chồng già yếu, chồng không có việc làm ổn định. Nhờ tham gia nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản, chị đã được vay vốn để mua con giống, phát triển chăn nuôi dê, cải thiện thu nhập”.
Mô hình chăn nuôi dê của Hội viên phụ nữ xã Tà Rụt
Hội còn tranh thủ nguồn kinh phí của các tổ chức phi chính phủ và nguồn hỗ trợ của chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trong NQ 30a, các cơ sở Hội đã hỗ trợ chị em xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với địa phương như: mô hình Dê quay vòng ở xã Tà Long, Hướng Hiệp, Đakrông, A Bung, A Ngo, Tà Rụt; mô hình đậu xanh lòng ở xã Mò Ó, mô hình cây giông riềng ở thị trấn Krongklang…Điển hình là mô hình Dê quay vòng ở xã Tà Rụt, từ 15 mô hình của 3 thôn với 30 con Dê đến nay đã quay vòng được 60 hộ với số lượng Dê lên đến nay 220 con…Các mô hình kinh tế đã phát huy vai trò trong việc đổi thay cách nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là tạo ra sự liên kết, góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Thực hiện mô hình “Xây dựng ngân hàng con giống hỗ trợ hội viên, phụ nữ thoát nghèo” do Hội LHPN tỉnh phát động năm 2017, Hội LHPN huyện đã huy động 100% cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia, đã trao tặng bò giống, Dê giống cho các hộ gia đình phụ nữ nghèo, khó khăn, thuộc đơn vị Thị trấn Krong Klang và xã A Vao.
Đặc biệt là Phong trào phụ nữ tự giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo được các cơ sở Hội trong toàn huyện thường xuyên thực hiện và duy trì bằng nhiều hình thức khác nhau như: góp tiền, ngày công, để giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, các cơ sở hội đã vận động hội viên, phụ nữ xây dựng quỹ tại chi hội, nhóm, tổ bằng việc đóng góp quỹ mỗi người ít nhất 5.000 đồng/tháng để tạo nguồn quỹ tại chỗ giúp nhau phát triển kinh tế. Điển hình chi hội Kreng xã Hướng Hiệp đã vận động mỗi hội viên 20.000/đ tháng, thành lập quỹ và xây dựng ngân hàng dê giống hỗ trợ cho chị em trong chi hội có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.
Bằng nhiều phong trào thi đua, nhiều giải pháp thiết thực, trên cơ sở phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, tương thân, tương ái trong chị em hội viên phụ nữ. Với nhiều nổ lực cố gắng, đã có 100% hộ nghèo có phụ nữ được các cơ sở Hội giúp đỡ, trong đó số hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ được công nhận thoát nghèo là 152 hộ, trong tổng số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Hiện nay trên địa bàn huyện có một số hộ gia đình hội viên phụ nữ đã được cấp thương hiệu cho một số sản phẩm như: Rượu cần truyền thống của người Vân Kiều xã Hướng Hiệp, rượu men lá xã Pa Nang, dưa hấu Mò Ó.. Ngoài ra, một số nghề truyền thống được khôi phục, phát triển như Chổi đót, Dệt thổ cẩm…
Có thể khẳng định, từ sự chỉ đạo, định hướng của Hội LHPN tỉnh, huyện ủy cùng những giải pháp hoạt động cụ thể, thiết thực và sự chủ động của Hội LHPN huyện trong thực nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gắn với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 đã tác động tích cực đến chất lượng đời sống hội viên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện. Tỷ lệ hộ nghèo từ 56,55% (năm 2016) giảm xuống dưới 45% (năm 2019). Hội đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của địa phương.
Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục có những việc làm, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gắn với chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Chị Lê Thị Lệ Huyền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông cho biết: “Hội LHPN huyện tiếp tục hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiếp cận với các nguồn vốn vay, duy trì, mở rộng các nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản, xây dựng các mô hình kinh tế, thực hiện mô hình ngân hàng con giống, xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, đỡ đầu, hỗ trợ giúp đỡ phụ nữ nghèo...”.
Với tinh thần đoàn kết, đổi mới, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần xây dựng huyện Đakrông giảm nghèo bền vững, cán bộ hội viên phụ nữ huyện Đakrông sẽ phát huy truyền thống phụ nữ Việt Nam cần cù, chịu khó, quyết tâm phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thách thức của một huyện miền núi nghèo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, gắn vơi với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Phương Thiện