Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đakrông: Đồng hành cùng phụ nữ thoát nghèo bền vững 

Hoạt động “Hỗ trợ hội viên, phụ nữ thoát nghèo luôn được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đakrông chú trọng triển khai, thực hiện với cách làm mới, làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp hội viên phụ nữ từng bước ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

 Đakrông là một huyện miền núi vùng cao biên giới phía Tây Nam của tỉnh Quảng Trị, là một trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước. Tổng diện tích tự nhiên 1.223,32km2, địa bàn huyện có 14 đơn vị hành chính cấp xã, có ba dân tộc chủ đạo sinh sống là Pa Kô, Vân Kiều, Kinh; trong đó dân tộc Pa Kô, Vân Kiều chiếm trên 80% dân số toàn huyện, cùng với huyện nhà thực hiện các tiêu chí “Không đói nghèo” trong xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010 đến nay cán bộ hội viên phụ nữ trong toàn huyện đã  đoàn kết, chung sức, chung lòng, cùng nhau thực hiện các hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ thoát nghèo bền vững.

Xác định đây là việc làm khó, không chỉ một sớm, một chiều xóa nhanh các hộ nghèo, cần phải có sự bền bỉ, dẽo dai, sự bắt tay vào cuộc của các cấp, các ngành, của chính bản thân phụ nữ nghèo và các cấp Hội phụ nữ. Trước hết, tập tủng "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”. Để có cơ sở xây dựng kế hoạch và có giải pháp hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cấp Hội rà soát, phân loại hộ nghèo theo tiêu chí mới, đặc biệt là xác định đúng đối tượng trợ giúp là hộ nghèo có sức lao động, ưu tiên hộ do phụ nữ làm chủ về kinh tế. Đồng thời phân công và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng chi, tổ để triển khai thực hiện, tập trung đẩy mạnh phong trào“Tổ, xóm, khu dân cư không có hộ nghèo” do tỉnh phát động, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Chính Phủ phát động, Phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” và “Giúp nhau phát triển kinh tế” được các cấp Hội triển khai đồng bộ, chặt chẽ, có hiệu quả, tổ chức rà soát các đối tượng cần vay vốn, kiến thức, vật tư phân bón, cây, con giống…để có biện pháp giúp đỡ; tích cực vận động, giúp đỡ và khuyến khích chị em biết vượt qua khó khăn, thay đổi lối nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; quyên góp, hỗ trợ cây, con giống, ngày công giúp phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, rủi ro, hoạn nạn và giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Hội đẩy mạnh hoạt động " Giúp đỡ Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”. Tiếp tục tranh thủ các chương trình dự án, của Hội LHPN tỉnh, các cơ sở hội đã nhân rộng và phát triển các mô hình chăn nuôi trồng trọt, đã mở các lớp tập huấn về kỷ thuật chăn nuôi vịt, dê gà, bò, lợn nái sinh, chăn nuôi ngan, trồng rau...Tập trung xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế như: Chăn nuôi dê tại thôn A Đeng, xã Ngo cho 5 hộ gia đình, chăn nuôi gà bản, Ngan đen tại thôn Làng cát và Pa Từng, mô hình bí đỏ  tại thôn Ta Lêng, mô hinh trông Ớt tại Klu, mô hình Chổi đót tại xã Đakrông, mô hình trồng Dưa hấu phủ bạt tại thôn Phú Thành, xã Mò ó; Trồng Đậu Lạc phủ bạt tại xã Triệu Nguyên, mô hình Vườn rau dinh dưỡng tại xã Hướng Hiệp, chăn nuôi lợn, Bò, Dê, trồng đậu xanh tại xã Mò Ó, Ba lòng, Triệu Nguyên...; xây dựng hơn 15 mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững có hiệu quả cho hộ phụ nữ nghèo tại thôn A Liêng, A Pul, A Đăng của xã Tà Rụt, nhằm tạo thêm việc làm cho người nghèo trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình để giảm nghèo bền vững. Các mô hình đã thực hiện có hiệu quả được Hội tiếp tục nhân rộng.

Nhằm giúp hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay, Hội đã huy động nguồn vốn tại chỗ bằng cách thành lập các tổ nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản, phụ nữ tiết kiệm tín dụng...tại 14/14 xã, thị trấn. Đến nay, toàn huyện có 265 nhóm, tổng số tiền đã chia qua các năm là 21  tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn nội lực, các cơ sở phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện tín chấp cho chị em vay, đến nay dư nợ 81 tỷ đồng cho 2.224 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất. Hội đã chỉ đạo các cơ sở hội tổ chức khảo sát, nắm nhu cầu học nghề của chị em phụ nữ trong việc thực hiện đề án 1956 “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ trưởng chính phủ. Hội đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề tổng hợp huyện, Hội Nông dân, các ngành liên quan mở hơn 15 lớp dạy nghề cho hội viên phụ nữ. Sau đào tạo nghề có 87 % lao động có việc làm mới, làm nghề cũ có năng suất thu nhập cao hơn.

Mô hình trồng rau an toàn của Phụ nữ xã A Ngo, huyện ĐaKrông

Hỗ trợ phụ nữ nghèo với những việc làm nhân đạo, từ thiện. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chị em, có hướng giúp đỡ sát thực, tổ chức thăm, tặng quà, động viên chia sẻ khó khăn, tổ chức hình thức gây quỹ ‘‘Trái tim hồng’’ xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, xây dựng gian hàng tình nghĩa tặng cho phụ nữ và trẻ em nghèo trên địa bàn thị trấn KrôngKlang...Hội đã tranh thủ sự hỗ trợ của Hội LHPN  tỉnh, huy động nguồn lực từ cán bộ, hội viên phụ nữ, các nhà hảo tâm như: Hội từ thiện tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Địa ốc Vạn Phúc, Công ty vàng bạc đá quý thành phố Hồ Chí Minh...Từ năm 2010 đến nay, Hội tổ chức thăm, tặng quà cho con em, hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, cho mượn vốn, cây, con giống, hỗ trợ giúp đỡ ngày công thu hoạch mùa, trồng sắn, trồng rừng... tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Tổ chức Lễ trao “Bò giống hỗ trợ hội viên phụ nữ thoát nghèo bền vững”. Riêng trong năm 2017, Hội LHPN huyện đã trao bò giống cho chị Ngô Thị Sáu tại thị trấn Krông Klang, trị giá số tiền 14 triệu đồng, huy động được 30 triệu để tiếp tục thực hiện mô hình "Ngân hàng con giống" để hỗ trợ phụ nữ nghèo.

            Mô hình chăn nuôi dê của Hội viên phụ nữ xã Tà Rụt, huyện ĐaKrông do Hội LHPN huyện Đakrông phối hợp với tổ chức Plan hỗ trợ

Đến nay,  toàn huyện có  4.756  hộ nghèo, trong đó có 4.371  phụ nữ nghèo và 654  hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Hội đã phân công giúp đỡ 654  hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, đỡ đầu có địa chỉ  491 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ  với nhiều hình thức: Tín chấp, hướng dẫn, tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ nghèo tiếp cận với các nguồn vốn vay, hỗ trợ cây con giống, xây dựng các mô hình kinh tế, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ...Dự kiến năm 2017  có 100 hộ phụ nữ thoát nghèo. 

Có được những kết quả đó, chị Lê Thị Huyền, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đakrông chia sẻ: “ Được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự hỗ trợ, phối hợp của các ngành liên quan, sự chỉ đạo sâu sát của hội cấp trên, cùng với sự sáng tạo,  biết phát huy nội lực, huy động nguồn lực từ các nhà hảo tâm, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nỗ lực của cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn huyện đã góp phần cùng với địa phương giảm dần hộ nghèo”.

Trong thời gian đến, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trong toàn huyện sẽ có những sáng kiến hơn, giải pháp tối ưu hơn như: Khảo sát chủ hộ phụ nữ nghèo, hộ phụ nữ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo để đỡ đầu, giúp đỡ sát thực; tiếp tục xây dựng mô hình Ngân hàng, tập huấn hướng dẫn kỹ năng sống, tổ chức cuộc sống gia đình, xây dựng các mô hình kinh tế, những mô hình sinh kế bền vững, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tiếp cận với các nguồn vốn để đầu tư chăn nuôi, sản xuất...giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững. Phương Thiện

1395 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 689
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 690
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86336128