Nhận mặt bằng đến đâu thi công đến đó
Những ngày này, các nhà thầu thi công gói thầu xây lắp số 1 và số 2 của dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị đang tranh thủ thời tiết tạnh ráo, tích cực triển khai bóc phong hóa, đào nền đường, đúc cấu kiện bê tông sau 2 tháng khởi công dự án.
Máy xúc các loại đồng loạt tung gàu đào đất đổ lên xe ben chở đến các bãi thải. Tiếp đó, máy ủi, xe lu rung tiến vào san mặt ủi, tạo khuôn đường. Gần đó, hàng ngàn mét khối cấp phối đá dăm 2 cũng được các phương tiện chở về bãi tập kết gần QL9.
Máy xúc đào đất đổ lên xe ben chở đến các bãi thải
Cách nút giao ngã 3 đầu tuyến Cam Lộ không xa, con đường công vụ dài hàng km vừa mở xuyên qua khu rừng tràm, cao su. Theo con đường này, một mũi thi công khác với hàng loạt xe máy múc, xe ben cũng hối hả thi công đào nền đường, tạo khuôn đường.
Trong khi đó, một mũi thi công khác lại tiến hành san ủi mặt bằng định vị tim cọc để tiến hành khoan cọc khoan nhồi đầu tiên ở cầu vượt qua Tỉnh lộ 579.
Tại một số vị trí, do nền đường sâu tới 15-20m, thậm chí một số đoạn qua núi cao, phải đào sâu tới 50m và gặp vỉa đá nên các đơn vị phải sử dụng máy đào công suất lớn kết hợp với búa công phá từng mảnh đá.
Cùng thời điểm, từ QL9D rẽ vào con đường đất xuyên qua những cánh rừng tràm, thông dài gần 10km, 2 mũi thi công “giáp công” đào xúc nền đường về phía đỉnh đồi.
Gần đó, một số lán trại cũng được thiết lập, các công nhân mướt mồ trên bãi đúc cống bê tông phục vụ thi công.
Đáng kể, tại khu vực giáp với con sông Vĩnh Phước nơi thượng nguồn, cũng là con sông ngăn chia địa giới hành chính giữa TP Đông Hà và huyện Triệu Phong (Quảng Trị), nền đường được đào khá sâu. Do gặp phải vỉa đá sớm, nhà thầu sử dụng máy xúc phối hợp với búa đóng công phá từng mảnh đá để tạo nền đường.
Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư Dự án Cam Lộ - La Sơn) cho biết, Cam Lộ - La Sơn là dự án thành phần đầu tiên của Dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Đây là một trong 11 dự án thành phần theo Nghị Quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV tiếp tục đầu tư xây dựng một số đoạn Dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài khoảng 654km.
Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đi trùng với đường Hồ Chí Minh. Đoạn tuyến có chiều dài xây dựng là 98,35km, đi qua các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) và huyện Phong Điền, thị Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Theo phê duyệt, giai đoạn đầu Dự án có mặt cắt ngang với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền 12m. Riêng các đoạn nền đường đào sâu có quy mô 2 làn xe, bề rộng nền 23m; Các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền 23m…
"Dự kiến dự án Cam Lộ - La Sơn sẽ hoàn thành vào năm 2021, cùng với đoạn La Sơn - Túy Loan và Đà Nẵng – Quảng Ngãi, sẽ tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh Cam Lộ - Quảng Ngãi. Qua đó, góp phần đạt được sự phân bố hợp lý trên dải đất hẹp miền Trung, tạo điều kiện để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải khu vực cũng như hệ thống đường bộ Việt Nam nói chung", Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh Lâm Văn Hoàng nhấn mạnh.
Hàng mét khối cấp phối đá dăm tập kết gần QL9 phục vụ thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Lo “nghẽn” mặt bằng chậm tiến độ
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Hà Thành là nhà thầu đang triển khai thi công cầu vượt Tỉnh lộ 579. Cầu vượt Tỉnh lộ 579 này nằm trên đoạn tuyến Km12+203,86 của tuyến cao tốc, chiều dài toàn cầu 45,66m, bề rộng cầu 7,5m, mặt cắt ngang gồm 4 dầm I33… Cạnh đó, một đoạn tuyến đã được đơn vị thi công bóc phong hóa, đào nền đường.
Tuy nhiên, cách công trường này một đoạn, nhiều máy móc thiết bị của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam - một trong những nhà thầu thuộc gói thầu xây số 2 dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn vẫn đang “nằm chờ” bên tuyến Tỉnh lộ 579 khu vực xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong vì mặt bằng mới được bàn giao 0,4km.
Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, sau 2 tháng khởi công, đoạn tuyến 37,3km qua Quảng Trị còn 10km mặt bằng chưa được bàn giao cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công. Đáng lo nhất là “điểm nghẽn” mặt bằng 7km qua huyện Triệu Phong, các vướng mắc này tồn tại đã lâu nhưng vẫn chưa được tháo gỡ.
Trước đó, vào ngày 8-11, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản hỏa tốc yêu cầu Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong về việc khẩn trương chỉ đạo giải quyết vướng mắc để GPMB dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua huyện này.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn là công trình trọng điểm quốc gia. Vì vậy, Bí thư Huyện ủy (Trưởng Ban chỉ đạo GPMB huyện) và Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong phải khẩn trương phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tập trung giải quyết dứt điểm các trường hợp vướng mắc còn tồn tại của các tổ chức, cá nhân tại xã Triệu Ái, xã Triệu Thượng, hoàn thành trước ngày 15-11. Tuy nhiên, thực tế đến nay các trường hợp vướng mắc tại huyện Triệu Phong vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Nhà dân nằm trong vùng triển khai dự án Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Tại Thừa Thiên - Huế, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh này dài 62,5km. Tính đến ngày 15-11, địa phương này đã bàn giao mặt bằng được khoảng 30km. Đại diện Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, một trong những vướng mắc hiện nay là còn 14 thửa đất của 11 hộ dân (chiều dài tuyến khoảng 0,3km) chưa được xác nhận tờ khai nguồn gốc sử dụng đất, do một số vướng mắc về địa giới hành chính và quá trình quản lý giữa xã Lộc Bổn (Phú Lộc) và xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy). Một số người sử dụng đất đã đi làm ăn xa, hiện không có mặt tại địa phương, nên công tác kiểm kê phải mời nhiều lần làm ảnh hưởng đến tiến độ.
Sau khi đi kiểm tra thực địa, nghe Sở GT-VT và các địa phương báo cáo tiến độ, cũng như một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai GPMT, xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và các cơ quan tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đồng thời yêu cầu Sở GT-VT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã Phong Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và Phú Lộc khẩn trương hoàn thiện phương án đền bù, GPMT, tái định cư, kinh phí đối với từng hạng mục công việc, phân đoạn tuyến và tổng thể dự án; tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh văn bản báo cáo trình Bộ GT-VT xem xét, phê duyệt.
Ngoài ra, đề nghị Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh chủ động làm việc với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GT-VT để đẩy nhanh các thủ tục, sớm có ý kiến thống nhất để các địa phương phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm tổ chức thực hiện GPMB, bàn giao đất theo kế hoạch cam kết, đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
VĂN THẮNG