Hội đồng trường – Khâu đột phá của tự chủ đại học 

(Chinhphu.vn) – Việc thành lập hội đồng trường trong các trường đại học là một xu thế tiến bộ, là khâu đột phá trong triển khai tự chủ đại học.

 

Còn chưa sẵn sàng

Các văn bản pháp quy của Việt Nam (như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Điều lệ trường đại học…) đều khẳng định vai trò quan trọng và tất yếu của hội đồng trường (HĐT) trong cơ chế tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình của các trường đại học. Đồng thời, nhận thức chung của mọi người đều thừa nhận, để tránh lạm quyền và độc đoán trong quản lý, quyền tự chủ không thể trao cho cá nhân hiệu trưởng mà phải cho một tập thể lãnh đạo – đó là HĐT. Do vậy, rõ ràng, việc thành lập HĐT phải được coi là khâu đột phá trong triển khai tự chủ đại học. Và vì thế, HĐT phải nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhà nước về GD&ĐT, của xã hội và của chính các trường đại học.

GS.TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Trên thực tế, có ý kiến cho rằng vai trò của HĐT là vô cùng quan trọng và cần thiết. Việc thành lập HĐT đồng nghĩa với việc sẽ có thêm một tổ chức đại diện cho tiếng nói dân chủ, khách quan đối với hoạt động của nhà trường. Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Đức Viên (nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam), những ý kiến như trên không nhiều và thực tế nhiều năm qua, ở không ít các trường đại học đã thành lập HĐT, nhưng thiết chế này chỉ là một tổ chức tồn tại trên danh nghĩa, hình thức và không có thực quyền, có nơi còn bị coi là cánh tay nối dài của hiệu trưởng.

Cho tới nay, mới có 59/163 cơ sở giáo dục đại học thành lập HĐT. Nhiều trường trong số đó thành lập HĐT hoặc là do bị cơ quan quản lý nhà nước nhắc nhở nhiều lần, hoặc là để hợp pháp hoá hoạt động của nhà trường…

Ở các quốc gia có nền giáo dục đại học phát triển thì ngược lại, HĐT có vị thế khác hẳn. Nếu nhìn vào bằng tốt nghiệp đại học, cao học, bằng tiến sĩ của một đại học nào đó ở Hoa Kỳ thì sẽ thấy trên các tấm bằng danh giá ấy đều có chữ ký ở vị trí trang trọng nhất của Chủ tịch HĐT, thậm chí bằng cấp là do HĐT quyết định.

Để thực hiện tự chủ đại học, HĐT là một công cụ quan trọng, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của một tổ chức dân chủ. Tuy nhiên, tự chủ đại học trong thời gian qua chưa gắn liền với đổi mới quản trị đại học, với vai trò quyết định là sự ra đời và phát huy quyền lực của HĐT. Theo ông Trần Đức Viên, sự không nhất quán về pháp quy, những yếu kém trong thực tiễn công tác quản lý, sự chưa sẵn sàng của các trường đại học đã vô hiệu hoá tác dụng của HĐT. Thiết chế HĐT đã không đi vào được thực tiễn “đời sống” của hệ thống giáo dục đại học là vì Nhà nước không chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để các cấp, các ngành và các trường thực hiện quy định về HĐT. Bên cạnh đó, các văn bản luật pháp về HĐT chưa nhất quán, hiệu trưởng chưa sẵn sàng tiếp nhận thiết chế HĐT, cơ chế “bộ chủ quản” về tổ chức-nhân sự, đầu tư và thói quen “cấp phép” về công tác chuyên môn của Bộ GD&ĐT đã hạn chế quyền tự chủ của các trường ĐH, đã vô hiệu hoá chức năng của HĐT.

Cần sự hiểu đúng, hiểu đủ của xã hội

GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, ở nước ta hiện nay, việc thành lập HĐT với các chức năng và nhiệm vụ theo thông lệ quốc tế là hoàn toàn có thể, chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện và năng lực, phải quyết tâm bằng cả lời nói và hành động thực tiễn, tạo điều kiện hỗ trợ và giúp đỡ HĐT hoạt động thiết thực, hiệu quả theo luật định, chấm dứt tình trạng nữa vời của HĐT.

Theo ông Viên, để đạt sự đồng thuận cao, xã hội cần được hiểu đúng, hiểu đủ về tự chủ đại học và thiết chế HĐT. Do đó, cần phải tăng cường công tác truyền thông trong xã hội và trong nội bộ ngành, nội bộ từng trường, đảm bảo thông tin thông suốt, thống nhất. Chỉ có như thế, xã hội mới có thể nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tự chủ, về vai trò và trách nhiệm HĐT và của mỗi cá nhân trong tiến trình tự chủ đại học.

HĐT là một công cụ quan trọng, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của một tổ chức dân chủ. Muốn có HĐT đúng nghĩa, ông Trần Đức Viên cho rằng phải sửa Luật Giáo dục đại học và cả hệ thống các văn bản pháp quy khác có liên quan đến sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học, như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Bộ luật Lao động và các quy định về chế độ công chức… cũng như các quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Một mình Luật Giáo dục đại học, dù có hoàn chỉnh đến mấy cũng không thể làm thay đổi tự chủ đại học nói chung và sự thực chất hoá quyền lực của HĐT nói riêng.

Bên cạnh đó, để HĐT thực hiện đúng chức năng và vai trò theo luật định, cần trao thực quyền cho họ, nhưng quyền cũng đi liền với trách nhiệm, nghĩa là cùng với hiệu trưởng, HĐT (đại diện là chủ tịch) cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhà nước, trước xã hội, trước cán bộ, giáo viên và người học về tất cả các lĩnh vực hoạt động của cơ sở giáo dục.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng tiếc là trong khi nỗ lực đòi hỏi được tự do (tự chủ) nhiều hơn trong việc ra quyết định thì nhiều trường đại học lại không có hành động tương thích trong trách nhiệm giải trình, minh bạch hóa các thông tin về tài chính, đào tạo và việc làm. Đồng thời họ cũng không phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo kém, khả năng tìm việc làm và hòa nhập thị trường lao động thấp của sinh viên.

Chất lượng đội ngũ yếu, xu hướng đào tạo chạy theo số lượng phục vụ lợi ích kinh tế và trách nhiệm giải trình thấp là những hạn chế lớn của các trường đại học, một mặt khiến nhà nước ngại ngần trong việc trao quyền tự chủ đầy đủ cho các trường, mặt khác điều đó còn làm cho xu hướng thương mại hóa giáo dục phát triển, trong khi chất lượng nguồn nhân lực đào tạo ra đang làm xã hội lo lắng.

HĐT cùng với Ban giám hiệu phải chịu trách nhiệm toàn diện về các hoạt động của nhà trường, tăng cường vai trò giám sát của HĐT đối với hoạt động của Ban giám hiệu và HĐT chịu trách nhiệm giải trình với người học, với cán bộ giáo viên, với nhà nước và với xã hội. Chỉ có thế mới mong được tự chủ thực sự.

Cuối cùng, mối quan hệ giữa HĐT và Ban giám hiệu phải tương đối độc lập, tăng cường vai trò của HĐT, nhưng HĐT không phải là Bộ chủ quản thu nhỏ, quản lý Ban giám hiệu, làm ảnh hưởng đến hoạt động của Ban giám hiệu mà chỉ làm nhiệm vụ xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển tổng thể, giám sát và hỗ trợ Ban giám hiệu hoàn thành tốt nhất chức năng và nhiệm vụ của họ.

Theo ông Trần Đức Viên, trường đại học chỉ tự chủ thực sự khi quyền quyết định chuyên môn thuộc về đại học, quyền quyết định nhân sự-tài chính thuộc về HĐT với sự giám sát của vị đại diện vốn nhà nước là thành viên của HĐT.

Nhật Nam

447 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1087
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1087
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87134248