Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị

Đoàn ĐBQH Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực tại Phiên họp và thể hiện vai trò là thành viên trách nhiệm của IPU.

Theo chương trình, trong ngày làm việc thứ hai tại phiên họp lần thứ 206, Hội đồng Điều hành xem xét báo cáo về kết quả tài chính cho năm 2019 và phê duyệt các khoản chi tiêu năm. Hội đồng Điều hành cũng bầu các kiểm toán viên nội bộ cho các khoản chi tiêu của năm 2021. Đồng thời thông qua dự toán ngân sách, kèm theo chương trình làm việc của IPU cho năm 2021.

Hội đồng Điều hành cũng bầu ra hai thành viên mới của Ban Chấp hành. Do việc bầu thành viên Ban Chấp hành IPU được quyết định bởi các Nhóm địa chính trị, Ban Chấp hành khuyến nghị nhiệm kỳ các quan chức IPU kéo dài đến thời gian có thể diễn ra bầu cử tức Đại hội đồng IPU lần thứ 142. Tại Phiên họp lần thứ 206, Hội đồng Điều hành sẽ bầu ra 2 đại biểu cho Nhóm Châu Mỹ La tinh và Caribbean và Nhóm 12+. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam bày tỏ ủng hộ các ứng cử viên Ban Chấp hành theo đề xuất của các nhóm địa chính trị.     

Cũng trong phiên họp, Hội đồng Điều hành nghe báo cáo tóm tắt về kết quả các Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần 5 (WCSP-5) và Hội nghị thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 13.

Theo đó, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 được tổ chức theo hình thức trực tuyến do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên hợp quốc và Quốc hội Áo phối hợp tổ chức từ ngày 19 đến ngày 20/8 với chủ đề tổng quát “Sự lãnh đạo của Nghị viện để thực hiện chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hoà bình và phát triển bền vững cho người dân và thế giới”.

Tại hội nghị này, đại biểu là các nhà lãnh đạo Quốc hội các nước, tổ chức quốc tế thảo luận về các báo cáo và các chủ đề: Hiện thực hóa bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái: Thực tiễn và các cam kết của nghị viện; Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào chính trị và nghị viện: từ lời nói đến hành động; Thập kỷ hành động để đạt được Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu; Dịch chuyển thể nhân để theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn. Các thách thức, cơ hội và giải pháp; Dân chủ và vai trò thay đổi của nghị viện trong thế kỷ 21; Khoa học, công nghệ và đạo đức: những thách thức mới nổi và giải pháp cấp bách… và nhiều nội dung quan trọng khác.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 cũng đã thông qua Tuyên bố về sự lãnh đạo nghị viện để thực hiện chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và thế giới.

Về Hội nghị trực tuyến Hội nghị thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 13, được tổ chức trong hai ngày 17-18/8 với chủ đề “Sự lãnh đạo của phụ nữ tại Quốc hội trong thời COVID-19 và sự phục hồi sau đại dịch”. Hội nghị này diễn ra ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5, quy tụ 28 đại biểu là nữ Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội từ 26 quốc gia để thảo luận về các chuyên đề: (i) Nâng cao năng lực quản lý các trường hợp khẩn cấp lên tầm cao mới; (ii) Đẩy mạnh trao quyền kinh tế, tài chính cho phụ nữ và (iii) Chấm dứt nạn bạo lực đối với phụ nữ trong quốc hội và trong mọi hoạt động xã hội. Thông qua trao đổi, thảo luận tại Hội nghị các đại biểu đi đến nhận thức chung về các vấn đề phải đối mặt trong bối cảnh COVID-19, những tác động tiêu cực đến phụ nữ, cùng với đó là đưa ra các cảnh bảo và đề xuất các biện pháp giải quyết vấn đề một cách căn bản, nhấn mạnh vai trò của phụ nữ, của các đại biểu Quốc hội nhất là đại biểu Quốc hội nữ. Hội nghị lần này có ý nghĩa quyết định trong việc dẫn dắt của Quốc hội là trong xây dựng và thực hiện chính sách để bảo đảm bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ; khẳng định Quốc hội các nước cùng nhau kề vai sát cánh, thúc đẩy sự hợp tác sẽ phát huy sức mạnh, vai trò hơn nữa trong giải quyết các vấn đề khủng hoảng.

Đại diện các nước phát biểu tại phiên họp trực tuyến 

Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5, Đoàn đại biểu của Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn tham gia hội nghị trực tuyến đã có bài phát biểu thảo luận về chủ đề “Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu”; khẳng định Quốc hội Việt Nam luôn đồng hành cùng Chính phủ thông qua việc hoàn thiện hệ thống luật pháp trong nước về môi trường; dành nguồn lực thỏa đáng đối với việc triển khai các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Trước thềm khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân phát đi thông điệp gửi đến Hội nghị, trong đó nội dung nhấn mạnh sự tham gia của Quốc hội Việt Nam vào các cơ chế liên nghị viện khu vực và thế giới, góp phần củng cố hòa bình, thúc đẩy hợp tác và triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại Hội nghị trực tuyến Hội nghị thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 13 trong phiên thảo luận chuyên đề về “Nâng cao năng lực quản lý khủng hoảng lên tầm cao mới”, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài tham luận, khẳng định thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cũng luôn là chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và bảo vệ lợi ích chính đáng của phụ nữ. Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và sự tham gia tích cực của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các đại biểu các nước.

Theo dự kiến chương trình phiên họp lần thứ 206 của Hội đồng Điều hành IPU sẽ tiếp tục vào ngày 3/11, Hội đồng Điều hành tiếp tục nghe Báo cáo tóm tắt về Ủy ban nhân quyền của các Nghị sỹ; giải đáp các vấn đề xoay quanh các hội nghị liên nghị viện trong tương lai cùng các câu hỏi liên quan đến tư cách thành viên IPU./.

 
Thu Lan - Hoài Hà