PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ: chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương là nhiệm vụ cơ bản của công tác Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) và Phong trào CTĐ. Trong giai đoạn 2012 - 2017, những phong trào, hoạt động Hội CTĐ phát động và tổ chức hầu hết là các cuộc vận động lớn, có ý nghĩa xã hội sâu rộng, nhận được sự ủng hộ tích cực của toàn xã hội.
Điểm nổi bật trong những phong trào, những hoạt động đó là việc phát động và tổ chức thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động: "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Dự án “Ngân hàng bò” và Chương trình “Ngân hàng bò - Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới”, hoạt động trợ giúp nạn nhân chất độc da cam tiếp tục được chăm lo thông qua phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”... Những hoạt động đó đã góp phần trợ giúp thiết thực cho các đối tượng dễ bị tổn thương tại cộng đồng.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức khám, chữa bệnh
nhân đạo cho người dân. Ảnh: Trung Nghĩa
Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, được phát động từ tháng 5/2008 đến nay, đã lập được 575.598 hồ sơ “địa chỉ nhân đạo”; trợ giúp, vận động trợ giúp 540.168 hồ sơ với tổng trị giá hơn 941 tỷ đồng. Đây là cuộc vận động có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm chuyển hướng tư duy, nhận thức của hội về tổ chức hoạt động nhân đạo; về tính cộng đồng trách nhiệm trong trợ giúp người nghèo trên cơ sở phát triển quan hệ đối tác; từng bước khẳng định đầy đủ vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối của hội trong hoạt động nhân đạo; giảm bớt chồng chéo, trùng lặp, thiếu công bằng trong hoạt động nhân đạo.
Trong thiên tai, thảm họa, Hội Chữ thập đỏ cũng luôn là một trong các lực lượng có mặt đầu tiên trợ giúp đồng bào bị nạn và cũng là một trong số ít tổ chức gắn bó bền bỉ, lâu dài với nhân dân vùng bị thiên tai trong giai đoạn tái thiết, phục hồi.
Năm năm qua (2012 - 2017), nét mới trong hoạt động tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm là việc chuyển mạnh sang hỗ trợ phòng ngừa, tham gia xây dựng cộng đồng an toàn, hoàn thiện và chuyển giao các mô hình hiệu quả phòng, chống thiên tai dựa vào cộng đồng. Các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về thảm họa, hướng dẫn kỹ năng phòng tránh và ứng phó thảm họa, xây dựng cộng đồng an toàn, có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều cơ sở Hội, nhất là ở các vùng hay xảy ra thiên tai đã xây dựng đội ứng phó thảm họa cấp cộng đồng. Hầu hết các tỉnh, thành Hội đều có dự trữ về tiền và hàng cứu trợ ở mức khác nhau, sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra. Đến nay, 56/63 tỉnh, thành Hội là thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, 38/63 tỉnh, thành Hội có Quỹ dự phòng ứng phó thiên tai; 3/63 tỉnh, thành Hội lập đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh và triển khai các hoạt động ở các mức độ khác nhau.
Đến thời điểm hiện tại, hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo, cấp thuốc miễn phí được duy trì ở hầu hết các địa phương. Các cấp hội tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình điểm, duy trì hoạt động 1.189 cơ sở khám, chữa bệnh CTĐ; tổ chức 260 đội khám, chữa bệnh CTĐ lưu động... Đặc biệt, từ năm 2014, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai Chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo với chủ đề “Chung sức hành động vì sức khỏe cộng đồng”, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ngoài ra, Hội CTĐ Việt Nam cũng luôn tích cực, tăng cường mối quan hệ với các đối tác trong và ngoài Phong trào CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế; tổ chức hoạt động nhân đạo dành cho người dân nghèo ở các nước láng giềng, nhất là người nghèo ở các tỉnh có chung biên giới.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận chuyển hàng cứu trợ đến
những nơi xảy ra thiên tai. Ảnh: Trung Nghĩa
Các hoạt động tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo được triển khai có quy mô, kế hoạch, tạo được điểm nhấn và trở thành phong trào/chiến dịch truyền thông cho những năm sau. Hiện nay, toàn quốc có 98,6% số quận, huyện và 73,7% số xã, phường lập Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện, lập mới và duy trì hoạt động thường xuyên của 3.137 câu lạc bộ hiến máu tình nguyện với 126.281 thành viên. Các cấp Hội đã phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cùng cấp tập huấn cho 182.908 lượt tình nguyện viên nòng cốt về tuyên truyền; vận động hiến máu tình nguyện, tổ chức truyền thông, vận động hiến máu tới hơn 6.795.530 lượt người; tôn vinh, khen thưởng 107.546 tập thể, cá nhân và gia đình có thành tích hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện. Ban Chỉ đạo và các cấp Hội tổ chức tốt các chiến dịch truyền thông lớn và các sự kiện có ý nghĩa. Đã xuất hiện nhiều mô hình trong vận động hiến máu tình nguyện như: Câu lạc bộ hiến máu dự bị (ngân hàng máu sống), Câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm, Câu lạc bộ 25, tuyến phố hiến máu, dòng họ hiến máu, gia đình hiến máu, "mỗi xã, phường là một điểm hiến máu"…
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu, trước yêu cầu mới hiện nay, công tác Hội và Phong trào CTĐ cần được tiếp tục triển khai với quyết tâm cao hơn. Trong đó, Hội CTĐ Việt Nam sẽ không ngừng phấn đấu, khẳng định vai trò vừa nòng cốt, cầu nối, điều phối trong các hoạt động nhân đạo cả nước. Cùng với đó, hoạt động hợp tác quốc tế của hội sẽ tiếp tục được quan tâm, mở rộng, với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp nhân đạo ở Việt Nam; đồng thời, đóng góp tích cực cho Phong trào CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế./.
Đỗ Thoa