Hơn 20 năm công tác tai trường Tiểu học Húc (huyện Hướng Hóa – Quảng Trị), thầy giáo Nguyễn Nam Cường coi mảnh đất này trở thành quê hương thứ 2.
Năm 1997, chàng trai trẻ Nguyễn Nam Cường (sinh năm 1975, quê Nam Đàn, Nghệ An) "khăn gói quả mướp" mang theo hoài bão đến với một trong những vùng khó khăn nhất của huyện miền núi phía Tây Quảng Trị, xã Húc, huyện Hướng Hóa.
Thời gian thoáng như một giấc mơ qua, nhớ lại những ngày đầu lên với xã Húc, thầy giáo Cường cho biết: “Thời điểm đó trường Tiểu học Húc vẫn còn rất sơ khai, chỉ có những trường tạm tranh tre, nứa lá, bàn học sinh cũng chỉ là những bìa gỗ tạm, xung quanh trường là vách tre… cơ sở vật chất lúc đó gần như không có gì.
Đường xá thời điểm đó thì quả thật quá vất vả, lại không có phương tiện đi lại. Di chuyển lúc đó chỉ là đi bộ.
Anh em giáo viên lúc đó quấn túm, động viên nhau ở lại bám trường bám lớp”.
|
Thầy giáo Nguyễn Nam Cường bên ngôi trường mình đã gắn bó hơn 20 năm với đủ các điểm lẻ. Ảnh: LC |
Tâm sự với chúng tôi, thầy giáo Cường thừa nhận lúc đó, thời trai trẻ với rất nhiều khát vọng nhưng cũng chưa hề biết đến vùng đồng bào với dân tộc thiểu số là như thế nào.
Lúc mới đến, thấy đường không ra đường, trường không ra trường lớp không ra lớp thấy chán nên cũng muốn bỏ về.
Thế nhưng thấy học trò trên này tội quá, ánh mắt các em ngơ ngác khi nhìn thấy trò, hơn hết các em rất hiếu học, muốn hiểu con chữ như thế nào nên đã giữ chân thầy giáo Cường ở lại.
Mỗi lần thấy thầy Cường đến trường, đến điểm bản học sinh cũng rất vui, phụ huynh cũng sẵn sàng giúp thầy giáo trẻ trong việc dựng trường, ổn định cuộc sống.
Nhìn các em vượt qua nghịch cảnh nơi vùng khó, các em học sinh Tiểu học không chỉ thiếu ăn, thiếu áo quần nhưng vẫn chuyên cần đến lớp, đầu giờ học là ánh mắt háo hức chờ đợi kiến thức mới từ những trang sách diệu kỳ cùng lời giảng của thầy giáo trẻ….
Chính sự hiếu học của các em đã làm cho thầy giáo Nam Cường say mê công việc, bớt đi nỗi nhớ nhà, không ngừng nâng cao chuyên môn để dạy cho học trò nơi vùng khó.
Từ đó thầy giáo trẻ đến từ miền quê xa xôi mới có thể vững tâm ở lại đất Húc, cái tên từng quá xa lạ với cuộc đời thầy giáo trẻ.
|
Ánh mắt của học trò đã giúp thầy giáo trẻ năm xưa vượt qua chính mình gắn bó với mảnh đất, ngôi trường vùng khó. Ảnh: LC |
Với đặc thù của người đồng bào Bru –Vân Kiều, việc các em tiếp xúc ngoài bên ngoài nhiều hơn trong trường nên việc cởi mởi của các em đối với thầy cô giáo là rất khó nên để hiểu được học trò, thầy Cường cho biết, lúc đầu rất khó.
“Các em vừa ít tiếp xúc lại nói tiếng phổ thông chưa sõi nên việc tiếp cận với các em cực kỳ khó khăn. Để các em cởi mở được với thầy là cả một quá trình. Trước hết phải giành được sự tin tưởng của các em.
Mình phải gần gũi, chân thành, sau đó phải học được tiếng của bà con để chia sẻ. Dần dần, thầy và trò đã tin tưởng lẫn nhau, mọi thứ tốt lên”, thầy giáo Cường chia sẻ.
Nhìn lại thời gian đã qua, thầy giáo Cường cũng chẳng thể tưởng tượng nổi một ngày cơ sở vật chất trường học ở trường Tiểu học Húc được tốt lên như thế.
“Dẫu chưa thể so với nơi khác nhưng chính với Húc thôi, đó là sự khác biệt lớn lao rồi”, thầy Cường nhận xét.
Trường Tiểu học Húc hôm nay đã có những dãy nhà kiên cố, có phòng học, có bàn có ghế, không còn cảnh thầy và trò cùng nhau chạy nắng, trốn mưa, hay rung bần bật trong những cơn gió mùa của Trường Sơn nữa.
Những ngày mới lên, thầy Cường bảo, trong ý nghĩ của thầy trò lúc đó chẳng bao giờ nghĩ có điện, có đường chứ chưa nói đến có trường, có lớp khang trang như hiện tại.
Qua 20 năm công tác, với thầy Cường, mảnh đất Húc đã trở thành quê hương thứ 2 của thầy, nơi thầy giáo trẻ năm xưa có tình yêu và sự nghiệp.
Tự hào khoe với chúng tôi, thầy Nam Cường cho biết, trong những lớp học sinh của thầy dậy đã có người là đồng nghiệp của thầy.
|
Người dân xã Húc từ các thôn làng xa xôi vẫn đến với các lớp học xóa mù, biết cái chữ để cuộc đời khá hơn, góp phần xây dựng quê hương. Ảnh: LC |
Thầy trò năm xưa đã cùng chung một mái trường, cùng góp sức với thầy dìu dắt từng lớp người vươn lên trong nghèo khó, cùng nhau trao đổi nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.
Không chỉ vậy, từ lớp học của thầy giáo Cường năm xưa, không ít lớp học sinh đã trở thành cán bộ cơ sở…
Từ ngày thầy giáo trẻ đến với miền đất khó như Húc, từng lớp học sinh đã trưởng thành, góp phần xây dựng quê hương ngày một đổi mới.
Nói về đồng nghiệp của mình, cô giáo Nguyễn Thị Thuận, Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường đánh giá thầy giáo Cường là một trong những nhà giáo có uy tín nhất trong trường Tiểu học Húc.
Không chỉ giỏi về chuyên môn, thầy Cường là một nhà giáo rất có uy tín trong dân. Rất nhiều việc trong xóm bản, thôn làng ý kiến của thầy Cường rất được xem trọng.
Để làm được việc này, thầy giáo Cường chia sẻ, “đó là gần dân anh ạ. Mình gần với dân, hiểu được vấn đề của họ, từ đó chỉ ra những điều gần gũi nhưng tốt cho họ. Lập tức họ nghe theo”.
Không chỉ tham gia công tác giảng dạy trên lớp, thầy giáo Nam Cường còn tham gia nhiều lớp học xóa mù, đến nay, những lớp học xóa mù ở xã Húc đã và đang góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Trên 50 học viên đã miệt mài vượt qua sức ỳ của tuổi tác, học lấy cái chữ, thay đổi ý thức tự làm cuộc sống của mình khá hơn.
“Những ngày đầu đi dạy lớp xóa mù cực kỳ khó khăn vất vả anh ạ. Một phần họ ngại vì lớn tuổi phần vì sức ì lớn quá nên họ không tiếp thu được dần họ nản. Có những ngày họ mê rượu hơn mê chữ nên lớp học vắng tanh”, thầy Cường nói về những ngày đi lớp xóa mù.
Trước những khó khăn đó, thầy Cường không nản lòng, thầy đốt đèn, đến từng nhà, tìm từng học viên, thuyết phục họ đến với lớp. Từ tấm lòng chân thành của thầy Cường, các học viên lớn tuổi đã bỏ chén rượu xuống, đến với cái chữ.
|
Dẫu có nhiều đổi thay song ở Húc giáo dục còn rất nhiều khó khăn và cần những bàn tay, những tấm lòng của các nhà giáo như thầy Nam Cường. Ảnh: GVCC |
“Học được chữ, viết được tên mình, họ vụ lắm, dần dần, các lớp học đã chuyên cần hơn. Thầy trò cùng hợp tác nên các lớp xóa mù bây giờ có cả nam và nữ. Mọi người cùng vượt khó anh ạ”, thầy Cường chia sẻ.
Hơn 20 năm công tác ở điểm khó nhưng thầy giáo Nguyễn Nam Cường liên tục là lao động tiên tiến, giáo viên dạy giỏi các cấp.
Giáo dục ở xã Húc đang trên đà phát triển nhưng để có sự phát triển ấy có sự đóng góp không nhỏ từ những người thầy như thầy giáo Cường.
Động lực để họ tiếp tục bám trường lớp, gắn bó với học sinh vùng khó không chỉ là trách nhiệm của người giáo viên mà còn là tình cảm gắn bó của thầy và trò, là tấm lòng yêu nghề vô bờ bến của người giáo viên nhân dân.
Những bước chân miệt mài của người giáo viên vùng cao vẫn tiếp tục trải dài trên từng con đường nhỏ của bản làng.
Hơn cả từ những điều trân quý những người giáo viên vùng khó như thầy giáo Cường còn là sự cống hiến thầm lặng và mong muốn giúp các em học sinh dân tộc thiểu số nơi đây có một tương lai tươi sáng hơn....
Trần Phương