Học và làm theo Bác: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm” 

Năm 2019 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm bản lề thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, là năm chúng ta kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Do đó, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chủ đề “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân” càng có ý nghĩa quan trọng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn quan tâm, chăm lo đến lợi ích và hạnh phúc của nhân dân, vì thế, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người chỉ có một mục đích duy nhất là vì dân. Người khẳng định: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Vì mục tiêu, lẽ sống ấy, Bác đã bôn ba khắp năm châu, bốn biển, tìm con đường cứu nước, cứu dân; sáng lập ra Đảng ta để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh đến bến bờ vinh quang.

Luôn luôn hướng về nhân dân, phục vụ nhân dân, vì thế, năm 1946, khi được bầu là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trả lời các nhà báo nước ngoài về mục đích cuộc sống của mình,  Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

 Người cho rằng, “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân”. Mọi công việc của Đảng phải luôn giữ nguyên tắc và liên hợp chặt chẽ với nhân dân; nếu không, chẳng những không lãnh đạo được nhân dân mà cũng chẳng học được nhân dân. Làm theo cách của quần chúng, việc gì cũng hỏi ý kiến, cũng cùng quần chúng bàn bạc, nhất định thành công. Vì vậy, Bác Hồ đã thấy được sức mạnh của nhân dân: “Có dân là có tất cả, mất dân là mất tất cả. Đảng phải gần dân, tin dân, trọng dân, học dân để lãnh đạo dân”. “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Do vậy, Người nhắc cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học hỏi quần chúng, chăm lo, quan tâm đến quần chúng và chính bản thân Người là hiện thân của sự mẫu mực quan tâm đến dân, lo cho dân. Cho nên theo Người giá trị của tự do, của độc lập là khi mà dân được ăn no, mặc đủ, có cuộc sống hạnh phúc. Vì vậy, công việc phải thực hiện ngay khi đất nước giành được độc lập đó là: Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân được học hành”.

Đặc biệt, trước khi “từ biệt thế giới này”, đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin, Bác viết trong bản Di chúc: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.  Người căn dặn Đảng và Nhà nước phải dựa vào dân để xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh, ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Có thể thấy trọn đời Hồ Chí Minh đã tận trung với nước, tận hiếu với dân. Vì quyền lợi tối cao của đất nước, lợi ích hàng ngày của nhân dân.

Thực hiện lời căn dặn của Người, hơn 30 năm qua, thực hiện đường lối đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, chính trị ổn định, kinh tế phát triển vượt bậc, quốc phòng an ninh được củng cố và tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng nâng cao.

Có được những thành tựu to lớn đó là do đại đa số cán bộ, đảng viên ngày đêm luôn gần gũi, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân hết lòng, hết dạ phục vụ lợi ích của nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Đặc biệt, có những cán bộ, đảng viên tự nguyện hy sinh, hiên ngang ngay cả khi đứng trước máy chém của kẻ thù vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, quan liêu, xa dân, hách dịch cửa quyền… đang gây bức xúc trong xã hội, làm mất niềm tin trong nhân dân. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã khẳng định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.

Vì vậy, để tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nêu cao vai trò trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhằm tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 ngày 15/05/2016 của Bộ Chính trị, nhất là chủ đề năm 2019 đó là: “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đòi hỏi, mỗi cán bộ đảng viên phải nâng cao ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, nhất thiết phải vừa thực hiện đạo đức công dân, vừa thực hiện đạo đức cách mạng của người cán bộ, nghĩa là biết: “Nhận rõ phải, trái. Giữ gìn lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân. Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết, phải tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, xác định vì nhân dân mà làm việc. Phục vụ nhân dân là phải “Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành”.

Mặt khác, muốn phát huy sức mạnh của nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi đường lối chính trị của Đảng thì đội ngũ cán bộ, đảng viên, những người lãnh đạo, giáo dục, hướng dẫn, tổ chức và tập hợp quần chúng phải thực sự tiền phong, gương mẫu và có uy tín cao trong nhân dân, phải tự mình nêu gương trước nhân dân. Có nghĩa là tất cả việc to, việc nhỏ đều phải vì lợi ích của nhân dân, phải trở thành mực thước cho nhân dân làm theo, phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ.

Tất cả chúng ta đều có thể học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong các của Người. Chúng ta học tập Bác ở tầm tư tưởng, đạo đức, lối sống, sự nhất quán từ lời nói đến hành động, suốt đời gắn bó máu thịt với dân và vì dân mà làm, mà hành động. Sẽ là thiết thực và có ý nghĩa biết bao nếu mỗi đảng viên chúng ta thường xuyên tự mình ôn lại và suy nghĩ những lời Bác dạy, để từ đó mỗi người phải luôn cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc. Bởi lẽ: “Làm cán bộ, tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân”. Làm đày tớ thì phải học dân, hỏi dân, hiểu dân. “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”.

Chăm lo lợi ích, hạnh phúc của nhân dân là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng cao đẹp của chế độ ta, vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta nhớ về Bác Hồ muôn vàn kính yêu, tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Người, chúng ta nguyện làm theo lời Người căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh” nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề đề ra./. Trần Văn Toàn, Trường Chính Trị Lê Duẩn

18137 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 461
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 461
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76771836