HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH CỦA NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG TRỊ 

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự kết tinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hoá của nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và Jhân dân, là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo.

Học tập và làm theo tấm gương của Người không chỉ là niềm vinh dự và tự hào, mà còn trở thành nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên đối với mỗi chúng ta trong quá trình rèn luyện, tu dưỡng để trở thành những công dân tốt, người lao động tốt.

Khẳng định tầm quan trọng và không ngừng nâng cao nhận thức những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 27/3/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới ra đời. Đây là bước ngoặt quan trọng, có tính đột phá, đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trước yêu cầu tăng cường công tác tư tưởng trong tình hình mới, những cuộc vận động học tập các giá trị nhân cách của Người trong cán bộ đảng viên, công chức viên chức và toàn thể nhân dân được đề ra trong các Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 07/11/2006, Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 và gần nhất là Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Những chủ trương trên vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Sau nhiều năm triển khai thực hiện, việc tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền nội dung Chỉ thị và các chuyên đề hằng năm được triển khai sâu rộng và bài bản dưới nhiều hình thức trong các đơn vị trường học ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), trong mỗi một cán bộ giáo viên nhân viên, đoàn viên thanh niên, học sinh.

Cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự chỉ đạo sâu sát, trực tiếp của Sở GD&ĐT Quảng Trị, các đơn vị trường học đã đạt được kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Có thể khẳng định, mỗi một tập thể, cá nhân đã nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn về nội dung, yêu cầu, mục đích của Chỉ thị, từ đó triển khai thực hiện các nội dung một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo với những cách làm hay, đem lại hiệu quả thiết thực; gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng với thực hiện nhiệm vụ chính trị, tạo động lực trong phong trào thi đua yêu nước, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành. Nhiều đơn vị đã được trao tặng các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, tiêu biểu như: Huân chương Lao động hạng Nhất (THPT Đông Hà, 2013); Huân chương Lao động hạng Nhì (THPT Cửa Tùng-2013, Mầm non Hoa Sen, TP. Đông Hà -2019); Huân chương Độc lập hạng Ba (THPT Vĩnh Linh, 2014), Huân chương Lao động hạng Ba (THPT Triệu Phong-2017, THPT Lê Lợi-2019); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (THPT Lê Lợi-2008, THPT Đakrông-2013, THPT Gio Linh-2016); Cờ Thi đua của UBND tỉnh (THPT Gio Linh, 2015) v.v.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống trong đội ngũ của các cơ sở giáo dục không ngừng được tăng cường. Cùng với việc “dạy thực chất, học thực chất” hưởng ứng cuộc vận động “Hai không” của Bộ GD&ĐT, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người ngày càng có sức lôi cuốn, biểu hiện qua tinh thần “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” và trở thành nội dung trọng tâm trong hoạt động dạy học trong mỗi trường học. Phong trào “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo” được đẩy mạnh trong từng cán bộ, giáo viên.

Với cách làm mới, sáng tạo, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII được triển khai trong những năm qua của các cấp ủy Đảng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại các nhà trường được diễn ra sôi nổi, có chiều sâu, phong phú về hình thức, đa dạng về nội dung. Nhiều chi bộ được trường học được chọn làm điểm để tổ chức diễn đàn sinh hoạt các chủ đề học tập và làm theo lời Bác như chi bộ Trường THPT Lê Lợi, THPT Chu Văn An, THPT Chuyên Lê Quý Đôn v.v.

Mỗi một cán bộ, giáo viên hăng hái hưởng ứng phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, chăm lo cho học sinh, nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội; tham gia có hiệu quả cuộc thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (2008) do Tỉnh ủy tổ chức. Năm 2018, Sở GD&ĐT Quảng Trị nằm trong tốp 10 các đơn vị có giáo viên và học sinh tham gia cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhiều nhất với 19.567 thí sinh, được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen. Tham gia cuộc thi này còn có nhiều đơn vị có số lượng lớn thí sinh đã tham gia dự thi như: Trường THCS Lao Bảo, THPT Gio Linh, THPT Triệu Phong, THPT Cam Lộ v.v. Đặc biệt, là 2 trong số 60 thí sinh đạt giải thay mặt cho gần 1.200.000 thí sinh trên toàn quốc, cô giáo Lê Thị Thúy Loan và học sinh Nguyễn Thị Ly của Trường THPT Nguyễn Hữu Thận đã xuất sắc dành giải Nhì cuộc thi, được Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn tặng Bằng khen.

Học sinh các nhà trường cùng với mục tiêu phấn đấu trở thành “con ngoan, trò giỏi, bạn tốt” còn tích cực tham gia các hoạt động có ý nghĩa giáo dục cao của đoàn thanh niên như chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ” (2014), “Ánh sáng đường quê” (2013), các chiến dịch “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày thứ 7 tình nguyện” và có nhiều hoạt động xung kích, tình nguyện khác tại vùng sâu, vùng xa, hải đảo v.v.

Được chi bộ, ban giám hiệu các nhà trường tạo điều kiện, tuổi trẻ các đơn vị trường học đã chủ động xây dựng và có những chuỗi hoạt động ý nghĩa, góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, rèn luyện trí tuệ, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống trong mỗi đoàn viên thanh niên và học sinh, tiêu biểu như chương trình “Hành trình Chinh phục biển đảo quê hương” (2012), “Góp đá xây Trường Sa” (2014), “Tổ quốc gọi tên mình” (2015) của Trường THPT Lê Lợi, “Ngày hội dân gian” (2014) của Trường THPT Vĩnh Linh; “Hành hương về nguồn” (2017) của Trường THPT Chế Lan Viên, Trường THPT Đông Hà, Trường THPT Bùi Dục Tài (2019); diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường” (2019) của Trường THPT Đakrông, chương trình “Chinh phục đỉnh cao” của THPT Thị xã Quảng Trị; các mô hình giáo dục về lịch sử và giá trị truyền thống của Trường Tiểu học Hướng Phùng như: Cột mốc Trường Sa, đảo Gạc Ma, tượng Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, nhà sàn truyền thống Vân Kiều; các chương trình trải nghiệm giáo dục kỹ năng sống, giúp trẻ gần gũi với thiên nhiên và môi trường cuộc sống của Trường Mầm non Hoa Sen (thành phố Đông Hà) v.v.

Quá trình thực hiện cũng đã xuất hiện nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng như mô hình “Nồi cháo tình thương” (2014) của Trường THPT Lê Lợi, “Bữa cơm gắn kết tình yêu thương” (2016) của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, “Tết vì học sinh nghèo” (2019) của Trường THPT Gio Linh, chương trình “Kết nối yêu thương” (2019) của Trường THPT Lao Bảo v.v. Ngoài ra, còn có rất nhiều hoạt động, nhiều nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, của nhiều đơn vị trong toàn ngành thể hiện tinh thần tương thân tương ái với những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống.

Nhiều tấm gương làm theo lời Bác, tự giác phấn đấu học tập, lao động, đóng góp công sức, thành quả lao động và học tập, góp phần thúc đẩy phong trào học tập trong giáo viên và học sinh. Em Văn Viết Đức - học sinh trường THPT Thị xã Quảng Trị đã đem vinh quang và niềm tự hào về với mảnh đất còn nhiều gian khó và hiếu học Quảng Trị khi dành vòng nguyệt quế “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 15 (2015); em Phạm Huy - học sinh trường THPT thị xã Quảng Trị với đề tài nghiên cứu “Cánh tay robot” đạt giải Ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật Quốc tế (Intel ISEF) tổ chức tại Mỹ (2017); em Phan Đăng Nhật Minh - học sinh trường THPT Hải Lăng, nhân vật đã tạo ấn tượng không chỉ đối với nhân dân trong toàn tỉnh mà còn truyền cảm hứng về tinh thần và ý chí học tập cho tuổi trẻ cả nước với thành tích quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 17 (2017); em Mai Ngọc Như và Nguyễn Diệu Huyền, học sinh trường THCS Nguyễn Trãi, TP. Đông Hà đã xuất sắc dành giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia (2018) với đề tài “Gạc Ma và những người anh hùng”. Với kiến thức và tư duy khoa học sắc sảo trong lĩnh vực lập trình giải các bài toán trên máy tính, em Thái Xuân Đăng - học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn luôn đạt điểm tốp đầu khi tham dự các vòng thi thử toàn quốc của các kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC do Hội Tin học Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và Bộ GD&ĐT tổ chức. Năm 2019, ngoài thành tích giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Thái Xuân Đăng đã đoạt Huy chương Bạc Olympic Tin học Châu Á Thái Bình Dương được tổ chức tại Liên bang Nga. Thầy giáo Phan Khánh Hội - Trường THPT Cửa Tùng xuất sắc đạt giải Ba ở bảng dành cho giáo viên Hội thi “Ánh sáng soi đường” toàn quốc lần thứ III (2019) do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức v.v. Ngoài ra, còn rất nhiều tấm gương tiêu biểu khác đã góp phần làm rạng danh quê hương Quảng Trị.

Trong giai đoạn hiện nay, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm tất yếu và cần thiết. Việc học tập và làm theo gương Bác còn thể hiện tình cảm, sự tôn trọng, lòng biết ơn đối với Người.

Để thực hiện tốt công tác này, cần tiếp tục phát huy cao độ vai trò của hệ thống tổ chức, cấp ủy và lãnh đạo các cấp trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo cả về hình thức, phương pháp và nội dung học tập.

Việc “học tập” tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người phải xuất phát từ tinh thần tự giác, bắt đầu từ những điều đơn giản, gần gũi nhất, từ đó “làm theo” Người, bằng hành động cụ thể, thường xuyên, qua những việc làm thiết thực trong đời sống và thực hiện nhiệm vụ thường ngày, tránh hình thức. Người từng dạy: “Một tấm gương sống giá trị hơn trăm bài diễn văn”, sức mạnh của nêu gương là vô cùng to lớn, gương mẫu là một mệnh lệnh không lời. Vì vậy, cần tăng cường tinh thần nêu gương “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” của người đứng đầu, sự gương mẫu trong mỗi cán bộ, giáo viên trong sinh hoạt, ứng xử, đạo đức lối sống, ý chí phấn đấu học tập, rèn luyện nâng cao trình độ để học sinh noi theo.  

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng trong triển khai thực hiện. Qua đó, tổng kết, rút kinh nghiệm, phát hiện nơi làm tốt, việc làm tốt, mô hình hay để kịp thời biểu dương, nhân rộng và chấn chỉnh những đơn vị làm chưa tốt, hiệu quả chưa cao, xây dựng phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phát triển sâu rộng và thực hiện thường xuyên trong toàn ngành.

Kết quả tích cực từ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các nhà trường sẽ góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và tạo chuyển biến tích cực từ trong suy nghĩ và hành động của từng cán bộ, giáo viên, nhân viên và là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hướng trọng tâm tới thực hiện mục tiêu giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả; đào tạo những con người có nhân cách, vừa có đức vừa có tài để dựng xây quê hương đất nước. Đặng Hoàng Quý

10862 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 634
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 634
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76741206