- Về phong cách, có thể hiểu đó là phong cách sống, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo ...
- Khoa học là gì ? Là hệ thống tri thức của nhân loại: tri thức về các quy luật của tự nhiên, xã hội và con người.
- Cách mạng là gì ? là thay cái củ, không phù hợp thời đại, đổi cái mới cho phù hợp với thời đại của dân tộc, của đất nước ...
Học tập và làm theo phong cách Bác Hồ được coi là một nội dung mới. Thật ra, ở Bác Hồ, tư tưởng, đạo đức, phong cách, bản lĩnh của Người hòa quyện với nhau làm một, xuyên suốt cuộc đời của Bác Hồ đối với Đảng, với dân tộc, với đất nước về công việc.
Chuyện kể về Bác Hồ có trăm ngàn, vạn chuyện.
Chuyện có thật mà như truyền thuyết – cổ tích.
Ở bài viết này tôi xin nêu về phong cách làm việc, phong cách sống và phong cách lãnh đạo của Bác Hồ, để cán bộ, đảng viên ta nhất là những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương ... các cấp cùng suy ngẫm để “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách, bản lĩnh, tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”
1. Về phong cách làm việc và phong cách lãnh đạo:
Từ ngày Đảng và đất nước còn non trẻ, mới nắm chính quyền, Bác Hồ đã lên án “Báo cáo láo”. “Làm được ít, suyét ra nhiều, để làm báo cáo cho oai, nhưng xét kỷ lại thì rỗng tuếch. Thế là đối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một bệnh rất nguy hiểm”. Để nắm được tình hình, Người đã nhắc nhở cán bộ, đảng viên các cấp: “Phải lắng nghe ý kiến của đảng viên và nhân dân”. Nhưng nghe như thế nào, làm thế nào nghe được tiếng nói chân thực của lời nói tùy thuộc vào tính trung thực của người nói, nhưng một phần còn tùy thuộc ở thái độ của người nghe có xuất phát từ ý muốn thực sự tìm hiểu sự thật hay không ? Thực ra hoạt động “nghe” sẽ tìm hiểu sự thật của người lãnh đạo hết sức quan trọng. Vì vậy, người cán bộ nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ... các cấp phải học cách nghe và phải có thái độ đúng đắn khi nghe để động viên khuyến khích người nói phản ánh đúng sự thật.
Muốn quyết định đúng; Bác Hồ đã dạy cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo có chức, có quyền phải biết phân tích, so sánh. Người nói: “So đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học”. Người còn chỉ rỏ đó là phương pháp rất quen thuộc trong dân chúng. Họ so sánh toàn bộ phận. Do sự so sánh, họ thấy chổ khác nhau, họ thấy mối mâu thuẩn. Rồi do đó họ kết luận, họ đề ra cách giải quyết. Theo lời Bác dạy: Khi xây dựng và lựa chọn các phương án, cần phải lắng nghe ý kiến của đảng viên và quần chúng, nhất là những người am hiểu các vấn đề có liên quan ... Tài năng và nghệ thuật lãnh đạo của cán bộ là ở chổ biết đoàn kết, biết huy động, khai thác và sử dụng trí tuệ của những chuyên gia và của những quần chúng lao động có trí tuệ, của các cán bộ lão thành ở mọi lĩnh vực công tác đã nghỉ hưu còn sức khỏe, có trí tuệ có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.
Trong việc lựa chọn phương án, khi tính toán các hiệu quả kinh tế, kỷ thuật... cần phải quan tâm đến đời sống của quần chúng nhân dân, vì đó là động lực quan trọng của mọi hoạt động trong cách mạng, nhất là hiện nay thực hiện các đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa mà cơ chế thị trường là thực tiễn thường bị cám dỗ, còn định hướng XHCN là mục tiêu chúng ta đang phấn đấu “Dân giàu, nước mạnh,dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong quyết định của lãnh đạo, không nên chỉ nhìn đơn thuần vào kỷ thuật nghiệp vụ mà phải chú ý đến đời sống vật chất, tinh thần của quần chúng nhân dân. Có như vậy, mới có cơ sở để quần chúng nhân dân tích cực thực hiện quyết định của lãnh đạo.
Bác Hồ căn dặn cán bộ, đảng viên ... mỗi khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại phải “nghiên cứu đến cội rễ, phân tích thật rõ ràng rồi kết luận” để làm khuôn phép cho những công việc khác và đó là “chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”. Để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác, Bác Hồ rất quan tâm đến vấn đề cán bộ và cho chúng ta những chỉ dẫn có ý nghĩa phương pháp luận khoa học để giải quyết tốt vấn đề cán bộ.
Điều quan trọng trước tiên, theo Bác là phải hiểu biết đúng cán bộ. Muốn vậy, phải chí công vô tư trong việc xem xét cán bộ. Người nói: “Biết người cố nhân là khó. Tự biết mình cũng không phải dễ. Đã không tự biết mình thì khó mà biết người. Vì vậy, muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước hết phải biết đúng sự thật phải trái ở mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc chắn không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”. Người dạy chúng ta phải có phương pháp khách quan, toàn diện trong việc đánh giá cán bộ. Không nên chỉ nhìn bề ngoài, xét trong mọi lúc, mọi việc, mà phải xét một cách toàn diện, “nói và làm” ... của cả quá trình phát triển của họ, những lúc gặp khó khăn, cũng như những lúc gặp thuận lợi ...
Người cho rằng, cách tốt nhất để đánh giá đúng cán bộ, tránh thiên tư, thiên sự là để quần chúng nhận xét cán bộ. Người lãnh đạo nên lắng nghe ý kiến của nhiều người khác khi đánh giá cán bộ.
Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, vẫn với phong cách làm việc và lãnh đạo ấy, Bác cầm nhịp cho cuộc chiến đấu mới của nhân dân ta: Xây dựng miền Bắc vững mạnh; đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà; Xây dựng Đảng xứng tầm đội tiên phong lãnh đạo.
Bác nói: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn; không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Trước lúc đi xa, Bác để lại di chúc cho đời sau. Trước hết nói về Đảng: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo của Bác Hồ là như thế.
2. Về phong cách sống:
Thủ tướng Phạm Văn Đồng là học trò xuất sắc, thân thiết ở bên cạnh Bác Hồ từ năm 1945 – 1969. Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Con người của Bác, đời sống của Bác giản dị như thế nào mọi người chúng ta đều biết: bữa cơm, đồ dùng, cái nhà, lối sống ... cái nhà chỉ vài ba phòng, đơn sơ, thanh bạch, Bác suốt đời làm việc, làm việc suốt ngày từ việc rất lớn: việc cứu nước, cứu dân đến việc rất nhỏ: trồng cây trong vườn, viết một bức thư cho một đồng chí, nói chuyện với các cháu miền Nam, đi thăm nhà tập thể của công nhân, từ nơi làm việc đến phòng ngủ, phòng ăn ...”.
Tết độc lập đầu tiên (Bính Tuất 1946) và nhiều tết nguyên đán sau ngày miền Bắc giải phóng (từ 1955 trở đi), đêm 30 tết năm nào, Bác cũng giành thời gian, đi thăm gia đình đồng bào các giới. Có lần, Bác đi vào một ngõ hẹp của Thủ đô, thăm nhà một nữ lao công tên là Chín, chồng mất sớm, một mình phải tần tảo nuôi 5 con. Thấy Bác bước vào, chị Chín ngẫn người trong giây lát. Rồi như chợt tỉnh, chị chạy lại ôm choàng lấy Bác, khóc nức nở. Bác vuốt mái tóc chị: “Năm mới sắp đến, Bác đến thăm thì thím phải vui lên chứ, sao lại khóc”. Chị Chín vẫn nghẹn ngào: Có bao giờ ... có bao giờ Chủ tịch nước lại tới nhà chúng con ... mà bây giờ mẹ con cháu lại thấy Bác tới nhà mình, Bác trìu mến nói: “Bác không đến thăm những người như mẹ con thím thì còn đến thăm ai ?”
Năm 1950, Bác Hồ đi chiến dịch biên giới, anh, em Cận vệ kiếm được con ngựa mời Bác cưỡi. Bác bảo: Chúng ta có 7 người, ngựa chỉ có một con, Bác cưỡi sao tiện. Anh em khẩn khoản mãi, không nở từ chối, Bác trả lời: “Thôi được, các chú cứ mang ngựa theo để nó đỡ ba lô, gạo nước và thức ăn. Trên đường đi, ai mệt thì cưỡi, Bác mệt Bác cũng cưỡi”.
Cuối năm 1961, Bác về thăm xã Vĩnh Thành (Yên Thành – Nghệ An), một xã có phong trào trồng cây tốt. Tại một ngọn đòi thấp, Bác đứng nói chuyện với nhân dân. Càng gần trưa, nắng càng gắt. Nhìn Bác đứng giữa nắng, ai cũng thấy xót lòng. Đồng chí Chủ tịch Huyện tìm mượn được chiếc ô định dương lên che cho Bác. Bác quay lại hỏi: “Thế chú có đủ ô cho tất cả đồng bào không ? Thôi cất đi, Bác có phải là vua đâu”.
Phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, phong cách sống của Bác có sức truyền cảm rất lớn, ngay cả với bạn bè thế giới: Chủ tịch đoàn, Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô Vô-rô-si-lốp, trong chuyến thăm Việt Nam 1957, sau khi thăm xã giao nhà riêng của Bác Hồ, vốn là căn nhà trước đây người thợ điện trong Phủ toàn quyền cũ ở, đã thốt lên với người cùng đi: “Tôi không thể tưởng tượng được rằng một vị Chủ tịch nước, một nhà lãnh đạo nổi tiếng lại chỉ ở một cái nhà xoàng xỉnh như vậy. Hay là có chuyện đùa gì đây ?” Được trả lời đó là nhà thật, Chủ tịch Vô-rô-si-lốp trầm tư: “Nếu quả thật như vậy thì chúng ta phải suy nghĩ về những lâu đài, biệt thự của chúng ta tại Mat-xcơ-va”.
Chủ tịch thương nghị viện Chi Lê Xan-va-đô A-gien-đê (Sau này là Tổng thống), sau khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tháng 5/1969, nhận xét: “Chưa bao giờ chúng tôi thấy sự giản dị và vĩ đại lại được kết tinh ở một con người như Hồ Chí Minh”.
Nhà báo, nhà văn Mỹ Đây-vít Hăm-bóc-xtơn, trong cuốn sách “Hồ” của mình, do nhà xuất bản Răng-đôm Hao-xơ ở Niu Oóc ấn hành năm 1971 viết: “... Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này – hơi giống Gay-đi, hơi giống Lê-nin, hoàn toàn Việt Nam. Có lẽ hơn bất cứ người nào khác ở thế kỷ này, đối với dân tộc của ông, và đối với cả thế giới, ông là hiện thân của một cuộc cách mạng. Thế nhưng đối với hầu hết nông dân Việt Nam, ông là biểu tượng của cuộc sống, hy vọng, đấu tranh, hy sinh và thắng lợi của họ. Ông là một người Việt Nam lịch sử, khiêm tốn, nói năng hòa nhã, không màng địa vị, luôn ăn mặc quần áo giản đơn nhất – cách ăn mặc của ông không khác mấy người nông dân nghèo nhất – một phong cách mà phương Tây đã chế giểu ông trong nhiều năm, cười ông thiếu nghi thức quyền lực, không có đồng phục, không theo thời trang. Cho đến một ngày họ mới tỉnh ngộ và nhận thấy chính cái giản dị ấy, cái khả năng hòa mình vào nhân dân ấy là cơ sở cho sự thành công của ông”.
Thủ tướng Nê-ru, sau cuộc tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ tháng 2/1958, nói: “Chúng ta được tiếp xúc với một người, Người đó là một phần của lịch sử Châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta đã gặp một mảng lịch sử của lịch sử. Do đó, có lẽ chúng ta không chỉ được tăng thêm về suy nghĩ mà còn được tăng thêm về tầm vóc. Được gặp người ấy là một người từng trải khiến chúng ta trở nên tốt hơn”.
Nhà báo O-xtrây-li-a Uyn-phrết Bớc-set viết: “Người ta không thể trở thành Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ, mỗi người có thể học một số điều làm cho mình trở nên tốt hơn”. Phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo và phong cách sống của Bác Hồ đã được truyền cảm, lan tỏa rộng lớn như vậy là thế.
Quán triệt những góc nhìn lý luận và thực tiễn những chỉ dẫn của Bác Hồ về phong cách làm việc, phong cách sống, phong cách lãnh đạo khoa học và cách mạng của cán bộ lãnh đạo và đảng viên nhất là người đứng đầu cơ quan đơn vị, chúng ta cần:
Một là, dựa vào nội dung kiểm điểm tự phê bình và phê bình tổng kết hàng năm hoặc của mỗi đợt sinh hoạt chính trị trong Đảng, trong các hoạt động của hệ thống chính trị (MTTQVN và các Hội thành viên), tùy theo mục đích yêu cầu của nội dung kiểm điểm để tự rút ra có gì ưu điểm thì phát huy, có gì khuyết điểm cần khắc phục để thực hiện tốt phong cách làm việc, phong cách sống, phong cách lãnh đạo: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách, Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Hai là, các thế hệ đi trước phải mẫu mực để nêu gương cho thế hệ trẻ hiện nay và mai sau về những tư tưởng, đạo đức, phẩm chất, phong cách của người cao tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi cao ở các đồng chí già “Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già giúp cho đồng chí trẻ tiến bộ” Người nhắc nhở “muốn thế hệ trẻ trở nên những người tốt thì lớp người lớn tuổi trước hết phải là những người tốt”. Nếu thế hệ cha chú lại không phấn đấu trở thành tấm gương sáng cho con cháu noi theo, không giữ gìn nếp sống liêm khiết, mẫu mực, giữ trọn đạo đức, niềm tin và lòng tự hào vào con đường đi của mình, thì làm sao ngăn chặn những hiện tượng suy thoái về lý tưởng, đạo đức, lối sống hiện nay, thế hệ trẻ biết tin vào ai, hướng về đâu.
Ba là, phải đề cao quá trình tự giáo dục, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân ... Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng khâu “tự giáo dục, tự rèn luyện” của cán bộ, đảng viên, thanh niên và chính Người đã để lại cho chúng ta một tấm gương sáng chói về “tự giáo dục, tự rèn luyện”, “tự giáo dục” là thể hiện tự làm chủ bản thân của từng con người thể hiện khả năng kiềm chế và tự điều chỉnh của mỗi người trong cuộc sống; “tự rèn luyện” đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo và phong cách sống của Người.
Bốn là, cấp ủy, chính quyền các cấp, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; coi trọng thu hút nhân tài, sắp xếp tổ chức, mô hình chi, Đảng bộ hợp lý, phù hợp với thực tiễn hiện nay; giải quyết những vướng mắc, khó khăn, tồn đọng, bức xúc ở cơ sở; thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tham nhũng triệt để.
Tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, bổ sung chuẩn mực đạo đức, nhận diện các biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Gắn các quy định về chuẩn mực đạo đức với việc làm. Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị các cấp.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành TW 4, 5, 6, 7, 8 (Khóa XII)
Năm là, cấp ủy cấp trên tổ chức cơ sở Đảng cần phải có quy chế, thể chế rõ ràng, phân cấp, phân công, tổ chức cấp trên cơ sở Đảng kiểm tra, giám sát cơ sở theo hướng “nói” có đi đôi với “làm” không ? để chống bệnh hình thức trong học tập, làm căn cứ cuối năm đánh giá tổng kết công tác xây dựng Đảng cho đúng trọng tâm. Kết quả đạt đến đâu, đã thực sự đưa cuộc vận động “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh” vào cuộc sống như thế nào về điển hình người tốt, việc tốt của cá nhân và tập thể để nhân rộng ...
Chủ tịch Hồ Chí Minh Người khởi xướng và trực tiếp nuôi dưỡng phong trào “Người tốt việc tốt” đã dạy rằng: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc là một rừng hoa đẹp”. Bác đã đi xa, nhưng lời dạy của Người vẫn nhắc nhở chúng ta phải luôn gắng sức chăm lo, giữ gìn và phát triển “rừng hoa đẹp” của đất nước, của dân tộc. Suy cho cùng, phải coi đó là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng ta hiện nay và mãi mãi mai sau “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách, bản lĩnh, tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Hoàng Đức Chúng