Học tập và làm theo lời dạy của Bác: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” 

Thi đua yêu nước là mục tiêu, động lực to lớn thúc đẩy phong trào cách mạng và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng thi đua yêu nước của Người mãi mãi soi sáng, dẫn đường toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cách đây hơn 70 năm, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta đang trong thời kỳ khó khăn, gian khổ, để động viên mọi lực lượng tham gia thực hiện đường lối “kháng chiến, kiến quốc” của Đảng nhằm đánh bại thực dân Pháp xâm lược, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Mục đích thi đua ái quốc là: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là, dựa vào: Lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân. Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở thành chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”. Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Thi đua yêu nước theo Bác Hồ: “Công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua”, bất kỳ công việc gì ích nước lợi nhà đều có thể và cần phải thi đua, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội phải được tiến hành một cách tích cực và sáng tạo, mang lại hiệu quả cao, sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần; qua đó thể hiện lòng yêu nước, thương dân, tình cảm thiết tha đối với quê hương, đất nước; phấn đấu vì độc lập, tự do, thống nhất của nước nhà, phát triển kinh tế và văn hóa, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy thi đua làm động lực, bồi dưỡng nâng cao, phát huy lòng yêu nước; qua phong trào thi đua làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng hành động thực tế, cụ thể, thiết thực trong cuộc sống, chiến đấu, lao động, học tập; lấy lòng yêu nước thúc đẩy thi đua, nâng cao hiệu quả thi đua.  

Lời kêu gọi Thi đua ái quốc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Từ đó, phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh đã góp phần giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thi đua yêu nước có ý nghĩa quan trọng và to lớn, ngày 4/03/2008 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11/6 hàng năm là “Ngày Truyền thống thi đua yêu nước” đây là dịp để Nhân dân đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, ngày 15/5/2016 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Khắc sâu lời dạy của Người, trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã phát triển mạnh mẽ, có sức lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến xuất sắc trong lao động sản xuất, học tập, nghiên cứu đến thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng an ninh, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng chính quyền. Học tập và làm theo tấm gương của Người, trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, các cơ quan, đơn vị, địa phương, Mặt trận và các đoàn thể tỉnh đã chủ động phát động, tổ chức các phong trào thi đua, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm qua đó tạo động lực, khí thế mạnh mẽ, lôi cuốn mọi người hăng hái thi đua lao động sản xuất. Nổi bật là các phong trào thi đua như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trong Công an nhân dân có phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “ Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”…Các phong trào thi đua đã trở thành động lực quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Nhờ thực hiện tốt các phong trào thi đua, nền kinh tế tỉnh nhà đã có sự tăng trưởng ổn định; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2018 ước tính 7,14%  đạt kế hoạch đề ra, trong khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 4,0%, khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 10,2%, khu vực dịch vụ ước tăng 7,1%. Thu nhập bình quân đầu người hiện ước đạt 42,3 triệu đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, tạo bước chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, góp phần xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng đổi mới và phát triển. Có thể khẳng định rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và phong trào thi đua yêu nước do Người phát động đã ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội và có giá trị thực tiễn to lớn, từ thực tiễn của hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Trong thời gian tới, để phong trào thi đua yêu nước trong Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh tiếp tục hoàn thành mọi nhiệm vụ đề ra, đưa công việc thi đua gắn với công việc hàng ngày của mỗi người như lời Bác Hồ dạy, cần tập trung thực hiện tốt một số công việc chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong toàn tỉnh về phong trào thi đua yêu nước, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua khen thưởng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết các nhiệm vụ khó khăn, bức xúc, đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị  trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng, nhân rộng các phong trào thi đua, các điển hình tiên tiến, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương.

Hai là, cần xây dựng kế hoach cụ thể để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong các phong trào thi đua. Phong trào thi đua phải thực sự thiết thực, đem lại lợi ích thiết thân, khơi dậy được tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, tính tích cực chính trị - xã hội của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế. Tạo động lực để người người thi đua, ngành ngành thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp nhằm xây dựng bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Tích cực thực hiện phong trào thi đua trong toàn Đảng bộ, các lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thi đua khen thưởng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tăng cường củng cố tổ chức bộ máy và cán bộ theo hướng gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng có phẩm chất, năng lực, kịp thời tham mưu, đề xuất về công tác thi đua khen thưởng.

Bốn là, cùng với đẩy mạnh các phong trào thi đua, cần tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá và có những hình thức khen thưởng hợp lý. Bác Hồ đã từng nói: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”, biểu dương, khen thưởng phải kịp thời, công tâm và đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng người, đúng việc, lấy hiệu quả kinh tế, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo. Tăng cường công tác tuyên truyền những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhất là các nhân tố mới để cổ vũ, nêu gương, nhân rộng. Tấm gương cần có sức thuyết phục, cảm hóa mạnh mẽ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

                                                 Xuân Ngọc - Trường Chính trị Lê Duẩn

1550 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 3532
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 3533
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76362576