Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam  phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TH)

Ngày 3/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 44 thành lập Ban Trung ương vận động đời sống mới và một năm sau (ngày 20/3/1947), với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho xuất bản tác phẩm “Đời sống mới”. Ngoài lời Tựa, tác phẩm được kết cấu thành 19 phần, đánh số thứ tự La mã từ I đến XIX, với dung lượng gần 5.800 từ, trình bày theo dạng hỏi – đáp. Tác phẩm trình bày một cách cặn kẽ, cơ bản nội dung của đời sống mới, từ khái niệm, mục đích, đối tượng của đời sống mới; hướng dẫn cách thức thực hành đời sống mới trong mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, từng nhóm đối tượng và môi trường cụ thể; định hướng phương châm và phương pháp xây dựng đời sống mới một cách vắn tắt, thiết thực, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 70 năm trước đã tạo nên động lực to lớn thúc đẩy kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Ngày nay, lời dạy ấy vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh''.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Làm sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm ''Đời sống mới'' chính là góp phần đổi mới việc thực hiện cuộc vận động ''Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh'', đồng thời đổi mới nội dung công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay. ''Đời sống mới" cũng là yêu cầu hết sức quan trọng đối với nông thôn mới, gắn với gia đình văn hóa, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nhằm nâng cao đời sống của người dân, bởi mục tiêu cuối cùng của Đảng, Nhà nước là nâng cao đời sống về tinh thần, vật chất cho nhân dân.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định: Hội thảo là dịp để chúng ta cùng nhau tưởng nhớ công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh; cùng nhau ôn lại nội dung, khẳng định giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn, sức sống trường tồn của tác phẩm “Đời sống mới” của Người; qua đó, cảm nhận sâu sắc lòng yêu nước, yêu nhân dân tha thiết; một trí tuệ anh minh, mẫn tiệp; một tầm nhìn xa rộng; một mẫu mực tuyệt vời về cách nghĩ, cách viết, cách nói, cách làm việc của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng, thống nhất Tổ quốc đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta.

GS.TS Hoàng Chí Bảo phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TH)
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã góp phần làm sáng tỏ những cơ sở lý luận, giá trị thực tiễn để vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “Đời sống mới” trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phát động, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong giai đoạn hiện nay. Các đại biểu nêu rõ, tác phẩm đã đặt nền móng cho xây dựng con người mới, văn hóa mới, xã hội mới. Qua tác phẩm thể hiện lòng yêu nước, thương dân, bài học quý giá trong tập hợp, vận động quần chúng nhân dân, khơi nguồn cho mọi phong trào thi đua yêu nước, nền tảng cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam thế kỷ 20.

Theo GS. TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương: ''Đời sống mới'' thể hiện tư duy đổi mới và hành động của Hồ Chí Minh. ''Đời sống mới'' và thực hành đời sống mới chẳng những nêu cao đạo đức mà còn làm sáng tỏ bảo đảm đạo đức cho kinh tế, chính trị, cho trong sạch, liêm khiết bộ máy, của con người trong bộ máy, thấm sâu trong các mối quan hệ với dân, với người, với việc, với toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị… “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Đó là tinh thần biện chứng giữa kế thừa và đổi mới. Tư duy Hồ Chí Minh minh định thật rõ ràng các trường hợp, các tình huống phải xử lý xung quanh mối quan hệ cũ - mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi...” – GS.TS Hoàng Chí Bảo nói.

Tiến sĩ Lê Đức Hoàng, chuyên trách Chỉ thị 05 Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: Việc nghiên cứu vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về ''Đời sống mới'' vào thực tiễn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn hiện nay, trước tiên cần xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới đều hướng đến đời sống mới với trọng điểm là ở nông thôn, ''sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc” cho nông dân, đem lại đời sống “đầy đủ hơn về vật chất, vui mạnh hơn về tinh thần'' như Bác Hồ đã chỉ ra. Bởi vậy, trong Chiến lược phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước và ngành chức năng phải luôn quan tâm, chăm lo đời sống cho nông dân, phát triển nông nghiệp hiện đại, tạo dựng bộ mặt nông thôn ''sáng đẹp'' hơn, giảm dần sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, coi đây là một trong những cách thức thực hiện công bằng xã hội.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh:TH)
 

Bằng những tri thức khoa học, kinh nghiệm thực tiễn, các đại biểu, nhà khoa học đã đưa ra những sáng kiến, đề xuất thiết thực cho việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện Cuộc vận động ''Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh'' trong giai đoạn mới; đề xuất các giải pháp hiệu quả, thiết thực với những sáng kiến mới, phương thức mới trong thực hiện thắng lợi mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát động, góp phần hiện thực hóa tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng ta đồng tâm mà làm, quyết tâm mà làm thì đời sống mới nhất định thực hiện được. Mong toàn thể đồng bào gắng sức theo đời sống mới, xây dựng một nước Việt Nam phú cường"./.

Thu Hà