Học tập đạo đức của Bác Hồ trong những ngày đầu xây dựng chính quyền  

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã chặt đứt mắt xích đầu tiên của chủ nghĩa thực dân, nêu một tấm gương sáng cho phong trào giải phóng dân tộc. Bài học của Cách mạng Tháng Tám là bài học toàn dân đoàn kết một lòng với tinh thần thà hy sinh tất cả chứ nhất quyết không chịu làm nô lệ, dưới sự chèo lái tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, chỉ ngay sau Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, Bác Hồ đã luôn quan tâm đến xây dựng chính quyền để đảm bảo yếu tố “Cùng toàn dân giữ vững tự do độc lập”.

Ngay từ những ngày đầu cuộc cách mạng còn trong thời kỳ trứng nước, giặc ngoài và thù trong với nạn đói làm chết trên 2,5 triệu người, bè lũ phản động núp bóng phá hoại, Bác Hồ vẫn chú trọng giáo dục đạo đức cách mạng. Với những giá trị cụ thể: Cần, kiệm, liêm, chính; trung với Đảng, hiếu với dân, coi đó là cái chân thiện mỹ, cái đức cốt lõi để rèn luyện, xây dựng chính quyền nhân dân.

Nửa tháng sau ngày độc lập, ngày 17/9/1945 Bác Hồ đã có “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”(1). Trong thư Bác không lấy danh nghĩa là Chủ tịch Chính phủ mà “chỉ lấy danh nghĩa của một người đồng chí già mà viết để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm”. Và Người bảo đảm: “Trong công tác, có vấn đề gì khó giải quyết, các đồng chí cứ viết thư thảo luận với tôi. Tôi rất sẵn sàng giúp ý kiến”. Đây là một bức thư dành riêng cho những người đang đảm trách công tác quản lý nhà nước ở quê hương, rất thân tình. Trong thư, Bác nhấn mạnh: “Nói tóm tắt, thì chính sách của Chính phủ là: Củng cố sự đoàn kết toàn dân. Sửa đổi những khuyết điểm khắp các phương diện”.

Sau khi nêu bốn vấn đề thuận lợi, khó khăn của cuộc cách mạng, Người yêu cầu phải sửa đổi những khuyết điểm khắp phương diện, trong đó có khuyết điểm to nhất ở các địa phương là: “Khuynh hướng chật hẹp và bao biện, kế đó là lạm dụng hình phạt và tham ô, hữu hóa”.

Người nhắc nhở các cán bộ, đảng viên phải đề phòng hủ hóa. Đồng thời, Người nêu rõ: “Cán bộ ta nhiều người “cúc cung tận tụy”, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ... Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư…”. 

Một tháng sau khi viết bức thư trên, ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ tỉnh”(2), nêu lên 6 lỗi lầm chính  dễ mắc phải: Trái phép, cậy thế, hữu hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Người lên án các “ông quan cách mệnh”: “Tưởng mình ở trong cơ quan của Chính phủ là thần thánh rồi, coi khinh nhân dân, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mệnh” lên. Không biết thái độ kêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ”.

Người nhắc nhở: “Những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động. Chúng ta không sợ có khuyết điểm. Chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi”. Trong thư, Bác còn nhấn mạnh: “Nếu không có nhân dân thì không đủ lực lượng; nếu không có Chính phủ thì không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ và nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Nhưng “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”. Bác thiết tha kêu gọi cán bộ, đảng viên: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, thì dân mới yêu ta, kính ta”. Và những dòng cuối thư, Bác đã trút hết tấm lòng của mình để nói rằng: “Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ công bình, chính trực vào lòng”.

Để thực hiện 3 nhiệm vụ diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, đòi hỏi người cán bộ phải luôn gương mẫu; và Bác là người gương mẫu trước tiên. Ngày 28/9/1945, Bác gửi thư cho đồng bào toàn quốc kêu gọi cứu đói, trong đó có đoạn: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghỉ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Với lời kêu gọi và sự gương mẫu này, chỉ trong vài tháng, nhân dân cả nước đã đóng góp hàng vạn tấn gạo để cứu đói.

Xây dựng chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua các tiêu chuẩn đạo đức là mối quan tâm suốt đời của Bác. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại trong những năm đầu “nước sôi lửa bỏng”, nền độc lập của dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc” cũng đủ để chúng ta chiêm nghiệm, liên hệ từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các biểu hiện đó là cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền. Bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi. Quan liêu, xa rời quần chúng, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân; gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước. Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ. Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi... Có những cán bộ lãnh đạo bị các doanh nghiệp thao túng, chi phối, khống chế làm méo mó việc thực thi quyền lực.  

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo điều này: “Nhiều năm qua, những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hóa có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng... Đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng chân chính hết sức bất bình trước những hiện tượng đó và lo ngại về sự xói mòn bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của Đảng”. Sự lo lắng của người lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng là mối quan tâm chung của hàng triệu đảng viên, quần chúng nhân dân và những người quan tâm đến vận mệnh dân tộc.

Đồng thời, theo nhận định tại các kỳ đại hội Đảng gần đây, số đảng viên mất tư cách hoặc yếu kém về tư cách có xu hướng tăng, từ “một bộ phận” trở thành “một bộ phận không nhỏ”, diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.

76 năm - một chặng đường đầy gian nan và đang khởi sắc, đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị, của cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp, từ việc xây dựng pháp luật đến thực thi pháp luật tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thực chất theo Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 mới đây của Bộ Chính trị; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với cải cách hành chính, tăng cường tính hiệu lực và hiệu quả của bộ máy Nhà nước, duy trì có nề nếp và nâng cao chất lượng các chế độ sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt học tập, sinh hoạt tự phê bình, phê bình của các chi bộ trong toàn Đảng; chăm lo giáo dục chính trị, nâng cao ý thức phục vụ nhân dân, nâng cao đạo đức, văn hóa tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân góp sức, góp tài xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó chính là sự trong sáng và dũng cảm của Đảng, tạo sự gắn bó mật thiết giữa Đảng và quần chúng cách mạng.

Huấn luyện cán bộ, đảng viên, nhiều lần Bác Hồ đã nói: “Làm cách mạng, khi phạm phải sai lầm, điều đáng sợ là không thấy sai, điều đáng lo là biết sai mà không chịu sửa, không tìm được cách để sửa đổi cho tốt. Để sửa đổi cho tốt phải biết tự chỉnh đốn, thường xuyên tu dưỡng và lắng nghe ý kiến quần chúng...”. Chính vì vậy, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nên lấy sự quan tâm chăm sóc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm đầu cách mạng để soi rọi ngày nay; lấy giá trị đạo đức của Bác Hồ để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đích thực, gìn giữ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Thanh Hoàng

 

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4

 

2272 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1071
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1071
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76393707