Dự án "Thiết kế mô hình ảo Thành cổ Quảng Trị phục vụ giáo dục và du lịch" của 5 học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đông Hà), giành giải nhất cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp", hôm 26/3.
Nhóm học sinh gồm Thái Việt Ý, Lê Đức Lưu, Lâm Hồng Phúc, Đỗ Hoàn Gia Trí và Nguyễn Cao Minh Huyền. Sản phẩm được đóng gói thành phần mềm dung lượng một GB, có thể cài đặt trên máy tính có card đồ họa rời.
Nhóm học sinh thiết kế sản phẩm và các giáo viên hướng dẫn. Ảnh: Hoàng Táo
Ý tưởng tái hiện di tích lịch sử quốc gia đặc biệt của tỉnh Quảng Trị bắt nguồn từ Việt Ý, trưởng nhóm. Nam sinh nhìn nhận vào dịp tháng 7 hàng năm, nhiều cựu chiến binh muốn trở lại thăm Thành cổ nhưng tuổi đã cao, khó đi lại.
Có năng khiếu về thiết kế đồ họa, tháng 8 năm ngoái, Việt Ý rủ thêm bốn bạn học cùng thực hiện ý tưởng số hóa di tích này. Ban đầu, nhóm học sinh đo kích thước di tích bằng bản đồ Google map, thuê người quan trắc rồi đưa vào phần mềm dựng 3D. Sau đó, các em trực tiếp đến Thành cổ đo và chụp ảnh chi tiết, từ hàng rào, cổng, súng thần công đến các bức tượng, tháp hương. Dung lượng tài liệu của dự án lên đến 207 Gb.
"Khó khăn lớn nhất là cân đối thời gian học và làm sản phẩm. Chụp rất nhiều ảnh rồi nhưng nhiều khi vẫn thiếu chi tiết nào đó, em phải tức tốc vào Thành cổ chụp thêm", Ý kể lại.
Phương tiện chính được nhóm dùng tác nghiệp là điện thoại để chụp ảnh và máy tính cá nhân. Ngoài ra, Thái Việt Ý dùng tiền làm thêm mua một kính thực tế ảo hơn 6 triệu đồng.
Tháng 2/2023, Ý và các bạn hoàn thiện sản phẩm, tổng kinh phí khoảng 70 triệu đồng, do các em và gia đình tự trang trải.
Thầy Hồ Văn Lâm, giáo viên Tin học, là người hướng dẫn đề tài, cho hay nhóm học sinh đã giới thiệu sản phẩm tại trường THPT Lê Quý Đôn, THCS Phan Đình Phùng (TP Đông Hà) và qua mạng xã hội. Ban đầu, sản phẩm được nhiều giáo viên, học sinh quan tâm, đánh giá cao tính ứng dụng.
Sản phẩm được bán với gói cơ bản gồm tự tham quan, trải nghiệm trên môi trường ảo giá 450.000 đồng mỗi năm, gói nâng cao có thuyết minh, thắp hương ảo giá 680.000 đồng. Người dùng có thể trải nghiệm qua kính thực tế ảo, hoặc xem hình ảnh 3D trên máy tính, màn hình chiếu.
Việt Ý nhìn nhận lợi thế cạnh tranh của sản phẩm là "tham quan ngay tại nhà hoặc trường học, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Người dùng được nhìn thấy Thành cổ Quảng Trị với kích thước, tỷ lệ thật, có thuyết minh".
Ngoài tiếp cận các trường học, nhóm của Ý muốn hướng tới các công ty du lịch. Theo Ý, sản phẩm có thể dùng để giới thiệu về tour, cho du khách trải nghiệm về di tích Thành cổ Quảng Trị trước khi đến trực tiếp.
Cô Nguyễn Thị Tâm, một trong hai giáo viên hướng dẫn, nói nhóm học sinh đã nhận được một số đề nghị mua sản phẩm, nhưng cần hoàn thiện các thủ tục pháp lý, cài đặt chế độ bảo mật, chống sao chép, tối ưu hóa.
"Các em còn là học sinh nên chưa giỏi bài toán kinh doanh. Tôi hy vọng có doanh nghiệp đầu tư hoặc bảo trợ để tiếp sức cho các em", cô Tâm chia sẻ.
Nằm sát sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị được xây dựng từ thời vua Gia Long (năm 1809), có hình vuông, mỗi cạnh 500 m, bao quanh là hào nước rộng 18 m, sâu đến 3 m với mục đích phòng thủ.
Mùa hè năm 1972, tại đây diễn ra cuộc chiến đấu 81 ngày đêm trước sự bắn phá dữ dội của chính quyền Việt Nam cộng hòa với sự hậu thuẫn của Mỹ. Thành cổ Quảng Trị được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1986; đầu năm 2015 được nâng lên thành di tích quốc gia đặc biệt.
Ông Phan Hữu Huyện, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, đánh giá sản phẩm có ý nghĩa về mặt thực tiễn và thời sự trong bối cảnh chuyển đổi số của ngành giáo dục, dễ lưu trữ, sử dụng khi cần thiết, góp phần xây dựng, phát triển lòng yêu nước của học sinh.
"Ngoài dùng giảng dạy ở các trường học, sản phẩm có thể dùng trong du lịch, giúp du khách tiếp cận địa danh, trong bối cảnh Quảng Trị thúc đẩy du lịch hoài niệm", ông Huyện nói, cho biết sẽ tham mưu để tỉnh có cơ chế hỗ trợ nhóm học sinh quảng bá sản phẩm, hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp.
Ngoài ra, Sở định hướng nhóm bổ sung thêm nhiều di tích lịch sử của địa phương như cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, nghĩa trang Trường Sơn.
Việt Ý cho hay với khung sườn đã xây dựng, nhóm có thể rút ngắn hơn 1/3 thời gian khi tái hiện các di tích khác. "Hiện giờ, chúng em chỉ mất khoảng hai tháng để hoàn thiện", Ý nói.