Chứng kiến cảnh tượng những học sinh đồng bào Vân Kiều, Pa Kô tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông vượt sông đến trường, ai cũng thấy nhói lòng. Không có cầu qua sông, con đường tìm chữ của các em trở nên rất gian nan.
Người dân sống cách biệt bên sông Đakrông hàng ngày phải đi lại rất vất vả
Khoảng 4 em học sinh ngồi trên chiếc săm ô tô được bơm căng rồi người lớn kéo qua
Tại thôn A Liêng, xã Tà Rụt có hơn 120 học sinh các cấp, trong đó khoảng 30 em là học sinh mầm non.
Việc đi lại như thế này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Em Hồ Văn Khủa, học sinh lớp 6 Trường THCS Tà Rụt cho biết: "Những khi nước dâng cao thì có người lớn đưa đón, còn bình thường chúng em phải tự qua sông. Chúng em mong muốn có cây cầu để việc đi học đỡ vất vả."
Những khi trời mưa, nước dâng cao thì việc vượt sông phải có người lớn đưa đón hoặc các em học sinh phải tự lực bơi qua sông bằng những chiếc săm xe ôtô được bơm căng.
Về mùa mưa, nước sông dâng cao và chảy xiết nên mất an toàn
Không có săm, phụ huynh phải cõng học sinh trên vai rồi vượt sông
Phụ huynh sẽ đặt khoảng 4 đến 5 học sinh lên một chiếc săm, rồi bơi qua sông và kéo săm từ bờ bên này sang bờ bên kia, hoặc cõng từng học sinh trên đầu để đi sang sông.
Tuy nhiên, việc vượt sông tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt đối với các em học sinh mầm non.
Theo lãnh đạo xã Tà Rụt, huyện Đakrông, địa phương có đến 8 thôn chưa có cầu, sống biệt lập bên kia dòng sông. Dù biết rõ là nguy hiểm, nhưng vì không có kinh phí nên chính quyền chỉ biết tuyên truyền và đề nghị cấp trên, nhưng đã nhiều năm trôi qua vẫn chưa được hỗ trợ.
Đ. Đức