Các khách mời tại Tọa đàm trực tuyến (Ảnh: HNV)
Trong suốt cuộc hành trình 15 năm hoạt động tín dụng chính sách, phương thức ủy thác vốn tín dụng qua các hội, đoàn thể là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân nhanh chóng, kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng giúp hàng triệu người nghèo và các đối tượng chính sách có vốn sản xuất kinh doanh, tạo thêm được việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện và dần ổn định cuộc sống. Đến nay, đã có 187.151 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của 4 tổ chức đang quản lý.
Thông qua việc thực hiện dịch vụ ủy thác, các hội, đoàn thể có điều kiện củng cố tổ chức và thu hút hội viên; tham gia giám sát đảm bảo chính sách tín dụng được thực hiện công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả trong sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo...
Xuất phát từ thực tế đó, Tọa đàm lần này là một trong các hoạt động nhằm phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, chuyển tải vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng qua các tổ chức chính trị - xã hội.
Bà Hồ Lan Hương (áp hồng), Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH trả lời tại Tọa đàm (Ảnh: HNV)
Theo bà Hồ Lan Hương, Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH, tín dụng chính sách xã hội đang là một cấu phần quan trọng trong Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tính đến ngày 31/7/2017, NHCSXH đang triển khai 23 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng và một số chương trình, dự án khác từ nguồn vốn ủy thác của địa phương và các tổ chức nước ngoài. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt gần 166.433 tỉ đồng với hơn 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ. Riêng chương trình cho vay hộ nghèo đạt gần 39.330 tỉ đồng (chiếm 23,63% tổng dư nợ các chương trình) với hơn 1,5 triệu khách hàng còn dư nợ. Mức dư nợ bình quân của một khách hàng đang vay vốn là 25,8 triệu đồng, so với mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ mới chỉ đạt một nửa.
Trả lời các thắc mắc của độc giả, ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân Việt Nam cho biết, đến hết tháng 7/2017, Hội Nông dân Việt Nam quản lý 60.633 Tổ TK&VV với trên 2,1 triệu hội viên, nông dân. Dư nợ tín dụng chính sách ủy thác qua Hội đạt 52.850 tỷ đồng, chiếm 32,28% tổng dư nợ của NHCSXH ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thắng, tác động của tín dụng chính sách đối với công cuộc giảm nghèo bền vững trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn hơn 10 năm qua là hết sức khả quan. Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời, các hộ nghèo nói chung, hội viên nông dân nghèo nói riêng có điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đây là nhân tố tích cực nhất góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 22% năm 2005 xuống dưới 10% năm 2006. “Có lẽ, kỳ tích giảm nghèo của Việt Nam thời gian qua là nhờ giải pháp riêng có này. Đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số..., việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách còn có tác động quan trọng khác nữa như trong việc góp phần ổn định an ninh, trật tự ở nông thôn, gìn giữ đất đai, làng bản, biên cương, biển đảo của Tổ quốc...”- ông Thắng nhấn mạnh.
Bà Bùi Lan Anh, Trưởng Phòng Giảm nghèo, Ban Kinh tế, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thông tin, tính đến ngày 30/6/2017, tổng dư nợ tín dụng chính sách đơn vị nhận ủy thác là hơn 64.000 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 2,6 triệu hộ nghèo tại 71.000 Tổ TK&VV. Để phát huy hiệu quả hơn công tác ủy thác giữa NHCSXH với Trung ương Hội, Hội LHPN Việt Nam đã đề ra 6 giải pháp: Tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội rà soát, điều chỉnh kế hoạch nâng cao chất lượng tín dụng và thực hiện ủy thác. Chú trọng củng cố hoạt động của Tổ TK&VV; Nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của hộ gia đình đối với số vốn và lãi vay. Đặc biệt, tăng cường thời gian kiểm tra và chỉ đạo trực tiếp ở cơ sở, đặc biệt là các đơn vị còn nhiều yếu kém trong thực hiện ủy thác. Phân công các thành viên Ban Quản lý và Ban Thường vụ các cấp Hội phụ trách các địa bàn quản lý đối với việc thực hiện ủy thác, hàng quý, 6 tháng, có báo cáo đánh giá tình hình cho Hội cấp trên, thường trực tỉnh, thành Hội. Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố hoạt động của tổ TK-VV theo Quyết định số 15/QĐ-HĐQT của Hội đồng quản trị NHCSXH. Phối hợp với NHCSXH phân tích đánh giá thực trạng nợ xấu và hoạt động của tổ TK-VV, nguyên nhân yếu kém, tìm giải pháp khắc phục kịp thời. Song song là tăng cường việc bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ Hội trong việc củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng và thực hiện ủy thác, lồng ghép các nội dung tập huấn về hoạt động kinh tế của tổ chức Hội hàng năm.
Liên quan tới nội dung về vay hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và hỗ trợ tín dụng chính sách trong lĩnh vực này, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Thanh niên nông thôn, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, về nguồn vốn từ NHCSXH, Chính phủ đã có Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, trong đó có mục hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp.
Tọa đàm được tổ chức nhân kỷ niệm hành trình 15 năm ủy thác tín dụng chính sách (Ảnh: HNV)
Ông Lê Ngọc Khánh còn giải thích thêm rằng, các chương trình cho vay của NHCSXH đều thực hiện theo các Nghị định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Thủ tục và quy trình cho vay đã được NHCSXH đơn giản đến mức tối đa nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp vay vốn sản xuất kinh doanh mức trên 50 triệu thì vẫn phải thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay theo quy định hiện hành của pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm.
Riêng với thắc mắc của độc giả về hỗ trợ giúp thanh niên vùng nông thôn, miền núi vay vốn phát triển kinh tế, ông Lê Ngọc Khánh cho hay, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã có văn bản chỉ đạo 9015/CV/TWĐTN-SDC ngày 2/3/2017 chỉ đạo các tỉnh, thành đoàn và đặc biệt các địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn cao. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách cũng như đôn đốc yêu cầu các tỉnh, thành Đoàn phối hợp với chính quyền địa phương, cơ sở, NHCSXH và các hội khác tổ chức khắc phục. Bên cạnh đó, tập trung hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên nghèo cách làm ăn thông qua hoạt động truyền thông; xây dựng mô hình phát triển kinh tế, hợp tác xã... để thanh niên có thêm việc làm, có thu nhập để trả nợ cho NHCSXH. Đặc biệt, thường xuyên chỉ đạo nâng cao chất lượng của Tổ Tiết kiệm và vay vốn.
Tính đến hết tháng 7/2017, 4 tổ chức chính trị - xã hội đang quản lý trên 187.151 Tổ TK&VV với tổng dư nợ nhận ủy thác của NHCSXH đạt trên 163.986 tỷ đồng. Trong đó, Hội Phụ nữ quản lý 71.069 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ 64.682 tỷ đồng; Hội Nông dân quản lý 60.327 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ 52.850 tỷ đồng; Hội CCB quản lý 31.469 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ 25.733 tỷ đồng; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quản lý 24.286 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với dư nợ là 20.721 tỷ đồng.
Bên cạnh việc phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, tổ chức chính trị - xã hội đã động viên hội viên dành dụm chi tiêu, hăng hái thực hành tiết kiệm được 6.107 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay tại NHCSXH. Đồng thời, thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ Tk&VV với số tổ có chất lượng hoạt động khá, tốt chiếm trên 96%.
|
Lê Anh