Hoạt động thư viện phục vụ đắc lực cho việc xây dựng xã hội học tập. (Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ VH,TT&DL)

Hội nghị - Hội thảo tập trung đánh giá tổng quan về hoạt động và mô hình tổ chức của hệ thống thư viện công cộng cấp huyện, cấp xã, những thành tựu nổi bật đã đạt được; những khó khăn, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; giải pháp và định hướng phát triển trong thời gian tới và một số mô hình quản lý, hoạt động hiệu quả của các thư viện cấp huyện, xã tiêu biểu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: Trong những năm qua, Chính phủ đã quan tâm đến việc phát triển mạng lưới thư viện công cộng để phục vụ các nhu cầu đọc và cung cấp thông tin của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao dân trí. Hệ thống thư viện công cộng, thư viện cấp huyện và cấp xã là những mắt xích quan trọng đã có nhiều nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động và thực hiện sứ mệnh cung cấp thông tin và tri thức cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay thư viện cấp huyện, cấp xã còn gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đã được trang bị máy tính nhưng chủ yếu vẫn vận hành theo mô hình của thư viện truyền thống, số lượng tài liệu điện tử có trong các thư viện cấp huyện và cấp xã còn hết sức ít ỏi, cộng với lực lượng cán bộ bổ sung cho các thư viện ngày càng ít… Trước thực trạng trên, Thứ trưởng đề nghị các nhà quản lý, các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả của thư viện cấp huyện, cấp xã trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tổng kết hoạt động thư viện cấp huyện, xã ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2016, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện khẳng định: Với hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, ngành thư viện đã góp một phần vào những thành tựu chung của đất nước và của dân tộc. Cùng với sự phát triển của đất nước, mạng lưới thư viện cũng có sự phát triển về số lượng và nâng cao về chất lượng hoạt động phục vụ đắc lực cho việc xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao dân trí.

Trong những năm, qua số lượng thư viện công cộng cấp huyện có sự phát triển. Trong 6 năm từ 2010 đến nay đã có thêm 38 thư viện cấp huyện được thành lập, nâng tổng số thư viện cấp huyện lên 663 thư viện. So với thư viện cấp huyện, trong giai đoạn này, thư viện cấp xã có sự phát triển vào năm 2012 (4.015 thư viện) nhưng sau đó liên tục có sự sụt giảm về số lượng. Đến năm 2016, cả nước có 2716 thư viện cấp xã. Tỉnh có nhiều thư viện xã nhất là Phú Thọ với 277 thư viện xã, còn lại bình quân có khoảng 20 thư viện xã/tỉnh (thành). Nhìn chung, thư viện cấp huyện, xã còn khó khăn về nhiều mặt: sự thiếu thốn về kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực... nên tại nhiều nơi, thư viện cấp huyện, xã chỉ thực sự duy trì hoạt động mà chưa có khả năng đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin và sử dụng tri thức của mọi tầng lớp nhân dân.

Tại Hội nghị - Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số nội dung như: Mô hình tối ưu cho hoạt động và quản lý thư viện cấp huyện, cấp xã; tiêu chí và tiêu chuẩn đối với thư viện cấp xã; vai trò của thư viện cấp tỉnh trong duy trì và phát triển thư viện cấp huyện và cấp xã./.

V.Hà