Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa: Luật chỉ nên quy định khung, mang tính nguyên tắc 

(Chinhphu.vn) – Khám bệnh, chữa bệnh từ xa là hoạt động mới, nên Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí, trước mắt, chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc trong Luật Khám chữa bệnh để bảo đảm tính ổn định của pháp luật. Các nội dung cụ thể, chi tiết liên quan đến hoạt động chuyên môn sẽ giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được bố cục lại rõ ràng, hợp lý hơn - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được bố cục lại để rõ ràng, hợp lý hơn - Ảnh: VGP/ĐH

Tiếp tục Chương trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều 8/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) quy định về quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật; khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng; sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh và huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng không nêu những nội dung Luật không điều chỉnh (bỏ Khoản 2) và bổ sung đầy đủ các vấn đề được điều chỉnh tại dự thảo Luật.

Dự thảo Luật được bố cục lại rõ ràng, hợp lý hơn, điều chỉnh vị trí các chương, đồng thời bổ sung một số tên chương, tách thêm mục, sau khi chỉnh lý gồm 12 chương, 119 điều, nhiều hơn 13 điều so với dự thảo đã trình Quốc hội, bỏ 1 điều, bổ sung 14 điều.

Bên cạnh đó, một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung 01 chương về tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh và 1 chương về Hội nghề nghiệp. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ phối hợp với Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham vấn, cụ thể hóa, bổ sung các quy định này một cách phù hợp.

Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 6), bà Nguyễn Thúy Anh cho hay, tiếp thu ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi khuyến mại nhằm thu hút người đến khám bệnh, chữa bệnh, có hai loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng không nên cấm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khuyến mại vì việc này phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, khuyến mại nếu áp dụng với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sẽ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh, gây lãng phí xã hội... nên cần quy định cấm tương tự như cấm khuyến mại thuốc chữa bệnh trực tiếp cho người dùng. Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với loại ý kiến thứ hai.

Về điều kiện đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trong cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (Điểm a, Khoản 5, Điều 20), một số ý kiến đại biểu đề nghị xem xét sự cần thiết của việc quy định đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề để cấp giấy phép hành nghề; trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo Luật, vẫn có ý kiến băn khoăn về lộ trình áp dụng, về tính khả thi ở vùng sâu, vùng xa, về cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc quy định đánh giá năng lực hành nghề để cấp giấy phép hành nghề là cần thiết nhằm chuẩn hóa chất lượng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, góp phần chuẩn hóa các nội dung, chương trình đào tạo và yêu cầu đầu ra đối với đào tạo nhân lực y tế. Để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật đã quy định lộ trình áp dụng điều kiện về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề với các chức danh khác nhau tại Điều 116.

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được bố cục lại rõ ràng, hợp lý hơn - Ảnh 3.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách - Ảnh: VGP/ĐH

Về khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa (Điều 76), bà Nguyễn Thúy Anh cho hay, dự thảo Luật quy định về việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa được thực hiện trong trường hợp giữa người hành nghề với người bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ xa, vẫn còn có ba loại ý kiến khác nhau.

Cụ thể: Loại ý kiến thứ nhất nhất trí chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc như dự thảo và giao Bộ Y tế quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, khám bệnh, chữa bệnh từ xa là phương thức khám bệnh, chữa bệnh mới, là vấn đề lớn vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe người bệnh, nên cần quy định cụ thể bằng một mục hoặc một chương trong Luật về điều kiện  bảo đảm về nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện, giá dịch vụ, cơ chế thanh toán chi phí, giá khám bệnh, chữa bệnh từ xa...

Loại ý kiến thứ ba đồng ý việc quy định khám bệnh, chữa bệnh từ xa nhưng đề nghị chỉ nên khu trú vào hoạt động tư vấn, hỗ trợ, theo dõi chăm sóc sức khỏe từ xa như một số nước có nền y tế phát triển.

Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với ý kiến thứ nhất vì thấy rằng, khám bệnh, chữa bệnh từ xa là hoạt động mới, trước mắt, chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc trong Luật để bảo đảm tính ổn định của pháp luật, các nội dung cụ thể, chi tiết liên quan đến hoạt động chuyên môn sẽ giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định theo từng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Về hệ thống tổ chức khám bệnh, chữa bệnh (Điều 101), theo bà Nguyễn Thúy Anh, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu, Điều 101 đã làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của 3 cấp khám bệnh, chữa bệnh (cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản và cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu), cơ chế phân định cấp khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.

Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, còn có 3 loại ý kiến khác nhau về việc phân định 3 cấp khám bệnh, chữa bệnh.

Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định của dự thảo Luật. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định không khả thi do chưa rõ cơ cấu, khung năng lực của từng cấp và cơ sở, tiêu chí cụ thể để xếp loại về cấp chuyên môn kỹ thuật của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang và hệ thống tư nhân. Bên cạnh đó, việc phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng cần đặt trong quy hoạch tổng thể của ngành y tế. Loại ý kiến thứ ba đề nghị giữ như quy định hiện hành.

Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, quy định như dự thảo Luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, song phải giải quyết những vấn đề loại ý kiến thứ hai đặt ra. Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ cùng Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu, thể hiện nội dung này tại dự thảo Luật một cách phù hợp.

Bà Nguyễn Thúy Anh khẳng định, sau Hội nghị, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 năm 2022./.

Nguyễn Hoàng

486 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1262
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1262
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87133463