Hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện qua 7 năm thực hiện Đề án Phát triển Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện giai đoạn 2013 – 2020 

Qua 7 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện giai đoạn 2013 – 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (được phê duyệt theo Quyết định 1022-QĐ/TU, ngày 20/6/2013, gọi là Đề án 1022), các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có sự quan tâm hơn trong chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của các Trung tâm BDCT. Vì vậy, hoạt động của các Trung tâm BDCT cấp huyện có nhiều thuận lợi, công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các địa phương, củng cố nền tảng chính trị ở cơ sở.

Tổ chức bộ máy các Trung tâm BDCT cấp huyện ngày càng được củng cố, kiện toàn, theo các yêu cầu, quy định của Quyết định số 185-QĐ/TW, ngày 3/9/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm BDCT cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh” và Đề án 1022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đến nay có 6 Trung tâm BDCT cấp huyện được bố trí biên chế từ 4 - 5 đồng chí; 8/9 Trung tâm đã bổ nhiệm Phó Giám đốc; 25 giảng viên chuyên trách công tác tại 9 Trung tâm. với trình  độ chuyên môn là Đại học và sau Đại học, trình độ lý luận chính trị: 21/25 giảng viên chuyên trách có trình độ Cao cấp; 04/25 giảng viên chuyên trách có trình độ Trung cấp. Đội ngũ giảng viên kiêm chức ngày càng được chú trọng nâng cao về chất lượng, có cơ cấu hợp lý ở cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, ngành kinh tế, quốc phòng - an ninh đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy. Đội ngũ giảng viên kiêm chức đa số có trình độ, khả năng sư phạm và có năng lực truyền đạt kiến thức trong lĩnh vực lý luận chính trị và chuyên môn sâu trên từng lĩnh vực.

Hàng năm, cán bộ, giảng viên của các Trung tâm BDCT cấp huyện được tạo điều kiện để cập nhật thông tin, những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn, về thời sự, chính sách. Được bồi dưỡng, tập huấn về nội dung và phương pháp giảng dạy các chương trình lý luận chính trị để nâng cao trình độ, nghiệp vụ giảng dạy.

Qua 7 năm thực hiện Đề án 1022 có 4 Trung tâm được cấp kinh phí xây dựng mới (huyện Hướng Hóa, Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị) và 04 Trung tâm được cấp kinh phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp (huyện Cam Lộ, Gio Linh, Đakrông và thành phố Đông Hà). Trang thiết bị phục vụ việc dạy và học ở các Trung tâm đã được quan tâm đầu tư, cơ bản đảm bảo yêu cầu.

Về chế độ, chính sách: Việc chi trả tiền bồi dưỡng cho giảng viên và học viên được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo Quyết định số 1853-QĐ/TW ngày 04/3/2010 của Ban Tuyên giáo Trung ương và Thông tư 139/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng và hoạt động thường xuyên được cấp kịp thời từ nguồn ngân sách nhà nước, cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các địa phương.

Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án 1022 vẫn còn có những hạn chế nhất định như: Đội ngũ cán bộ của các Trung tâm BDCT cấp huyện thường xuyên có sự biến động; một số cán bộ, giảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đội ngũ giảng viên kiêm chức chủ yếu là cán bộ chủ chốt cấp huyện nên phải giải quyết nhiều công việc, khó chủ động thời gian lên lớp nên gặp nhiều khó khăn trong thực hiện kế hoạch giảng dạy. Cơ sở vật chất một số trung tâm vẫn chưa được quan tâm đầu tư.

Nhận thức, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về vị trí, vai trò, chức năng của các Trung tâm BDCT cấp huyện có lúc, có nơi chưa đầy đủ, vì vậy biên chế được phân bổ chưa đảm bảo theo yêu cầu của Đề án 1022. Mặt khác, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, một số địa phương tạm dừng bố trí nhân sự, đầu tư cơ sở vật chất để chờ sắp xếp tổng thể, nên việc thực hiện các nội dung của Đề án 1022 ít nhiều bị ảnh hưởng.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm, trong thời gian tới, cấp ủy các cấp cần có những đổi mới trong tổ chức và chỉ đạo hoạt động trung tâm, trong đó, chú trọng vào những nhóm giải pháp như sau:

Trước hết, nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của trung tâm đối với hoạt động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở.

Cần xác định rõ vị trí, chức năng của trung tâm; xác định trung tâm là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ cấp uỷ cấp huyện. Trung tâm có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức, kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện, không thuộc đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ của địa phương. Tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận theo yêu cầu của cấp uỷ.

Trưởng Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện đồng thời là Giám đốc Trung tâm. Điều này đảm bảo thực hiện chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị cho cấp ủy ở cơ sở của các Ban Tuyên giáo huyện ủy một cách trực tiếp, kịp thời; đồng thời đảm bảo thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Thứ hai, cần đổi mới công tác chỉ đạo, tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm. Theo đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, kiện toàn đội ngũ giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm nhiệm đủ về số lượng, đảm bảo được chất lượng giảng dạy Đảm bảo quy định, giảng viên các trung tâm được đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp. Tổ chức thực hiện tốt chế độ chính sách đối với cán bộ, giảng viên và việc phong danh hiệu vinh dự nhà giáo… của các Trung tâm BDCT cấp huyện.

Xây dựng quy chế phối hợp giữa trung tâm với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp huyện trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Tăng cường sự gắn kết giữa ban tuyên giáo, trường chính trị với các trung tâm bảo đảm thực hiện thống nhất và kịp thời liên thông các nội dung có liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên nói chung và hoạt động, công tác của các trung tâm nói riêng, theo chức năng, thẩm quyền.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, quy chế giảng dạy và học tập của các Trung tâm Chính trị cấp huyện theo quy định và hướng dẫn của Trung ương. Cấp ủy cấp huyện trực tiếp lãnh đạo thực hiện về nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; về tổ chức bộ máy và biên chế; về chế độ, chính sách cho cán bộ, giảng viên, học viên; về thực hiện quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng và việc đầu tư về cơ sở vật chất, cấp kinh phí hoạt động, quản lý cơ sở vật chất của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Thứ ba, cần đẩy mạnh việc đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy. Cần rà soát, đánh giá các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác tại các trung tâm; kịp thời bổ sung thông tin, kiến thức mới để đưa vào giảng dạy; đẩy mạnh việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương về nội dung đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Giảng viên các trung tâm cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện giáo dục lý luận chính trị theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, gắn với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng, hiệu quả thiết thực, tăng cường đối thoại, phát huy tính tích cực, sáng tạo của học viên, tăng cường hướng dẫn các bài tập xử lý tình huống, thực hành, giải đáp những vấn đề thực tiễn đặt ra, đồng thời quan tâm giáo dục hình thành bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Thứ tư, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đảm bảo kịp thời, đầy đủ kinh phí đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các trung tâm. Cần sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chí chuẩn hóa các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trên toàn quốc, lấy khâu đột phá là chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước; phương pháp giảng dạy; quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng; văn bằng, chứng chỉ; cơ sở vật chất kỹ thuật của các trung tâm, phấn đấu đến năm 2025 về cơ bản các trung tâm trong cả nước đều đạt chuẩn./. Lê Trang

2722 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 700
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 700
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87044793