HOÀN THIỆN THỂ CHẾ ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH CẤP XÃ GÓP PHẦN XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG VỮNG MẠNH 

Những người hoạt động không chuyên trách (KCT) cấp xã là đội ngũ dự bị, nguồn quan trọng để bổ sung, hoàn thiện đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; là lực lượng luôn song hành cùng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong việc làm “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, trực tiếp tham gia vào các hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở và có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 125 xã, phường, thị trấn với 2.856 cán bộ, công chức và 2.346 những người hoạt động KCT; ngoài ra trên 1.000 thôn, bản, khu phố toàn tỉnh hiện có trên 3.000 người hoạt động KCT (Không tính số lượng những người hoạt động KCT khác của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội hưởng quỹ phụ cấp). Tính chung toàn tỉnh có trên 8.000 cán bộ, công chức và người hoạt động KCT ở xã, phường, thị trấn và thôn, bản, khu phố đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”, đặc biệt từ khi có Luật Cán bộ, công chức năm 2008, cùng với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn ở tỉnh ta đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng; việc bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm cán bộ đã được thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy định, bước đầu bố trí các chức danh phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo; việc quản lý, sử dụng cán bộ, công chức đã dần đi vào nền nếp, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, cả trên lý luận và thực tế, hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, những người hoạt động KCT nói riêng vẫn còn nhiều bất cập đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện để phát huy vai trò của mình góp phần cùng địa phương hoàn thành nghĩa vụ đối với đất nước. Về mặt lý luận, cấp xã là một cấp chính quyền nhưng những người hoạt động KCT ở cấp xã không được nhắc đến trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008 – văn bản có giá trị pháp lý cao, đang có hiệu lực thi hành – mà lại được quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ và Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động KCT ở cấp xã. Do đó, tên gọi “những người hoạt động không chuyên trách cấp xã” sẽ tạo nên tâm lý phân biệt giữa những người làm việc tại cấp xã vì cán bộ, công chức cấp xã được gọi là “cán bộ, công chức” trong khi đó nhóm đối tượng còn lại được gọi là “những người”. Vì vậy, việc xác định tên gọi “những người hoạt động không chuyên trách” cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX ghi rõ: “Cán bộ không chuyên trách là những người chỉ tham gia công việc trong một phần thời gian lao động. Căn cứ hướng dẫn của Trung ương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định khung về số lượng và mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách trong hệ thống chính trị ở cấp cơ sở”. Văn bản của Nhà nước phải thể chế hóa đúng quan điểm của Đảng là: “cán bộ không chuyên trách”.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của “những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã”, hiện nay trong các văn bản của các cơ quan nhà nước chưa có văn bản nào quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng này. Việc không quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sẽ không có cơ sở pháp lí cho đối tượng này làm việc và theo đó cũng sẽ rất khó đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cũng như qui kết trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.

Về mặt thực tiễn, trên cơ sở qui định của địa phương, tính chất công việc của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, nhất là cấp phó của người đứng đầu của các tổ chức chính trị xã hội cũng giống như công việc của người đúng đầu các tổ chức này (là cán bộ cấp xã). Không ít trường hợp cấp phó thay thế cấp trưởng một thời gian dài, để cấp trưởng đi đào tạo dài hạn, đào tạo cho đạt chuẩn. Mặt khác, có nhiều xã, vì yêu cầu công việc, buộc người hoạt động KCT phải thực hiện giờ giấc làm việc trong ngày giống như cán bộ, công chức. Do đó, pháp luật cũng phải kịp thời hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng này, tạo điều kiện cho họ làm việc.

Về chế độ chính sách đối với những người hoạt động KCT, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 26/3013/NQ-HĐND ngày 11/12/2013 “về số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách và khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn và thôn, bản khu phố”. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 08/2014/QĐ-UBND tỉnh ngày 11/02/2014 về quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách và khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn và thôn, bản khu phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên mức thu nhập như vậy còn thấp, mặc dù địa phương đã đóng bảo hiểm và tạo điều kiện cho một số người trong đối tượng này được kiêm nhiệm thêm công việc khác (nhưng không quá hai việc và hưởng không quá 50% mức phụ cấp chức danh kiêm nhiệm) để có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Thế nhưng trong điều kiện những người hoạt động KCT đa phần tuổi đời còn trẻ, đóng góp vai trò “trụ cột” gia đình, có nhiều người đào tạo bài bản, trong phải dành phần lớn thời gian giải quyết công viêc, trách nhiệm công việc đòi hỏi cao nhưng mức phụ cấp trên, khó có thể giúp họ yên tâm công tác, càng không có tác dụng động viên, khuyến khích. Nhiều trường hợp đã bỏ không làm cán bộ KCT hoặc làm củng chỉ là “giải quyết tình thế” trong khi chờ cơ hội khác tốt hơn. Vì vậy, một số địa phương gặp khó khăn trong việc tuyển chọn cán bộ KCT. Chính điều này làm cho công tác tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách ở cơ sở gặp nhiều khó khăn.

Về chế độ học tập, theo quy định những người hoạt động KCT ở cấp xã được đòa tạo, bồi dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hiện đang đảm nhiệm và được hưởng các chi phí học tập như cán bộ, công chức cấp xã. Tuy nhiên việc đào tạo phải theo quy hoạch cán bộ chung của xã và người được cử đi đào tạo phải hội đủ các điều kiện quy định. Như vậy, những người hoạt động KCT, họ là những viên gạch nền cùng với cán bộ, công chức xã góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả. Thế nhưng những quy định của pháp luật đối với đối tượng này vẫn còn nhiêu bất cập, vì vậy đòi hỏi cấp có thẩm quyền phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, quy định cụ thể các chế định liên quan đến đối tượng này. Bác Hồ đánh giá cao vai trò cơ sở: “Cấp xã là gần dân nhất, là nên tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi việc đều xong xuôi”. Nguyễn Quốc Thanh

 

1343 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 943
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 943
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76657589