Hoàn thiện khung pháp lý để thu hút làn sóng đầu tư mới 

(Chinhphu.vn) - Luật Đầu tư đã được thực hiện ở Việt Nam 15 năm, trải qua 3 lần sửa đổi, bổ sung, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội sẽ chỉnh lý, xem xét, thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

 

Việc sửa đổi Luật Đầu tư lần này đã có nhiều thay đổi lớn theo hướng minh bạch hơn và cụ thể hóa những quy định hiện hành chưa rõ ràng, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, như các khái niệm liên quan đến: Đầu tư, kinh doanh, dự án đầu tư, vốn đầu tư, hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài và quy trình, thủ tục đầu tư…

Đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Đầu tư cần có quy định đón làm sóng đầu tư mới xuất hiện từ các nhà đầu tư muốn chuyển dịch địa bàn đầu tư đến Việt Nam. Để thể chế hóa nội dung Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng đã bổ sung các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới. Đây là cơ sở pháp lý để điều chỉnh các hoạt động đầu tư mới nhưng phát triển rất nhanh trong thời gian gần đây tại Việt Nam như đầu tư kinh doanh công nghệ chia sẻ (Grab, Uber,…), cũng như các dự án khởi nghiệp sáng tạo khác.

Trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung quy định về ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Có ý kiến đề nghị cần quy định nguyên tắc xác định ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài và rà soát, đối chiếu kỹ với các cam kết quốc tế có liên quan; cần quy định Danh mục về tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài tại dự thảo Luật.

Các ngành, nghề ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo Luật Đầu tư hiện hành còn dàn trải, hình thức, chưa thật sự thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, cần thúc đẩy liên kết giữa các ngành, vùng, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên áp dụng ưu đãi đầu tư có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án; nhà đầu tư phải bảo đảm đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật, bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, thủ tục ngày càng đơn giản hơn.

Để tạo động lực thu hút làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam, cần nghiên cứu bổ sung các biện pháp khuyến khích sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành. Đồng thời, áp dụng một số hình thức ưu đãi đầu tư mới cao hơn hiện hành, như: Khấu hao nhanh, tăng mức chiết trừ thu nhập chịu thuế đối với các khoản mục mua sắm máy móc thiết bị hiện đại, chi phí nghiên cứu, đào tạo nhân sự trình độ cao phục vụ các hoạt động đầu tư thuộc đối tượng ưu đãi và các hình thức ưu đãi khác giúp giảm trừ nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp... Có ý kiến còn đề nghị bổ sung điều khoản về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với các dự án đầu tư có tác động lớn đến kinh tế-xã hội mới được hưởng ưu đãi đặc biệt do Chính phủ trình Quốc hội quyết định áp dụng các ưu đãi đầu tư khác với ưu đãi đầu tư được quy định tại Luật này và các luật khác trong trường hợp cần khuyến khích phát triển một dự án đầu tư đặc biệt quan trọng hoặc đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Về thủ tục đầu tư lần đầu tại Việt Nam, Luật Đầu tư hiện hành yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp có thể khó nhà đầu tư, nên cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quy định vốn tối thiểu của nhà đầu tư như thông lệ một số nước trên thế giới. Quan điểm này đã được tranh luận nhiều lần khi sửa Luật Đầu tư năm 2014, nhưng dự thảo Luật hiện nay vẫn theo quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc thông qua việc xem xét năng lực của nhà đầu tư, lĩnh vực đầu tư, địa bàn đầu tư, nguồn lực sử dụng để thực hiện dự án (như đất đai, tài nguyên, năng lượng, lao động, công nghệ...). Song, để tạo thuận lợi cho đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, dự thảo Luật đã bổ sung quy định không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Mặt khác, một số ý kiến Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị quy định chặt chẽ hơn hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, theo đó Luật cần quy định cụ thể loại địa bàn hạn chế đầu tư nước ngoài. Trường hợp nhà đầu tư bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh do hoạt động này phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, có các biện pháp ngăn chặn việc chuyển nhượng dự án đầu tư đang xây dựng hoặc đang hoạt động cho nhà đầu tư nước ngoài, nếu xét thấy việc chuyển nhượng đó có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia, đáng chú ý là đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có yếu tố nước ngoài, tránh hiện tượng “núp bóng” nhà đầu tư trong nước để thâu tóm đất đai, dự án có yếu tố nhạy cảm,…

Việc xác định vốn đầu tư của nhà đầu tư cũng cần chặt chẽ để xác định chính xác giá trị vốn đầu tư vào đăng ký đầu tư dự án tránh bị lạm dụng khi xác định giá trị vốn đầu tư ban đầu của dự án và có thể làm khó các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án có quy mô, quy định bằng giá trị tuyệt đối của tiền. Trong trường hợp cần thiết để xác định căn cứ tính thuế, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu thực hiện thẩm định độc lập giá trị vốn đầu tư.

Tiếp thu nhiều ý kiến của Đại biểu Quốc hội về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định về hình thức áp dụng, nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh, nguyên tắc để xác định ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo đảm đúng ý nghĩa của tinh thần Hiến pháp, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho nhà đầu tư, tránh lạm dụng sinh ra nhiều giấy phép con. Theo đó, việc bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được xem xét trên 04 tiêu chí: (1) Các ngành, nghề không liên quan trực tiếp hoặc không chứng minh được có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; (2) Các ngành, nghề đã được quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; (3) Các ngành, nghề mà chất lượng đầu ra của ngành, nghề đó do thị trường, khách hàng lựa chọn, sàng lọc và quyết định, không cần thiết quản lý bằng điều kiện đầu tư kinh doanh; (4) Các ngành, nghề cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có thể kiểm soát thông qua đấu thầu, đặt hàng của Nhà nước. Một số ý kiến đề nghị bổ sung những ngành nghề kinh doanh có điều kiện cụ thể như: Kinh doanh nước sạch; sản xuất kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, thiết bị liên quan và kinh doanh dịch vụ sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; dịch vụ đòi nợ thuê; dịch vụ kinh doanh mua bán nợ; kinh doanh dịch vụ Logistic; nhượng quyền thương mại và dịch vụ đại lý tàu biển...

Mặc dù các quy định của dự thảo Luật  đã được rà soát với các quy định pháp luật có liên quan đến đầu tư, nhưng một số ý kiến đại biểu Quốc hội vẫn cho rằng cần phải quy định rõ ràng, cụ thể về nguyên tắc áp dụng pháp luật tại Luật Đầu tư, làm rõ mối quan hệ giữa Luật Đầu tư và các luật khác có liên quan như: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp… để khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn kéo dài; nếu cần thiết thì sửa đổi ngay tại Luật này để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đặc biệt là các quy định về thủ tục xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư liên quan đến các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thẩu dự án có sử dụng đất quy định trong Luật Đất đai, Luật Đấu thầu./.

Lê Văn Hà

 
174 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 803
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 803
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77506485