Hoàn thiện hành lang pháp lý cho nhân dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội 

(Chinhphu.vn) – Việc cụ thể hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là một trong những nội dung lớn thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật này tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra vào ngày 7/9.
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho nhân dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) góp ý dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật chuyên ngành và thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định để cụ thể hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" trong dự thảo Luật.

Cụ thể, về những nội dung công khai để nhân dân biết, các quy định liên quan đến nội dung và hình thức công khai thông tin để dân biết ở tất cả các loại hình cơ sở được chỉnh lý theo hướng cập nhật, bổ sung tối đa các quy định tương ứng trong các luật chuyên ngành có liên quan; bổ sung những quy định cụ thể khác nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác công khai thông tin.

Về nội dung nhân dân bàn và quyết định trong dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng, tại thôn, tổ dân phố, xuất phát từ yêu cầu và điều kiện thực tế, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Đoàn đại biểu Quốc hội, của các địa phương, cơ sở, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng Nhân dân ở thôn, tổ dân phố bàn và quyết định những nội dung quy định tại Điều 15 của Luật này.

Đề cập nội dung nhân dân tham gia ý kiến, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay các quy định liên quan đến nội dung và hình thức nhân dân tham gia ý kiến ở tất cả các loại hình cơ sở đã được rà soát, chỉnh lý phù hợp với các luật chuyên ngành có liên quan.

Về nội dung nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát đã được chỉnh lý để phát huy được sự tham gia và vai trò của từng người dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và cơ quan công quyền.

Liên quan đến nội dung người dân thụ hưởng, dự thảo Luật bổ sung 1 điều (Điều 7) quy định về quyền thụ hưởng của người dân. 

Theo đó, người dân được Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; được thông tin đầy đủ về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và quyết định (nếu có) của chính quyền địa phương mà mình được hưởng; được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, chế độ an sinh xã hội và sự an toàn, ổn định của đất nước, của địa phương và ở cộng đồng dân cư nơi sinh sống;...

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu bày tỏ nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là cách tiếp cận từ quyền công dân của dự thảo luật đã góp phần quan trọng thể chế hóa quan điểm của Hiến pháp về quyền làm chủ của nhân dân, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho nhân dân tham gia quản lý Nhà nước và quản lý xã hội.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng đối với nội dung nhân dân bàn và quyết định, Khoản 6, Điều 15 dự thảo Luật quy định "nhân dân bàn và quyết định các công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội". Đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm "tự quản" trong dự thảo Luật, quy định rõ quy mô, phạm vi giới hạn của hoạt động tự quản.

"Việc làm rõ khái niệm tự quản cũng góp phần làm sáng tỏ nhiều quy định khác có liên quan như tổ chức tự quản tại Khoản 2, Điều 32, khoản 2, Điều 34, công việc tự quản tại Khoản 3, Điều 49 hay nội dung tự quản tại Khoản 5, Điều 67", đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu và cụ thể hóa nhiều nội dung để tường minh phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng", trong đó có hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Theo đại biểu, về số lượng thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng quy định tại Điều 41 Khoản 1 quy định "Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có ít nhất 5 thành viên gồm đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn và đại diện người dân trên địa bàn thôn, tổ dân phố nơi có chương trình, dự án".

Như vậy, luật không giới hạn thành viên của Ban Giám sát cộng đồng tối đa là bao nhiêu. Đại biểu cho rằng thông thường thì quy định việc thành lập một tổ chức có quy định số lượng tối đa để đảm bảo về tài chính, về kinh phí cũng như hiệu quả hoạt động. Việc chỉ quy định mức tối thiểu không quy định số lượng thành viên tối đa có thể dẫn tới thành lập với số lượng nhiều hơn và chưa chắc đã hoạt động hiệu quả.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo tính chặt chẽ khi áp dụng vào thực tế.

Hoàn thiện hành lang pháp lý cho nhân dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang)

Về nội dung nhân dân bàn, quyết định trong dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) nhấn mạnh dự thảo Luật quy định: Ccông dân cư trú tại thôn, tổ dân phố có sáng kiến đề xuất nội dung quy định tại Điều 15 của Luật này để nhân dân bàn, quyết định và được ít nhất là 10% tổng số hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố đồng thuận thì gửi đề xuất đến trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để đưa ra cộng đồng dân cư bàn và quyết định nếu không trái với quy định của pháp luật, trái thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội. Trường hợp sáng kiến của công dân chưa có đủ 10% tổng số hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố đồng thuận nhưng xét thấy có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư và được Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố tán thành thì Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố đề xuất đưa ra để cộng đồng dân cư bàn và quyết định.

Việc thu thập ý kiến đồng thuận của các hộ gia đình có thể được thực hiện trực tiếp tại cuộc họp của thôn, tổ dân phố, bằng văn bản thể hiện ý kiến đồng ý của đại diện hộ gia đình hoặc hình thức thể hiện ý kiến khác phù hợp với điều kiện thực tế tại cộng đồng dân cư. Công dân đề xuất sáng kiến chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của số lượng và danh sách hộ gia đình đồng thuận quy định tại khoản này.

Đại biểu cho rằng quy định như trên là chưa rõ ràng, chưa tường minh, chưa xác định rõ ai đứng ra tổ chức cuộc họp của thôn, tổ dân phố để công dân thu thập ý kiến đồng thuận; ai hướng dẫn công dân tổ chức thu thập ý kiến đồng thuận với sáng kiến bằng văn bản. Ngoài hình thức tổ chức họp, hoặc qua văn bản, còn hình thức nào để thu thập ý kiến. Như vậy sẽ gây khó khăn cho công dân muốn đề xuất sáng kiến, khó khả thi trong thực tế.

Đại biểu đề nghị sửa quy định tại Khoản 3, Điều 16 của dự thảo Luật theo hướng: Công dân cư trú tại thôn, tổ dân phố có sáng kiến đề xuất nội dung quy định tại Điều 15 của Luật này để nhân dân bàn, quyết định với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố có trách nhiệm phải xem xét sáng kiến do công dân đề xuất, nếu thấy ý kiến của công dân không trái với quy định của pháp luật, không trái thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội thì tổ chức lấy ý kiến tham khảo sự đồng thuận của nhân dân thông qua cuộc họp thôn, tổ dân phố, hoặc bằng phiếu, hoặc qua hình thức phù hợp khác...

Nguyễn Hoàng

 
123 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1321
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1321
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87132931