Hoàn thiện cơ chế xử lý tài sản bảo đảm 

(ĐCSVN) – Các ý kiến cho rằng cần thiết hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm nhằm tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tham gia quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch.

 

Ngày 2/7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án JICA tổ chức Toạ đàm “Hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm”.

Phát biểu khai mạc,Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, trong bối cảnh Luật Dân sự 2015 bổ sung rất nhiều quy định mới về giao dịch bảo đảm (GDBĐ), đăng ký biện pháp bảo đảm đã đặt ra những yêu cầu mới trong việc hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm của Việt Nam.

Qua đó, Thứ trưởng đề nghị các chuyên gia, đại biểu tham dự tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan đến những vấn đề cần hướng dẫn, những giải pháp pháp lý cần thực hiện nhằm tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thi hành về giao dịch bảo đảm.

 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh:TH.


Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm đã góp phần hoàn thiện pháp luật về GDBĐ, qua đó góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch bảo đảm và cá nhân, tổ chức khác, đồng thời tăng cường khả năng, cơ hội tiếp cận tín dụng để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung rất nhiều quy định mới có liên quan đến nội dung này nên cần thiết xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 163 nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm. 

Đề cập đến định hướng xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 163, bà Nguyễn Quang Hương Trà, Phó Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cho biết, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về việc mô tả chung về tài sản bảo đảm không ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch bảo đảm, trừ trường hợp mô tả chung về tài sản bảo đảm dẫn đến không xác định được tài sản bảo đảm. Với một số loại hình tài sản mới được ghi nhận trong Bộ luật dân sự 2015, dự thảo Nghị định thay thế sẽ quy định nguyên tắc chung về việc mọi tài sản theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật dân sự 2015 đều được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhằm giảm bớt e ngại của nhiều tổ chức tín dụng khi chưa dám nhận làm tài sản bảo đảm.

Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản, Luật sư Edagawa Mitsushi cho hay, ở Nhật Bản, cơ quan chịu trách nhiệm xử lý tài sản bảo đảm là toà án. Luật sư nhấn mạnh cần thiết phải có cơ chế bảo đảm, được sử dụng như một phương thức để bên có quyền bảo đảm tính xác thực của việc hoàn trả từ bên có nghĩa vụ.

Một số ý kiến đề nghị phải có quy định, hướng dẫn cụ thể hơn đối với các loại tài sản đặc thù, tài sản hình thành trong tương lai, tài sản luân chuyển trong sản xuất kinh doanh, giấy tờ bảo đảm…

Tại buổi Tọa đàm các đại biểu, chuyên gia tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành về giao dịch bảo đảm.Trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp nhằm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm, vận dụng vào việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam./.

Thu Hằng

327 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1328
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1328
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87149282