Ảnh minh họa (Ảnh:M.P)
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc triển khai giao quyền tự chủ tài chính cho ĐVSNCL đã mang lại một số kết quả tích cực, như các ĐVSNCL đã chủ động sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) giao để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả; đồng thời chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao số lượng, chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, từ đó phát triển nguồn thu. Tuy vậy, kết quả này mới chỉ tập trung tại một số đơn vị năng động, sáng tạo và có lợi thế về uy tín trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công hoặc ở một số ngành nghề có khả năng xã hội hóa cao.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành và địa phương, đến nay tỷ lệ các ĐVSNCL tự bảo đảm kinh phí hoạt động còn thấp, chiếm khoảng 3,7% tổng số các ĐVSNCL của cả nước, tương đương 2.057 ĐVSNCL, việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ĐVSNCL còn chậm, chưa có bước chuyển biến có tính đột phá; chưa tách bạch rõ ràng giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung cấp dịch vụ công. Một số chính sách là điều kiện quan trọng để thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của ĐVSNCL chưa được sửa đổi, bổ sung và ban hành đầy đủ kịp thời; một số ĐVSNCL khi mở rộng hoạt động dịch vụ còn chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng hoạt động, lạm dụng kỹ thuật để tăng thu. Đồng thời, vẫn có những khoảng cách lớn giữa các vùng, miền, giữa Trung ương với địa phương trong các hoạt động của các ĐVSNCL… nên việc khai thác các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế.
Để bảo đảm hoạt động của ĐVSNCL, ngoài việc ban hành đầy đủ khung pháp lý về cơ chế tự chủ trong đó có tự chủ tài chính, theo ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, sắp xếp và tổ chức lại hoạt động của ĐVSNCL theo tinh thần của Nghị quyết số 19/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ĐVSNCL, trong đó có mục tiêu: Đến năm 2021, phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho các ĐVSNCL so giai đoạn 2011 – 2015; Đến năm 2025 có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần. Triển khai Nghị quyết 19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ, trong đó, giao các Bộ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về hoạt động của ĐVSNCL. Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 429/QĐ-BTC về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP và đang tích cực phối hợp các Bộ, địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết 19, tiến tới giảm dần số lượng ĐVSNCL do NSNN bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên, tăng số lượng các đơn vị tự chủ tự bảo đảm về tài chính.
Ông Phạm Văn Trường cho biết, nguồn thu của các ĐVSNCL cùng với nguồn kinh phí tiết kiệm 10% chi hoạt động thường xuyên NSNN giao đã góp phần bảo đảm bù đắp một phần nhu cầu tiền lương tăng thêm, theo quy định của Chính phủ. Nhờ tăng cường khai thác nguồn thu, tiết kiệm chi và thực hiện cơ chế tự chủ, thu nhập và đời sống của người lao động trong các ĐVSNCL đã từng bước được nâng lên. Trong đó, thu nhập tăng thêm của cán bộ, viên chức bình quân khoảng từ 0,5 đến 1,5 lần tiền lương cấp bậc của đơn vị. Riêng một số ĐVSNCL trong lĩnh vực giáo dục đại học tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động đã thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động khoảng 2 - 3 lần, như Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh...
Về sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế, năm 2018 tại một số địa phương đã thực hiện quyết liệt và đạt được được một số kết quả nhất định. Thí dụ tại Hà Nội, sau khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn các ĐVSNCL trực thuộc sở, ban, ngành, giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị (giảm tương đương 30,2%); các ĐVSNCL cấp huyện giảm từ 206 đơn vị còn 96 đơn vị (giảm tương đương 53,4%). Hay tại tỉnh Quảng Ninh, địa phương này đã giao tự chủ tài chính cho 84 ĐVSNCL (tăng 15 đơn vị so với năm 2017), có thêm 1.442 viên chức không hưởng lương từ NSNN (trong đó số viên chức của bốn Bệnh viện thuộc Sở Y tế là 1.264 người), kinh phí ngân sách cấp năm 2018 giảm 120 tỷ đồng so năm 2017.
Ông Phạm Văn Trường cho biết thêm, trong các năm 2017-2018 chỉ tính riêng ở Trung ương các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo đã giảm chi ngân sách nhà nước trực tiếp cho các đơn vị sự nghiệp công lập mỗi năm khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong thời gian tới, khi các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, việc hỗ trợ từ NSNN sẽ gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công được cung cấp, giá cung cấp dịch vụ và nhu cầu sử dụng để bảo đảm hiệu quả đầu tư từ NSNN, tránh lãng phí; đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng thực hiện dịch vụ sự nghiệp công có lộ trình cụ thể thực hiện cơ chế đầu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN để tạo điều kiện cho cơ sở ngoài công lập cùng tham gia cung cấp; giảm dần các sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, giao kế hoạch./.
Minh Phương