Hoàn thiện cơ chế quản lý bán hàng online  

Chính phủ đã đề ra yêu cầu trong giai đoạn này sẽ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; trong đó đưa ra các mô hình quản lý hiện đại nhằm giám sát hiệu quả hoạt động kinh doanh trên môi trường trực tuyến.

 

Nhiều khách hàng chưa thật sự yên tâm với chất lượng các sản phẩm được bán qua online.

Với tốc độ phát triển chóng mặt, thị trường thương mại điện tử đã không còn là “con sư tử đang ngủ yên chưa được đánh thức” như thời điểm mới xuất hiện. Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online. Cùng với những tiện lợi, hình thức mua sắm online đang đi dần vào khuôn khổ được đánh giá sẽ mang tới những tiện ích ngày càng lớn hơn cũng như bảo vệ lợi ích tốt hơn cho người tiêu dùng.

Bắt nhịp xu hướng

Với các lợi thế mặt hàng phong phú, linh hoạt trong giao dịch, tiết kiệm thời gian, thoải mái so sánh giá cả và chất lượng sản phẩm, an toàn, tránh khỏi những phiền phức khó chịu, mua hàng trực tuyến đã trở thành trào lưu mua sắm thu hút nhiều đối tượng khách hàng.

Ngoài học “online”, có thể kể đến vô số các mặt hàng khác từ nhỏ đến giá trị lớn được giao dịch theo hình thức này như: đồ dùng gia đình, thời trang, mỹ phẩm, thuốc tân dược, điện máy, thực phẩm… và trở thành kênh mua sắm ưa thích không chỉ của giới trẻ mà cả bậc nghỉ hưu.

Chị Đỗ Huyền, ở Trương Định, Hà Nội vui vẻ chia sẻ: từ lúc có bầu chị khá “ngại” di chuyển để mua sắm đồ dùng sinh hoạt cũng như thực phẩm dành cho gia đình nên chị lựa chọn hình thức mua hàng “online”. Mặt hàng mà chị thường xuyên lựa chọn là thực phẩm sạch, đặc sản của các vùng miền hay vật dụng gia đình...

Chị Thu Hằng, phố Minh Khai, Hà Nội cũng khá ưa thích cách bán hàng này. Chị cho biết, người thân của chị ở nước ngoài ưa chuộng sản phẩm tinh dầu chiết xuất từ một số loại quả, dược liệu của Việt Nam. Mới đây, chị đặt mua 10 hộp tinh dầu hà thủ ô và 5 hộp tinh dầu hoa bưởi của một công ty bán hàng trên mạng để gửi ra nước ngoài. Với việc mua hàng cho người thân ở nước ngoài sử dụng như cách làm của chị Hằng góp phần giúp sản phẩm Việt Nam có nhiều cơ hội đến với bạn bè quốc tế.

Hình thức mua hàng trực tuyến còn thu hút cả đối tượng nghỉ hưu bởi phù hợp với các “cụ” ngại đi lại trên phố xá thường xuyên tắc nghẽn và đến những nơi đông đúc. Ông Nguyễn Văn Chính, 70 tuổi ở phố Nguyễn Thị Định, Hà Nội cho biết, ông vẫn thường vào các trang mạng để mua các vật dụng cho gia đình. Ông cho biết, đàn ông rất ngại đi chọn hàng, rồi muốn mua một mặt hàng có thể phải đi nhiều phố mà ở Hà Nội, phố xá đông đúc chật hẹp, thời tiết nắng nóng nên ông đã lựa chọn mua hàng qua mạng.

Không tránh khỏi phiền phức

Có thể nói, mua hàng online tuy có những thuận lợi nhất định nhưng cũng kèm theo không ít phiền phức như không được trả lại hàng, mất thời gian chờ đặc biệt là về chất lượng hàng không có sự kiểm định.

Chính từ sự tiện lợi cộng với tâm lý “lười” của người mua hàng đã phát sinh những doanh nghiệp, công ty, người bán hàng online “không địa chỉ”. Người mua hàng chỉ cần vào trang tìm kiếm “google” và gõ những từ khoá như: mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ xây dựng sẽ thấy xuất hiện hàng loạt trang web trên mạng. Nhưng thực tế, không phải chất lượng của các mặt hàng đều giống như quảng cáo trên trang mạng.

Trong khi đó, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh mạng không có cửa hàng để khách trực tiếp tới kiểm định hàng. Thực tế này khiến nhiều trường hợp mua phải hàng không như quảng cáo.

Trường hợp ông Nguyễn Văn Chính, sau khi mua lọ thuốc bổ của Mỹ trên trang mạng chuyên bán hàng xách tay có tham khảo các đánh giá của người mua hàng với trang mạng này thì được biết trang bán chủ yếu là hàng Trung Quốc. Ông liên lạc với số điện thoại trên trang mạng và vẫn được khẳng định hàng 100% xách tay Mỹ. Lo ngại chất lượng, ông Chính không dám sử dụng lọ thuốc và cũng chẳng có lý do nào để trả hàng.

Đang dần hoàn thiện

Theo Quyết định số 1563/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/8/2016 về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã đề ra yêu cầu trong giai đoạn này sẽ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; trong đó đưa ra các mô hình quản lý hiện đại nhằm giám sát hiệu quả hoạt động kinh doanh trên môi trường trực tuyến. Đồng thời hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, sẽ xây dựng cơ chế, bộ máy để giải quyết kịp thời những tranh chấp và vấn đề phát sinh trong thương mại điện tử; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức phi Chính phủ trong việc thiết lập các cơ chế giải quyết tranh chấp (trực tuyến và ngoại tuyến) cho thương mại điện tử.

Để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, tăng cường quản lý, chống thất thu ngân sách Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, mới đây Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có Văn bản số 2623/2017 về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Là hộ kinh doanh có thâm niên kinh doanh trên mạng, anh Nguyễn Trung Kiên, cho biết, hiện tại anh chưa nhận được thông báo của cơ quan thuế, nhưng anh đã tìm hiểu, mặt hàng nông sản anh đang kinh doanh thuộc diện được ưu tiên nên mức thuế sẽ không cao.

"Với mức thuế khoán khoảng 400.000 đồng/năm thì tôi hoàn toàn thực hiện được. Tuy nhiên buôn bán qua mạng cũng nhiều rủi ro vì thường khách và người bán không gặp nhau, có khi giao hàng mà không liên lạc được với khách coi như mất tiền thuê người giao hàng, mà cái đó đâu có kê được vào hóa đơn doanh thu"- anh Kiên chia sẻ.

Ở khía cạnh khác, bạn Vương Phương Linh, sinh viên khoa Makerting, Trường Brittish University Vietnam băn khoăn, với chủ kinh doanh nhỏ doanh thu từ 5-10 triệu đồng/tháng không nên bắt đóng thuế vì những hộ này rất nhiều, cơ quan thuế không quản lý hết hoặc phải tốn nhiều chi phí cho quản lý.

Bạn Linh cho biết, những trường hợp này khá lớn là học sinh, sinh viên với mong muốn vừa muốn thử tay nghề kinh doanh, trải nghiệm những kiến thức từ trường học, vừa có thêm thu nhập phục vụ học tập. "Vì vậy, Nhà nước nên khuyến khích đối tượng này còn quản chặt quá, sẽ gây tâm lý ngại va chạm thực tế, làm giảm sự hứng khởi của sinh viên, nhất là sinh viên đang theo học Marketing", bạn Linh chia sẻ.

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế, Khoa Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính, để tạo sự công bằng cho các đối tượng thu thuế qua mạng, trước hết cơ quan thuế phải vận động, tuyên truyền để tất cả mọi chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế tự đăng ký, kê khai hoạt động kinh doanh.

Tiếp theo, cơ quan thuế phải tự hoàn thiện để việc kê khai đơn giản và dễ thực hiện nhất cho những đối tượng đăng ký kê khai thuế.

Theo Bộ Tài chính, việc tăng cường quản lý thuế trong lĩnh vực kinh doanh qua mạng không nhằm mục tiêu tăng thu ngân sách Nhà nước mà chỉ để đảm bảo công bằng trong các đối tượng kinh doanh. Đồng thời, nâng cao ý thức của người dân trong việc tuân thủ pháp luật thuế và giảm thiểu việc lợi dụng của các cá nhân kinh doanh quy mô lớn, núp bóng hộ kinh doanh để hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.

Theo quan điểm này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, cho rằng, cơ quan quản lý cần phải có cơ chế thưởng phạt nghiêm minh. Có như vậy mới làm cho các chủ thể trong nền kinh tế sẽ tự giác đăng ký, kê khai nộp thuế, đồng thời thông qua đó các chủ thể kinh doanh cũng có trách nhiệm với hoạt động kinh doanh của mình.
 
Thu Hạnh - Hải Yến (TTXVN)
643 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 653
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 653
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87185273