Đoàn công tác Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng,
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn đã thăm, tặng quà gia đình bà Nguyễn Thị Cháu,
là vợ liệt sĩ, tại khu phố 5, phường Đông Lễ, Tp Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: chinhsachquandoi.gov.vn
Nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, khẳng định “thực hiện tốt hơn nữa công tác người có công với cách mạng; phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú”, thời gian tới đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong đó, chú trọng thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau:
1. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, lực lượng đối với người có công với cách mạng. Theo đó, cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII; Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng... Trên cơ sở đó thể chế hóa thành pháp luật của Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp và thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Hệ thống các cơ quan báo chí truyền thông từ Trung ương đến địa phương phải có chuyên trang, chuyên mục tăng cường thực hiện tuyên truyền về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Thông qua đó nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, xã hội thực hiện tốt đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” cùng chung tay chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng.
2. Các cơ quan chức năng tích cực nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Trước mắt, tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi (thay thế) Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng theo hướng toàn diện, đồng bộ; khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay, vừa kịp thời bổ sung chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới; hạn chế đến mức thấp nhất sự chồng chéo, mâu thuẫn về chế độ, chính sách và cơ chế, chức năng nhiệm vụ của các ban, bộ, ngành Trung ương và của các cơ quan trong tổ chức thực hiện chính sách. Theo đó, cần chú trọng làm tốt một số nội dung sau:
- Tổng kết, đánh giá khách quan, toàn diện về chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng thời gian qua, nhất là từ khi thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (năm 2005); tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học; dân chủ, rộng rãi; lấy ý kiến tham gia, góp ý của các cơ quan và tầng lớp nhân dân.
- Về khái niệm người có công với cách mạng: Nghiên cứu đề xuất làm rõ khái niệm người có công với cách mạng, cụ thể về tiêu chí xác định người có công (mức độ cống hiến, đóng góp, hy sinh…), phân biệt rõ người có công với các đối tượng khác, làm rõ phạm vi xác nhận người có công về không gian, thời gian, quốc tịch.
- Về đối tượng người có công: Theo quy định tại Pháp lệnh hiện hành, có 12 diện đối tượng người có công là tương đối phù hợp. Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30/4/1975 bị đối phương bắt, giam giữ vào nhóm đối tượng “Người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày” (theo quy định hiện hành mới chỉ áp dụng thực hiện đối với người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày).
- Về điều kiện, tiêu chuẩn: Nghiên cứu cụ thể hóa điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công phù hợp với từng thời kỳ cách mạng (thời kỳ kháng chiến; thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc); đề xuất bổ sung số đối tượng có cùng đặc điểm, nhiệm vụ mà Pháp lệnh hiện hành chưa quy định hoặc giảm bớt một số điều kiện, tiêu chuẩn, nếu hiện nay không còn phù hợp với thực tế; quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng; làm rõ ranh giới giữa người được công nhận người có công và người không được công nhận người có công.
- Về chế độ, chính sách: Tiếp tục nghiên cứu, cải cách chính sách ưu đãi người có công theo hướng nâng mức trợ cấp, phụ cấp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối, huy động các nguồn lực của đất nước hiện nay. Đồng thời, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng và thân nhân của họ, hướng tới mục tiêu “100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú”.
3. Không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công; đẩy mạnh công tác quản lý hành chính gắn với việc nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng người có công ở các đơn vị, địa phương. Để thực hiện tốt nội dung này, cần có tổng thể các biện pháp nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên chính sách sách từ Trung ương đến địa phương. Do vậy, các cấp phải tạo điều kiện cho họ được học tập, bồi dưỡng, tập huấn… để nâng cao trình độ, bắt kịp yêu cầu của công việc đặt ra. Mỗi cán bộ, nhân viên làm công tác chính sách phải không ngừng nêu cao tinh thần tự học tập, tự rèn luyện để nâng cao trình độ và phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Để tránh những hạn chế, tiêu cực có thể xảy ra, các cấp cần thực hiện nghiêm nền nếp chế độ sinh hoạt, học tập của tổ chức đảng, chính quyền theo quy chế, quy định của tổ chức. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay phải tích cực thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng thời, thực hiện Quy định 08-QĐi/TW của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Thông qua đó chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, nhân viên chính sách nói chung và đối với cán bộ, nhân viên đảm nhiệm chính sách đối với người có công với cách mạng nói riêng.
4. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng... Công lao, cống hiến to lớn của người có công với cách mạng mang lại cho toàn xã hội, không cho riêng một ai. Vì vậy, toàn xã hội phải có trách nhiệm thực hiện tốt truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta. Do đó, bằng nhiều hình thức, phương pháp phải làm cho các cấp, ngành, lực lượng, toàn dân nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với người có công với cách mạng. Thông qua đó huy động được sức mạnh tổng hợp không chỉ nguồn của Đảng, Nhà nước mà huy động từ nguồn xã hội hóa sâu rộng, đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” bằng nhiều nội dung, chương trình hoạt động và cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả.
5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tổng kết rút kinh nghiệm, bảo đảm không để sai sót, tiêu cực. Lãnh đạo phải có kiểm tra là nguyên tắc trong công tác lãnh đạo của Đảng. Để chính sách, pháp luật đối với người có công đến đúng đối tượng, đầy đủ theo quy định của pháp luật thì phải tăng cường công tác kiểm tra cả thường xuyên và đột xuất. Thông qua thanh tra, kiểm tra vừa giúp đối tượng được kiểm tra thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với người có công, vừa chấn chỉnh kịp thời những sai phạm (nếu có) không để tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước ta.
Công tác chính sách là công tác động, có độ mở cao do Đảng, Nhà nước ta ngày càng quan tâm hơn đến người có công; mặt khác, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng to lớn là điều kiện thuận lợi để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chăm lo tốt hơn đối với người có công. Để điều đó trở thành chính sách, pháp luật, thành các chế tài trong cuộc sống đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tích cực tổng kết thực tiễn thực hiện công tác chính sách để làm căn cứ đề xuất chính sách, pháp luật mới phù hợp hơn, quan tâm hơn đến đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.
Thực hiện tốt các nội dung trên, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng của Đảng, Nhà nước ta đi vào cuộc sống góp phần quan trọng xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Đại tá Đặng Danh Hưng Trưởng Phòng Thương binh, liệt sĩ-NCC, Cục Chính sách,Tổng Cục chính trị