Ngày 18/4, theo thông tin từ Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) Việt Nam, sau 8 năm triển khai (từ năm 2015), đến nay việc khảo sát dấu vết bom đạn chùm tại tất cả các khu vực tiếp cận được ở tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành.
Cụ thể từ năm 2015 đến nay, NPA Việt Nam đã xác định được tổng cộng 1.270 khu vực nguy hiểm với tổng diện tích đất 615km2 nhiễm bom đạn chùm; trong đó có 173km2 đã được các tổ chức phi chính phủ quốc tế và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị rà phá, 442km2 còn lại tiếp tục được xử lý.
Kết quả của khảo sát dấu vết bom đạn chùm là thiết lập được bản đồ các khu vực khẳng định nguy hiểm trên toàn tỉnh Quảng Trị, xác định tất cả khu vực được khẳng định ô nhiễm bom mìn vật nổ cần được tiến hành rà phá.
Qua đó, giúp các bên liên quan có cái nhìn tổng thể về tình hình ô nhiễm bom mìn, vật nổ ở Quảng Trị, nhằm hỗ trợ lập kế hoạch hiệu quả các nguồn lực rà phá.
[Quảng Trị vừa phát hiện một hầm đạn có gần 300 vật liệu nổ]
Chương trình khảo sát dấu vết bom đạn chùm tại Quảng Trị được các tổ chức phi chính phủ quốc tế gồm NPA Việt Nam, Dự án Phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh-RENEW, Nhóm Cố vấn Bom mìn (MAG) và Cây Hòa bình Việt Nam (PTVN) phối hợp thực hiện lồng ghép khảo sát và rà phá bom mìn với nguồn tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Bom đạn chùm còn sót lại sau chiến tranh có độ sát thương rất lớn và là nguyên nhân gây ra 48,3% số tai nạn bom mìn tại Quảng Trị kể từ năm 1975.
Theo Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị, từ năm 1975 đến nay, bom mìn và vật liệu nổ đã gây thương vong cho 8.584 người; trong đó có 3.363 người chết, số còn lại là bị thương; đặc biệt, trong tổng số người bị thương vong do bom mìn, vật nổ, trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 31%.
Quảng Trị hướng đến mục tiêu là tỉnh đầu tiên trong cả nước “an toàn” khỏi tác động của bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh vào năm 2025.
Với việc hoàn thành khảo sát dấu vết bom đạn chùm, tỉnh Quảng Trị và các bên liên quan bao gồm các tổ chức phi chính phủ quốc tế có cái nhìn tổng thể về tình hình ô nhiễm bom mìn, vật nổ; từ đó lập kế hoạch hiệu quả các nguồn lực rà phá.
Việc rà sạch các khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ được xác định là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho người dân kết hợp với việc quản lý và giảm thiểu các rủi ro.
Điều quan trọng là 100% người dân được trang bị kiến thức và được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ để sống và làm việc an toàn trước hiểm họa bom mìn.
Quảng Trị là tỉnh có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước với 82% trên tổng diện tích đất. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Quảng Trị đã khiến hơn 3.430 người chết, 5.100 người bị thương.
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Trị đã rà phá được hơn 25.000ha đất bị ô nhiễm bom mìn; phát hiện và xử lý an toàn trên 765.000 bom mìn và vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh; đồng thời, hỗ trợ hàng nghìn nạn nhân bom mìn, nâng cao nhận thức về nguy hiểm bom mìn cho hầu hết người dân và học sinh.
Quảng Trị phấn đấu đến sau năm 2025 sẽ là tỉnh đầu tiên trong cả nước “an toàn,” không chịu tác động của bom mìn và vật nổ sót lại sau chiến tranh.
Để đặt được mục tiêu này, từ năm 2022-2025, bình quân mỗi năm tỉnh phấn đấu rà phá được khoảng 3.000ha đất ô nhiễm bom mìn; vận động viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài 10 triệu USD/năm để khắc phục hậu quả bom mìn; hoàn thành 100% hoạt động khảo sát bom chùm và công bố các khu vực xác định nguy hiểm do ô nhiễm bom mìn; xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn./.
Nguyên Lý (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/hoan-thanh-khao-sat-dau-vet-bom-dan-chum-tai-tinh-quang-tri/857827.vnp