Hoa Kỳ và Việt Nam ký ghi nhận ý định về hỗ trợ người khuyết tật 

(Chinhphu.vn) - Tại thành phố Biên Hòa, ngày 20/4, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng 701) đã ký bản ghi nhận ý định với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật ở 7 tỉnh mục tiêu tại Việt Nam.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ cùng các đại biểu chứng kiến lễ ký. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Chứng kiến lễ ký có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh; lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương.

Về  phía Hoa Kỳ có Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ và các Thượng Nghị sĩ trong Đoàn Thượng viện Hoa Kỳ thăm Việt Nam; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink.

Theo bản ghi nhận ý định được ký kết, trong 5 năm tới, USAID và Văn phòng 701 sẽ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, các tổ chức địa phương và UBND các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh cung cấp các dịch vụ chăm sóc trực tiếp, tăng cường năng lực cho hệ thống dịch vụ phục hồi chức năng và phát triển các dịch vụ xã hội ở cấp cộng đồng tại mỗi địa phương nói trên.

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình bế cháu bé nạn nhân chất độc dioxin. Ảnh VGP/Mạnh Hùng

Tại lễ ký, Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene cho biết, 30 năm qua, hỗ trợ của USAID đã đem lại lợi ích cho hàng triệu người khuyết tật bất kể nguyên nhân tại Việt Nam. Hợp tác ban đầu chỉ tập trung vào các dịch vụ trực tiếp như cung cấp dụng cụ hỗ trợ như chân tay giả và xe lăn. Tuy nhiên, qua nhiều năm, sự hợp tác được phát triển lên một tầm mức mới, với các hoạt động xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức hỗ trợ người khuyết tật một cách hiệu quả, hiện đại.

Hiện USAID đang có các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật thông qua 8 dự án với mục tiêu mở rộng các dịch vụ xã hội và phục hồi chức năng và cải thiện chính sách nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật.

Giám đốc USAID Việt Nam tin tưởng, với sự kiện ký bản ghi nhận ý định về hỗ trợ người khuyết tật với Văn phòng 701, trong thời gian tới, USAID và Văn phòng 701 sẽ có nhiều hoạt động hợp tác, tiếp cận nhiều hơn nữa người dân cần được hỗ trợ, đồng thời, hy vọng sẽ thành công trong việc tạo ra một mô hình chăm sóc toàn diện, đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật tại Việt Nam.

Thay mặt Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch hội, đánh giá cao sự kiện ký bản ghi nhận ý định với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật ở 7 tỉnh, đồng thời cho rằng các dự án nêu trong bản ghi nhớ sẽ làm dịu một phần nỗi đau của các nạn nhân da cam.

Và với việc ký Bản ghi nhận ý định hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh bị phun rải chất da cam, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tiến thêm một bước trong hợp tác khắc phục hậu quả chất da cam sử dụng trong chiến tranh.

 

Một người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam (dioxin) ở Việt Nam vẽ tặng Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ bức ký họa chân dung. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Tuy nhiên, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cũng cho rằng, thực tiễn công việc phải làm là rất nhiều, kể cả đối với môi trường cũng như đối với sức khỏe con người, vì vậy, trong khi đánh giá cao kết quả của sự hợp tác giữa các cơ quan của Việt Nam và Hoa Kỳ, ông vẫn bày tỏ mong muốn cần đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp trong khắc phục hậu quả chất da cam nói riêng và khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, nhất là hỗ trợ những người bị các căn bệnh hiểm nghèo, ngăn ngừa di chứng chất da cam lây lan sang các thế hệ tương lai.

Còn theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, trong những năm qua, cùng với việc triển khai các dự án xử lý bom mìn, vật nổ, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, phía Việt Nam đã hợp tác với Hoa Kỳ triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe, điều trị y tế, phục hồi chức năng, chỉnh hình, hỗ trợ hòa nhập đời sống xã hội đối với một số người khuyết tật ở một số tỉnh bị phun rải chất da cam.

Hiện số lượng người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam (dioxin) ở Việt Nam rất lớn, do đó, những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, cần tiếp tục được mở rộng. Đặc biệt, sự hỗ trợ cho người khuyết tật, ngoài việc giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội, là hoạt động có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả, còn góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia./.

Mạnh Hùng

862 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1228
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1228
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87177915