Đánh trận trong bão lửa
Nhà tôi cách núi Hồng ước chừng cây số “đường chim bay”. Chẳng biết tự khi nào tôi lại hình thành thói quen mỗi sáng dắt xe đi làm là ngước nhìn lên đỉnh núi, nơi vết cháy nham nhở làm xót xa đến tê tái những ai đã từng thấy màu xanh hay nghe tiếng thông reo 4 mùa mỗi khi đi dọc dài theo tuyến Quốc lộ uốn lượn dưới chân núi Hồng.
Cũng có mặt tại hiện trường các vụ cháy nhưng khác với các anh – những người trực tiếp đánh giặc lửa, nhiệm vụ của tôi là truyền tải hình ảnh lửa cháy thành dòng như muốn nuốt chửng những con người nhỏ bé nhưng gan dạ.
Hơn 11.500 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ; hơn 200 phương tiện các loại tham gia chữa cháy rừng địa bàn Hà Tĩnh là con số rất lớn trong huy động quân số, phương tiện tham gia một đợt chữa cháy của Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Con số biết nói đó cho thấy phần nào sự khốc liệt của trận đánh với biết bao nỗ lực dập lửa nhưng những cột lửa vẫn bốc cao ngùn ngụt, phả hơi nóng rát rạt vào mặt người; nước từ xe bồn lênh láng cũng mất hút theo lưỡi lửa liếm dần từng mảng rừng. Những tiếng nổ chát chúa của đá, mùi nhựa thông khét rẹt, tiếng hò hét huyên náo trong đêm… khiến một người từng tác nghiệp ở nhiều vụ cứu hộ, cứu nạn như tôi cũng phải rùng mình.
Gió to nên đám cháy nhanh chóng lan rộng
Gặp lại Thiếu tá Đắc Trọng Phú, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 31, Bộ Tham mưu Quân khu, tôi thấy ánh mắt anh vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại vụ cháy rừng lớn chưa từng có trên địa bàn. Mở đầu câu chuyện, anh khẳng định chắc nịch: “Điều khiến tôi lo lắng nhất khi ấy là sự an toàn của hàng trăm đồng đội đang lao mình vào biển lửa. Chỉ một luồng gió quật ngược trở lại là “bà hỏa” khổng lồ sẽ trùm lấy mọi người. Nguy hiểm là thế nhưng tuyệt nhiên không một ai đắn đo, chỉ với suy nghĩ duy nhất là phải cứu lấy rừng”.
Với nhiều cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 31, những người nơi đóng quân chỉ cách nhà đối tượng gây ra vụ cháy vài chục mét thì những lần lửa táp, cảm giác mong manh giữa sự sống và cái chết trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết khi trước mặt, hai bên lửa vẫn cháy đùng đùng. Mùi khét khắt họng, mùi khói xộc thẳng vào mũi cùng những tiếng nổ đì đùng… khiến hàng trăm người “đánh vật” với bà hoả căng thẳng cực độ. Có một điều dễ nhận thấy là chỉ huy hay chiến sĩ ai cũng xông pha lên tuyến đầu. Anh Phú chia sẻ: “Càng là chỉ huy thì càng phải bám sát anh em, nắm được diễn biến tổng thể vụ cháy để đưa ra những phương án dập lửa hiệu quả nhất, đồng thời, bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bộ đội”.
Nhớ lại giờ phút đó, gương mặt trẻ măng của Binh nhất Bùi Ngọc Hoàng dường như vẫn chưa hoàn hồn sau lần đầu đi chữa cháy rừng. Hoàng kể: “Lúc tới hiện trường, nhìn lửa hầm hập lan nhanh, em và đồng đội ai cũng bị luống cuống. Mỗi khi cột lửa bùng lên cao hàng mét, chúng em chỉ biết lùi về sau theo bản năng rồi lại đồng loạt chồm lên dùng máy thổi, cành cây đánh túi bụi “con quái vật” hung hãn khi nó có dấu hiệu hạ nhiệt”.
Ở hướng Tây dãy núi, khi đến nơi mà cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 841, Bộ CHQS Hà Tĩnh đang "vờn" nhau với lửa, tôi cảm nhận được tiếng thở hổn hển của Trung sĩ Trần Việt Tú, Tiểu đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 2 như lạc đi giữa đốm lửa và khói bụi. Trong phút chốc, cả tiểu đội của Tú lại đứng dậy, sát cánh cùng nhau lao tới. Khói vẫn xộc thẳng vào phổi, lửa vẫn rừng rực cháy, nhưng nỗi sợ hãi ban đầu thì đã không còn. Quần nhau với lửa từ trưa đến gần 23 giờ đêm, khi vụ cháy phần nào được khống chế cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ mệt nhoài mọi người cũng chỉ kịp ăn vội miếng bánh mì hay lương khô, uống vội hớp nước rồi lại căng mình canh lửa.
Bộ đội Quân khu 4 trắng đêm gồng mình dập lửa trên núi Hồng Lĩnh
Hỏa hoạn qua đi, tình quân dân đọng lại
Anh Nguyễn Hoài Nam, ở tổ dân phố 1, thị trấn Xuân An chỉ tay lên vạt rừng thông bị cháy trụi, chỉ trơ lại những thân cây khẳng khiu ngay sau phía trên nhà mình đầy xúc động nói với tôi: “Không có bộ đội, công an, lực lượng chữa cháy thì mấy ngày qua, không những rừng cháy mà nhà tôi và hàng xóm rồi mấy cây xăng ngay quốc lộ 1A cũng có nguy cơ bị ngọn lửa thiêu rụi. Đúng là chỉ có người lính mới chạy vào nơi mà người ta chạy ra”.
Tất cả dường như đã chạm đến trái tim mỗi người, không chỉ với nhân dân được sơ tán, giúp đỡ mà còn thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội… Facebook của tôi những ngày đó dày đặc các bài viết, bình luận, hình ảnh và nhiều câu chuyện cảm động của bạn bè xung quanh vụ cháy... Có cập nhật xem số lượng hàng nghìn chia sẻ, bình luận đầy xúc cảm lan truyền với tốc độ mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội mới thấy hết tình cảm mà nhân dân dành cho các anh. Muôn hình muôn vẻ nhưng “mẫu số chung” là đều thể hiện sự cảm phục, lòng tin yêu với “Bộ đội Cụ Hồ”.
Xúc động là tất cả những gì tôi trải nghiệm và mọi người cùng chia sẻ sau khi xem chương trình Điều ước thứ 7 “Những người hùng dập lửa” trên sóng VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam. Không xúc động sao được khi bác Đậu Văn Tiến, một người dân ở tận xã Xuân Phổ, từng là chiến sĩ Sư đoàn 968 (Quân khu 4), cách nơi cháy hàng chục cây số, khi nghe báo cháy đã cầm ngay chiếc cưa máy xông lên đỉnh núi, nén nỗi đau cưa đi hàng trăm cây thông mấy chục năm tuổi để cùng bộ đội tạo đường băng cản lửa. Không xúc động sao được khi bác cùng một đồng chí chỉ huy của Tiểu đoàn Đặc công 31 ba ngày hai đêm sát cánh cùng nhau dập lửa nhưng không biết tên. Khi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ngỏ ý trao thưởng, tặng quà thì ông không nhận bởi với ông bảo vệ rừng là trách nhiệm của mỗi người dân mà chỉ duy nhất một điều ước là được gặp lại đồng chí chỉ huy đó. Chính Điều ước thứ 7 tổ chức ngay dưới chân núi Hồng Lĩnh, nơi đơn vị Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh (người chỉ huy hôm đó) đóng quân đã giúp ông toại nguyện.
Rồi câu chuyện về 1.000 suất cơm của một chủ nhà hàng Minh Hồng ở Nghệ An mang đến cho từng chiến sĩ chữa cháy làm lay động trái tim con người, nhắc nhở về tình yêu thương, sự sẻ chia và đóng góp trong hoạn nạn. Hay hình ảnh hàng trăm đoàn viên thanh niên, bà con nhân dân cùng nhau tạo thành băng chuyền tải bằng tay vận chuyển hàng nghìn chai nước, bánh mì, lương khô, khăn ướt… tiếp sức cho lực lượng chữa cháy mặc đống tro tàn bám đầy gương mặt, mình mẩy, tạo nên bức tranh về tình quân dân trong cơn hoạn nạn.
Ông cha ta có câu: “Trong cái rủi có cái may!”. “Nhờ” vụ hỏa hoạn mà người ta mới thức tỉnh trước sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai, hỏa hoạn. Và cũng nhờ đó, người ta mới nhận ra giá trị vô cùng to lớn của rừng. Lớp thực bì phải hàng chục năm mới có được bị mất đi làm tăng thêm nỗi lo sạt lở đất khi những cơn bão, áp thấp nhiệt đới đang ngấp nghé ngoài khơi kia lại tiếp tục thử thách sự kiên cường và nghĩa khí của người dân “Khu Bốn” trong cuộc chiến chống “giặc lửa”, “giặc thủy”, nhưng những nhọc nhằn và gian khó không khác gì chống giặc ngoại xâm xưa kia cũng không thể khuất phục được họ. Ai kia vẫn cửa miệng: “Ăn cơm Đảng, mặc áo dân, nhận lương của dân thì phải thực thi nhiệm vụ”… Đúng! Không ai phủ nhận nhận lương thì phải làm tròn nhiệm vụ nhưng xin thưa rằng cũng không mức lương nào có thể đánh đổi được sự hiểm nguy, đánh đổi tính mạng một con người. Chỉ có lương tâm vì dân xuất phát từ phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là động lực để người lính quên mình xông pha lên tuyến đầu, vào nơi “hòn tên, mũi đạn”, sẵn sàng hy sinh vì dân, vì nước./.
Bài, ảnh: Mạnh Hùng