Hồ Xuân Hiếu – Vị doanh nhân chuyên “giải cứu” nông dân 

“Tôi cho rằng là doanh nghiệp thì không những chỉ biết kiếm được bao nhiêu tiền cho công ty mà còn phải biết giúp được bao nhiêu người”.

Đó là câu nói tâm huyết của Anh Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Quảng Trị  (Sepon Group), người luôn tìm ra những giải pháp hữu ích giúp bà con nông dân vùng quê nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Từng cùng ăn, cùng ngủ với đồng bào thiểu số

Nếu có dịp đến vùng đất Hướng Hóa (Quảng Trị) và hỏi tên “Pả Hiếu” (tên thân mật mà người dân nơi đây đặt cho anh Hồ Xuân Hiếu -PV) chắc chắn chúng ta sẽ được nghe rất nhiều câu chuyện kể về anh. Thậm chí, người ta có thể say sưa kể về nhân vật này cả ngày mà không biết chán. Theo họ, chính nhờ Pả Hiếu mà người dân nơi đây có cuộc sống tốt hơn như hôm nay…

Trò chuyện với PV Thương gia và Thị trường, anh trải lòng: “Quảng Trị là một tỉnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng núi – nơi tập trung bà con dân tộc Pa Cô và Vân Kiều sinh sống, nên mình rất muốn làm một cái gì đó để cuộc sống của bà con đỡ nhọc nhằn hơn. Ngoài ra, không chỉ là vùng đất Hướng Hóa, mà chúng tôi còn mong muốn đếm đến những gì tốt đẹp nhất cho người dân Quảng Trị”.

Anh kể, những ngày đầu mới vào làm việc tại nhà máy sắn Hướng Hóa anh đã gặp rất nhiều khó khăn, bởi hầu hết người dân nơi đây là đồng bào dân tộc Pa cô, Vân Kiều, khác biệt về văn hóa và phong tục tâp quán là trở ngại lớn nhất đối với anh.

Tại đây, anh Hiếu đã cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ với đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước hướng dẫn họ cách trồng sắn, chăm sóc đến cách thu hoạch để từ đó vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, đây cũng chính là khoảng thời gian vô cùng khó khăn mà anh cùng với nhân viên của công ty phải trải qua, bởi lẽ việc làm cho bà con nơi đây thay đổi được nhận thức, tập quán canh tác, xóa bỏ những “di sản” trước đây thay vào trồng sắn là một điều vô cùng gian nan. Để làm được điều này, theo anh Hiếu tiêu chí đầu tiên đó là phải “hiểu được văn hóa của người bản địa”; ngoài ra, anh còn lồng ghép các hoạt động ở thôn bản như hội họp định kỳ hàng tháng, các buổi sinh hoạt ngoại khóa ở các trường học để (trình chiếu bằng máy chiếu projector) thuyết phục bà con tham gia mô hình trồng sắn.

Anh Hiếu (ngoài cùng bìa trái) trong buổi lễ bàn giao “Khu nhà ở miễn phí cho người nhà bênh nhân” do Hội doanh nhân trẻ Quảng Trị trao tặng

Được biết, khoảng thời gian anh sống và làm việc tại huyện Hướng Hóa đã cho anh những kỹ niệm đáng nhớ, cũng như những kinh nghiệm thực tế quý báu. Ngoài ra, cùng với mô hình trồng sắn anh đem đến cho người dân nơi một cuộc sống tốt hơn và từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Chính những đóng góp to lớn cho vùng đất này anh được đồng bào nơi đây gọi với cái tên vô cùng thân mật và triều mến “Pả Hiếu” – bố Hiếu.

Người chuyên “giải cứu” bà con nông dân

Điều làm nên “tên tuổi” của anh Hiếu trên mảnh đất Quảng Trị thân yêu chính là việc anh luôn hướng về người nông dân, luôn nghĩ ra những mô hình sản xuất hay, hiệu quả để giới thiệu đến bà con, từ đó nhân rộng mô hình, mang lại cho người dân có một cuộc sống dần ổn định hơn.

Anh Hiếu chia sẽ: Mình có cái may mắn là được đi nhiều nơi, cả trong và ngoài nước, được tiếp xúc với những nhiều người, nhiều mô hình hay, từ đó đem về nghiên cứu triển khai những mô hình phù hợp với điều kiện của địa phương mình. Đây cũng chính là lợi thế mà mình có được so với những người khác.

“Tôi cho rằng là doanh nghiệp thì không những chỉ biết kiếm được bao nhiều tiền cho công ty mà còn phải biết giúp được bao nhiêu người”, anh Hiếu tâm sự.

Đây cũng chính là điều mà anh luôn đau đáu ở trong lòng mỗi khi anh nhìn thấy bà con nông dân gặp khó trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Khi “sự cố môi trường xảy ra, cá chết, biển ô nhiễm, hải sản khai thác được bán không ai ăn… thử hỏi những ngư dân này lấy gì để sống? Chính câu hỏi đó đã ám ảnh mình rất nhiều. Bởi sự nghiệp kinh doanh của mình lâu nay quanh quẩn cũng chỉ gắn với nông nghiệp, nông thôn, ruộng đồng và bà con nông dân… Trong lúc người dân đang gặp khó mình không dang tay ra giúp ngư dân thì còn đợi đến khi nào nữa”, anh Hiếu tâm sự.

Anh cho biết, tình cờ trong một chuyến đi về miền Tây tham quan, anh được giới thiệu về mô hình trồng sả của người dân địa phương, theo đó một năm sả được trồng 2 vụ, cho năng suất 15tấn/ha/vụ, với giá thành thu mua tại chỗ từ 3000-5000 đồng/1kg. Anh kể: Mới đầu nghe qua mình cũng chỉ nghe vậy thôi, chứ cũng không quan tâm lắm. Đến khi xảy ra sự cố môi trường biển, mình mới nhớ đến đến mô hinhf này và bắt tay vào triển khai, bởi cây sả có đặc tính chịu được hạn, mặn… đặc biệt là rất dễ trồng và chăm sóc.

Hội viên Câu lạc bộ 100 triệu người Pa Cô, Vân Kiều đang hướng dẫn nông dân Đông Timor trồng sắn

Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu, anh đã bắt tay vào triển khai thí điểm tại một số xã như xã Trung Giang (H.Gio Linh), Triệu An (H.Triệu Phong) và Vĩnh Thái (H.Vĩnh Linh) mạnh dạn trồng thử nghiệm sả ven biển, mỗi địa điểm 1 ha. Và  công ty sẽ đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm để bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Ngoài ra, anh còn là người sáng lập ra câu lạc bộ 100 triệu cho người trồng sắn (ai bán sắn đạt doanh thu trên 100 triệu là được gia nhập vào câu lạc bộ, khi gia nhập được các quyền lợi rất lớn như được đi tham quan học tập ở Thái Lan 10 ngày, được ưu đãi phân bón…) mà nông dân trồng sắn cho Công ty anh đa số là đồng bào dân tộc thiểu số Pa cô – Vân Kiều nên sáng kiến quản lý này đặc biệt có ý nghĩa. Từ chỗ đói nghèo triền miên nay bà con đã có của ăn của để, với thu nhập toàn vùng trên 200 tỷ đồng/năm nên số hộ đồng bào có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm không phải là ít, từ đây bà con yên tâm trồng sắn cho Nhà máy, tạo chiến lược phát triển và xóa nghèo bền vững cho vùng cao của tỉnh Quảng Trị. Chính từ thành công của cây sắn anh đã và đang nhân rộng mô hình này vào các cây trồng khác như cây Tiêu, cây nén, cây lạc, cây cao su trong toàn tỉnh Quảng Trị.

Dưới sự lãnh đạo của doanh nhân trẻ Hồ Xuân Hiếu, Sepon Group luôn đạt được những thành tích cao, lợi nhuận cho cổ đông năm sau luôn cao hơn năm trước, đời sống của người lao động ngày một được nâng lên, năm 2016 nộp ngân sách nhà nước lên đến hơn 35 tỷ đồng, cùng với đó là những hoạt động ngoài xã hội có ý nghĩa luôn được người dân hoan nghênh và nhiệt tình ủng hộ.

Song song với đó, anh Hiếu còn đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Trị. Tại đây, hội đã có nhiều hoạt động vô cùng ý nghĩa trong công tác xã hội, trong đó có công trình “Khu nhà ở miễn phí cho người nhà bệnh nhân” do Hội doanh nhân trẻ trao tặng được người dân đánh giá cao. Ngoài ra, hội doanh nhân trẻ còn tích cực hỗ trợ hội viên trong việc chia sẽ kinh nghiêm kinh doanh, cũng như trong lúc “giông bão”, để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Với những đóng góp to lớn của mình, anh Hồ Xuân Hiếu đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì và nhiều bằng khen khác của Thủ tướng Chính Phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Công thương, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cùng nhiều giải thưởng và bằng khen cao quý khác.

Minh Quốc – Vinh Hữu

Theo Tạp chí Thương gia thị trường

1257 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1055
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1055
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76651182