Hỗ trợ toàn diện cho Việt Nam phát triển Chính phủ điện tử 

(Chinhphu.vn) - Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio cho biết, Chính phủ Nhật Bản nhận thấy chương trình xây dựng Chính phủ điện tử vô cùng quan trọng trong tương lai phát triển của Việt Nam, vì vậy Nhật Bản mong muốn bằng những khả năng của mình hỗ trợ hiệu quả để Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sáng 27/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio đồng chủ trì Hội thảo Việt Nam - Nhật Bản: “Thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương”.

Hội thảo có sự tham dự của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nam, Tập đoàn VNPT...

Công khai, minh bạch và lấy người dân làm trung tâm

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh Chính phủ  điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số là xu hướng tất yếu và đang diễn ra sôi động tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ.

Nhận thức xu hướng và dư địa để phát triển kinh tế, nền tảng cơ bản để thực hiện khát vọng hội nhập quốc tế của Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn cách tiếp cận này và thống nhất quan điểm xây dựng, phát triển CPĐT phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển CPĐT.

Thay mặt lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP gửi lời cảm ơn tới Chính phủ Nhật Bản, cảm ơn Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ VPCP trong thời gian qua. Đồng thời trân trọng cảm ơn sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương đã cùng VPCP chung tay phát triển CPĐT tại Việt Nam.

Thời gian qua, VPCP cùng với các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ triển khai các hệ thống: Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống thành chính Nhà nước, Hệ thống họp của Chính phủ. Các hệ thống này đều được bình chọn là những sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu trong năm 2019 và trong thời gian ngắn đã đạt được những kết quả hết sức tích cực.

Cụ thể, với việc thúc đẩy việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, từ ngày khai trương tháng 3/2019 đến ngày 25/2/2020 đã có hơn 1,3 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong tháng thứ 10 so với tháng đầu tiên khi vận hành đã tăng gấp 2 lần.

Hệ thống e-Cabinet được đưa vào khai thác, sử dụng hướng tới Chính phủ không giấy tờ, theo dõi tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Từ ngày khai trương tháng 6/2019 đến nay đã phục vụ 11 hội nghị, phiên họp của Chính phủ (các đại biểu sử dụng tài liệu điện tử thay thế việc in ấn, sao chụp hơn 42.000 tài liệu giấy) và thực hiện xử lý trên 230 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế việc phát hành hơn 6.000 phiếu giấy và hơn 29.000 hồ sơ, tài liệu giấy kèm theo.

Việc thiết lập và vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nâng cao chất lượng phục vụ đã mang lại hiệu quả bước đầu khi sau hơn 2 tháng khai trương (tháng 12/2019) đã có hơn 65.900 tài khoản đăng ký, hơn 17 triệu lượt truy cập, hơn 1.925.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có 11.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng dịch vụ công quốc gia được xử lý thành công. Những con số này cho thấy sự quan tâm rất lớn cũng như sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng một cổng tập trung để thực hiện các giao dịch trực tuyến với Chính phủ.

Đối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ đang được VPCP thử nghiệm kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin báo cáo của các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông... Dự kiến đầu tháng 3/2020, VPCP sẽ chính thức khai trương Hệ thống này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nêu ý kiến, năm 2020 và những năm tiếp theo còn rất nhiều việc phải làm mới có thể đạt mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đổi mới lề lối, phương thức làm việc, hướng tới nền hành chính không giấy tờ, công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc dựa trên dữ liệu đòi hỏi cần tiếp tục có sự chung tay, vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương.

Vì vậy, thông qua sự hợp tác, hỗ trợ và những hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm như ngày hôm nay, Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước đi vững chắc trong triển khai CPĐT, theo đúng phương châm hành động của năm 2020 mà Chính phủ Việt Nam đã xác định: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, góp phần vào sự phát triển của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc và quan hệ tốt đẹp của Việt Nam-Nhật Bản.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Giúp Việt Nam tận dụng cơ hội để phát triển

Tại hội thảo, Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio nêu nhận định, chính trị của Việt Nam đang ổn định, Việt Nam đang đón chào những cơ hội lịch sử để có những bước phát triển nhảy vọt. Nhật Bản có thể hợp tác với Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa với tư cách là Đối tác chiến lược sâu rộng của Việt Nam.

Theo Đại sứ, Việt Nam-Nhật Bản đã có một số kết quả nổi bật trong hợp tác cải cách hành chính, phát triển CPĐT. Cụ thể như vào tháng 8/2019, trong chuyến làm việc tại Nhật Bản của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về triển khai CPĐT giữa VPCP Việt Nam với Văn phòng Nội các và Bộ Nội Vụ và Truyền thông Nhật Bản.

Trong tháng 1/2020, trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Takaichi Sanae đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, gặp gỡ Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyên thông Nguyễn Mạnh Hùng... Trong các cuộc gặp, bà Takaichi Sanae đã tuyên bố phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ toàn diện và bằng tất cả các khả năng của mình để giúp Việt Nam phát triển CPĐT.

Cũng trong chuyến thăm này, bà Takaichi Sanae đã chứng kiến Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP và Đại sứ Nhật Bản đã thực hiện ký Công hàm trao đổi giữa hai Chính phủ về dự án: "Cung cấp trang thiết bị phần cứng của Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ" từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Theo Đại sứ Nhật Bản, hiện nay các thủ tục thúc đẩy chương trình này đang diễn ra một cách nhanh chóng, đặc biệt là các thiết bị được sản xuất tại Nhật Bản với độ an toàn thông tin tối đa để cung cấp cho Việt Nam.

"Chính phủ Nhật Bản chân thành mong muốn Việt Nam sẽ tận dụng tối đa những cơ hội này để có bước phát triển bền vững không chỉ với Việt Nam mà còn vì sự phát triển ổn định, phồn vinh của các nước châu Á", Đại sứ Nhật Bản cho biết.

Hội thảo diễn ra trong vòng 1 ngày (27/2), thảo luận 5 chuyên đề với các chủ đề: Các hoạt động thúc đẩy Chính phủ số của Nhật Bản và vai trò của Chính phủ; Kinh nghiệm triển khai Bảng theo dõi bộ chỉ số phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ các nước trên thế giới; Kinh nghiệm triển khai Hệ thống thông tin thống kê quốc gia Nhật Bản phục vụ phân tích, dự báo, phát triển kinh tế - xã hội; Đơn giản hóa chế độ báo cáo, chuẩn hóa quy trình, biểu mẫu, chỉ tiêu báo cáo phục vụ xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương; Giới thiệu Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Gia Huy-Hoàng Anh

250 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 982
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 982
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87007209