|
Hỗ trợ kết nối nhập khẩu thịt lợn, bình ổn thị trường đón Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 |
Năm 2019, được đánh giá là một năm gặp nhiều biến cố đối với ngành chăn nuôi lợn do chịu thiệt hại nặng nề từ dịch tả lợn Châu Phi. Sản lượng thịt lợn giảm sâu, khoảng gần 14%, so với năm 2018. Tuy trong tháng 12/2019, dịch tả lợn Châu Phi tại nhiều địa phương đã được kiểm soát, một số địa phương đã công bố hết dịch, nhiều hộ chăn nuôi đã tái đàn, nhưng tốc độ còn chậm do tâm lý của nhiều hộ chăn nuôi vẫn e ngại nguy cơ tái phát dịch bệnh. Cũng theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối năm 2019, tổng đàn lợn của cả nước giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2018, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2019 ước đạt 3,29 triệu tấn, giảm 13,8% so với năm 2018.
Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, hệ thống Thương vụ tại các nước như Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ... đã tích cực triển khai hoạt động kết nối giao thương, kết quả đã có khoảng trên 50 doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu mở rộng thêm đối tác nhập khẩu thịt lợn từ phía Việt Nam, ngoài các đối tác đã có quan hệ kinh doanh từ trước đó. Cũng theo thông tin từ các Thương vụ, do dịch tả lợn Châu Phi, bản thân một số nước chăn nuôi chính trên thế giới cũng đang bị sụt giảm nguồn cung ra thị trường. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo, sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2020 sẽ có xu hướng giảm 10% do dịch tả lợn Châu Phi ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi ở các nước, trong đó Trung Quốc giảm 25%, Philippines giảm 16%, Việt Nam giảm 6%…
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá cuối tháng 12 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt lợn từ nay tới hết quý I năm 2020 nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá thịt lợn tại thị trường trong nước đang ở mức rất cao. Hiện nay, các nước phát triển cũng đang vào thời điểm nghỉ Giáng sinh và Tết Dương lịch 2020, khi nhu cầu tăng cao, giá bán thịt lợn tại các nước này cũng đã có xu hướng tăng so với thời gian trước, kéo theo việc ảnh hưởng đến giá nhập khẩu về Việt Nam.
Theo tính toán của Cục Xuất nhập khẩu, từ giữa tháng 11/2019 đến nay, giá nhập khẩu bình quân đã có xu hướng tăng so với thời điểm các tháng trước đó do nhu cầu ngày càng đang tăng mạnh. Nếu như vào thời điểm các tháng thuộc quý II - quý III trong năm 2019, nhu cầu nhập khẩu thường là các loại sản phẩm như móng giò, tim, cật, tai, đuôi, xương thì đến nay, vào thời điểm hai tháng trước Tết Nguyên đán, các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam lại chủ yếu tập trung nhập khẩu thịt cắt mảnh tươi, ướp lạnh, đông lạnh các loại như nạc thăn, vai, mông, sườn, ba chỉ..., khiến cho giá bán của các loại thịt này tại một số nước thuộc khu vực châu Âu, châu Mỹ cũng tăng theo.
Trước tình hình này, để đảm bảo cân đối cung cầu trong nước vào thời điểm Tết và sau Tết, ngoài việc triển khai các biện pháp đã được Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến cáo và đề nghị các hộ nông dân, doanh nghiệp kinh doanh trong nước, cần thận trọng theo dõi sát tình hình diễn biến chăn nuôi, nhập khẩu từ các Bộ, ngành để có kế hoạch phù hợp, tránh vì lý do khan hiếm nguồn cung, giá cả tăng cao mà ồ ạt tái đàn, vượt khả năng kiểm soát.
Hiện Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan chủ trì về công tác sản xuất, chăn nuôi) chỉ đạo các cơ quan ngành dọc theo dõi sát, kiểm soát việc tổ chức tái đàn an toàn, bảo đảm chất lượng mặt hàng thịt lợn, tạo điều kiện cho các sản phẩm lợn thịt, thịt lợn an toàn lưu thông qua các địa phương để bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho các vùng, miền nhằm hạn chế tình trạng tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường; rà soát chặt chẽ thực trạng tình hình chăn nuôi gia cầm, gia súc tại các địa phương trọng điểm trên cả nước để kịp thời ứng phó khi biến động, tái cơ cấu ngành chăn nuôi với mô hình tập trung và hiện đại, đảm bảo sản xuất theo đúng quy hoạch, tránh tình trạng dư thừa, thiếu hụt nguồn cung cục bộ như hiện nay, ảnh hưởng tiêu cực đến giá cả trong nước, đồng thời kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định, tiêu chuẩn, chất lượng của Việt Nam nhằm ngăn chặn các sản phẩm có chất lượng kém thâm nhập vào Việt Nam, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, cũng đã chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp sản xuất cung ứng đủ và theo đúng cam kết cho các doanh nghiệp phân phối, giảm giá bán nhằm dẫn dắt, bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường được tiếp cận trực tiếp nguồn hàng chất lượng với giá hợp lý, trao đổi, làm việc với các địa phương nhằm định hướng doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường việc đưa ra các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn từ nguồn thịt lợn nhập khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường, góp phần giảm áp lực cho nguồn cung tại thị trường trong nước ở thời điểm hiện nay.
Cũng theo các Sở Công Thương địa phương, trong vài ngày trở lại đây, giá lợn hơi ở nhiều tỉnh Tây Nam bộ đã có xu hướng giảm gần 20.000 đồng/kg về mức dưới 80.000 đồng/kg. Giá lợn hơi ở các tỉnh miền Bắc cũng giảm hơn 10.000 đồng/kg, còn dưới 90.000 đồng/kg, có nơi chỉ còn khoảng 86.000đồng/kg. Giá lợn hơi giảm một phần do các tập đoàn lớn trong ngành chăn nuôi lợn, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã tham gia bình ổn giá mặt hàng này với mức giá bán ổn định là 83.000 đồng/kg.
Việc các doanh nghiệp cùng chung tay với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác cân đối nguồn cung thịt lợn trong thời điểm hiện nay như tăng cường nhập khẩu, cam kết bình ổn giá... sẽ góp phần không nhỏ để khơi thông chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm hàng hóa nói chung và thịt lợn nói riêng để tránh tình trạng “găm hàng, tăng giá”, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng./.