Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh hội nhập 

(ĐCSVN) – Những nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính trong thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, việc nhiều năm liền giữ vững vị trí hàng đầu trong Bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PI) phần nào phản ánh được tinh thần và sự quyết liệt của ngành Tài chính.

 

Hình ảnh tại hội thảo (Ảnh: M.P)

Ngày 30/10/2018, tại Hà Nội, Tạp chí Tài chính tổ chức hội thảo “Các giải pháp và chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh hội nhập”.

Tại hội thảo, TS. Phạm Thu Phong, Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính cho biết, hội thảo tập trung tuyên truyền, phổ biến về các giải pháp và kết quả của Bộ Tài chính trong triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; phân tích và trao đổi về những nội dung quan trọng của các chính sách thuế, quy định mới về hóa đơn điện tử...

Theo đánh giá của nhiều đại biểu tham dự hội thảo, những nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính trong thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, việc nhiều năm liền giữ vững vị trí hàng đầu trong Bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PI) của Chính phủ phần nào phản ánh được tinh thần và sự quyết liệt của ngành Tài chính.

Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), ông Trương Huỳnh Thắng cho hay, để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương ban hành Kế hoạch hành động với 32 giải pháp được cụ thể hóa thành 54 sản phẩm đầu ra nhằm mục tiêu bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, giảm chi phí kinh doanh và cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tính đến 10/9/2018, Bộ Tài chính đã hoàn thành 100% kế hoạch đối với các nhiệm vụ của 8 tháng đầu năm 2018.

Bộ Tài chính đã triển khai nhiều nội dung cải cách đồng bộ, toàn diện, hướng tới cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như: Đẩy mạnh cải cách thể chế trong lĩnh vực tài chính với cách làm sáng tạo và linh hoạt (một Luật sửa nhiều luật, một Nghị định sửa nhiều Nghị định và một Thông tư sửa nhiều thông tư); đổi mới phương thức quản lý từ tiền kiểm, sang hậu kiểm (tuy có tăng áp lực, trách nhiệm lên cơ quan quản lý nhưng tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp); hiện đại hóa quản lý ví dụ như áp dụng hệ thống thông quan điện tử tự động VNACSS/VCIS trong lĩnh vực hải quan, hệ thống kê khai nộp thuế điện tử.

Với những nỗ lực cải cách, Bộ Tài chính đã được xã hội, doanh nghiệp đánh giá cao. Theo báo cáo môi trường kinh doanh - Doing Business năm 2018 được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện mạnh xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, tăng 14 bậc so với năm trước, riêng tiêu chí nộp thuế tăng 81 bậc lên thứ 86.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn đã điểm lại những nội dung nổi bật của các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển như: Chính sách thuế xuất nhập khẩu; Thuế giá trị gia tăng; Thuế tiêu thụ đặc biệt; Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Một số nội dung về quản lý thuế và cơ chế, chính sách về hóa đơn điện tử, đặc biệt là Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ về hóa đơn điện tử.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia của Vụ Pháp chế, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã trao đổi, giải đáp vướng mắc của các doanh nghiệp tham dự về những nội dung xoay quanh chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, về triển khai hóa đơn điện tử.../.

Minh Phương

475 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 951
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 951
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76793082